Luân chuyển, điều động cán bộ - thuận và khó!

16/09/2016 15:45

(Baonghean) - Một trong những nhiệm vụ được đặt ra cho công tác cán bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Đảng bộ tỉnh là xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Để thực hiện được nhiệm vụ này, giải pháp và khâu quan trọng là tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả về lý luận và thực tiễn, trong đó đặc biệt chú trọng về kỹ năng, năng lực thực tiễn cho cán bộ thông qua luân chuyển, điều động.

Nhiều vấn đề đặt ra từ thực tiễn

Tại huyện Đô Lương - đơn vị được đánh giá làm tốt công tác này đã có sự đa dạng trong luân chuyển, gồm luân chuyển từ huyện về cơ sở, từ cơ sở về huyện; luân chuyển ngang trong từng nội bộ khối dân, chính, đảng cấp huyện và giữa các khối dân, chính, đảng và xã này với xã khác.

Quá trình cán bộ luân chuyển, điều động, Ban Thường vụ Huyện ủy Đô Lương luôn theo sát, nghe ngóng để kịp thời nhắc nhở, đồng thời có sự tháo gỡ, hỗ trợ, giúp đỡ cán bộ, kể cả việc tạo điều kiện hỗ trợ về chương trình, dự án cho địa phương.

Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu thăm quan mô hình trồng cam, quýt ngọt tại xã Quỳnh Châu. Ảnh: V.H

Đồng chí Trương Hồng Phúc - Bí thư Huyện ủy Đô Lương, chia sẻ: Mặc dù đã có sự quyết liệt, tuy nhiên việc luân chuyển giữa các khối dân, chính, đảng đang đặt ra những khó khăn liên quan đến trình độ chuyên môn, năng lực công tác ở một số vị trí mang tính chuyên ngành, chuyên sâu; đặc biệt là tâm lý của cán bộ chính quyền không thích sang khối dân, khối đảng.

Với thị xã Hoàng Mai, trong điều kiện mới thành lập nên công tác luân chuyển, điều động cán bộ là một yêu cầu phải được thực hiện để đảm bảo “lấp đầy” bộ máy, vừa đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của thị xã và từng cơ sở. Khi xác định rõ nơi nào còn “hổng”, yếu kém và cán bộ nào có thể có năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quy tụ sức mạnh của tập thể để “lấp đầy” lỗ hổng, sự yếu kém, Thị ủy quyết liệt để thực hiện bằng được.

Nhờ đó, có những vị trí tưởng chừng như sẽ rất khó khăn để luân chuyển thì TX. Hoàng Mai cũng đã thực hiện thành công. Ví dụ luân chuyển Trưởng phòng Tài Chính về đảm nhận Bí thư phường Quỳnh Vinh. Tuy nhiên, theo đồng chí Hồ Văn Cậy - Trưởng ban Tổ chức Thị ủy Hoàng Mai, công tác luân chuyển, điều động được thực hiện thời gian qua mới chỉ dựa vào yêu cầu đòi hỏi của thực tế, chứ cấp ủy chưa thật sự có ý thức và chủ động để xây dựng kế hoạch, lộ trình một cách khoa học, xác định rõ thời gian, quy định cụ thể về chế độ luân chuyển.

Quá trình tiếp cận cơ sở, chúng tôi cũng đã ghi nhận nhiều bất cập, khó khăn đang đặt ra trong công tác luân chuyển, điều động. Đó là việc luân chuyển, điều động lâu nay mới chỉ dừng lại ở một số vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Việc luân chuyển cán bộ là đảng viên, nghĩa là người không giữ chức vụ; cán bộ chủ chốt xã này sang xã khác; kể cả một số cán bộ lãnh đạo, quản lý được bổ nhiệm quá hai nhiệm kỳ hoặc không phát huy tốt công việc đang đảm nhận, vẫn chưa được thực hiện.

Mặt khác, nhiều địa phương chưa thực hiện luân chuyển ngang giữa các cơ quan Huyện ủy, UBND, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể cấp huyện để tạo sự đồng đều về chất lượng cán bộ và hiệu quả hoạt động giữa các khối trong toàn bộ hệ thống chính trị.

Nhận thức của cấp ủy và cán bộ chưa thực sự đầy đủ, dẫn đến một số địa phương, đơn vị dự kiến đưa cán bộ về có tư tưởng cục bộ, khép kín, không muốn tiếp nhận cán bộ luân chuyển, điều động. Về phía cán bộ, ở một số vị trí có tâm lý “giữ chỗ”; một số cán bộ trẻ trong quy hoạch có tâm lý thích ổn định, ngại khó khăn và thử thách ở vị trí công tác mới; rồi chọn nơi đi, nơi đến...

Đồng chí Lê Quốc Khánh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng, công tác này, bên cạnh những chuyển động tích cực thì vẫn đang đặt ra nhiều khó khăn, hạn chế.

Đó là chưa tạo được sự thống nhất trong nhận thức của cán bộ, đảng viên về sự cần thiết, tầm quan trọng và ý nghĩa của việc luân chuyển, điều động cán bộ. Chế độ, chính sách cho cán bộ được luân chuyển, điều động chưa thống nhất, thiếu đồng bộ. Một số cấp ủy còn nể nang, chưa kiên quyết trong thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ...

Khắc phục tình trạng cục bộ

Ngày 15/3/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02 về luân chuyển, điều động đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, giai đoạn 2016 - 2020. Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên được ban hành trong nhiệm kỳ đại hội 2015 - 2020 đang được cấp ủy các cấp và cán bộ, đảng viên hưởng ứng với sự đồng thuận cao.

Nghị quyết 02 có nhiều điểm mới so với các văn bản trước đó, trong đó xác định rõ đối tượng luân chuyển, điều động, bao gồm đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, chứ không riêng cán bộ lãnh đạo, quản lý như trước đó. Nghị quyết cũng xác định rõ thời gian luân chuyển, điều động, ít nhất từ 3 năm trở lên đối với nam và ít nhất 2 năm trở lên đối với nữ.

Đồng chí Hoàng Đình Mỹ (thứ 2 từ trái sang) cùng lãnh đạo huyện  kiểm tra vùng nguyên liệu chè tại xã Hùng Sơn.
Lãnh đạo huyện Anh Sơn kiểm tra vùng nguyên liệu chè tại xã Hùng Sơn.

Nghị quyết cũng khẳng định rõ: Hết thời hạn luân chuyển, điều động, cán bộ được đánh giá hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được đề nghị bố trí ở chức vụ cao hơn; hoàn thành nhiệm vụ được đề nghị bố trí chức vụ tương đương; không hoàn thành nhiệm vụ sẽ xem xét cụ thể để bố trí lại công tác khác cho phù hợp.

Triển khai Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy, Huyện ủy Diễn Châu đã ban hành Kế hoạch thực hiện với mục đích đặt ra, đó là đảm bảo cán bộ, đảng viên tiếp cận được nhiều lĩnh vực, nhiều môi trường công tác, thông qua đó thử thách, rèn luyện và tạo nguồn cán bộ.

Để tạo sự đồng thuận và hiệu quả, khi có thông báo, Thường trực Huyện ủy sẽ tiến hành làm việc với cấp ủy nơi đến để nghe những khó khăn, những vấn đề mà cơ sở cần; gặp gỡ cán bộ được luân chuyển, điều động nghe chương trình hành động của cán bộ cũng như tâm tư, nguyện vọng, tạo điều kiện và tâm thế tốt nhất cho người luân chuyển.

Định kỳ hàng năm, Huyện ủy tổ chức làm việc với đơn vị có cán bộ luân chuyển đến để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của người luân chuyển trong từng năm và nghe kế hoạch thực hiện năm tiếp theo, trên cơ sở đó bổ cứu, góp ý và giúp cho cả cán bộ và tập thể, nhằm rèn luyện cán bộ, tạo bước chuyển mới cho địa phương, đơn vị.

Thị ủy Thái Hòa cũng ban hành đề án thực hiện Nghị quyết 02. Theo đó, Thị ủy phân định rõ đối tượng luân chuyển là những đảng viên, cán bộ còn đủ 1 - 2 nhiệm kỳ trở lên; còn thuyên chuyển, điều động là những đảng viên, cán bộ không đủ 1 nhiệm kỳ công tác.

Hướng của Thái Hòa là tập trung luân chuyển, điều động đảng viên, cán bộ về cơ sở. Song song với đó, thị xã cũng đang tập trung đánh giá lại đội ngũ cán bộ, công chức trên cơ sở cơ cấu, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định để chấn chỉnh, bố trí, sắp xếp lại đảm bảo phù hợp, phát huy năng lực, hiệu quả công tác.

Đồng chí Lê Quốc Khánh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy, lưu ý thêm: Các đơn vị, địa phương cần xác định những việc cần làm ngay và có kế hoạch cụ thể, chiến lược để tạo nguồn cán bộ trước mắt cũng như lâu dài. Công tác luân chuyển, điều động phải đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất của cấp ủy Đảng, được tiến hành dân chủ, công khai, chặt chẽ, thận trọng và kiên quyết, đúng quy trình; chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch để thực hiện đồng bộ trong cả hệ thống chính trị: giữa ngành với ngành, giữa ngành với địa phương, giữa địa phương này với địa phương khác.

Đồng chí Trần Khánh Sơn - Trưởng ban Tổ chức Thị ủy Thái Hòa

Thái Hòa đang trình xin ý kiến Ban Tổ chức Tỉnh ủy thực hiện chủ trương bổ sung thêm 1 chức danh phó bí thư đảng ủy đối với một số cơ sở khó khăn. Đây là giải pháp để thực hiện luân chuyển, điều động, vừa nhằm đào tạo, rèn luyện cán bộ, vừa tạo cho cơ sở khó khăn có thêm nguồn nhân lực, chất xám thực hiện nhiệm vụ chính trị. Hướng của Thái Hòa là tập trung luân chuyển, điều động đảng viên, cán bộ về cơ sở trong điều kiện đội ngũ cán bộ, công chức sau đại hội và bầu cử được kiện toàn ổn định, không có vị trí “khuyết” để thực hiện luân chuyển, điều động.

Đồng chí Hoàng Văn Bộ - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳnh Lưu

Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy xác định rõ việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ khi hết thời hạn luân chuyển, điều động. Điều này có tác động tích cực, tạo động lực để cán bộ phấn đấu, cống hiến cao. Vấn đề đặt ra là công tác đánh giá, nhận xét cán bộ phải thực sự khách quan, công tâm, tránh nể nang, hình thức; lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, phong trào ở địa phương, đơn vị mà cán bộ phụ trách làm thước đo đánh giá.

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN