Phố mưa - mấy ngả nỗi niềm
(Baonghean) - Mới trải những ngày nắng oi nồng, khô khát, bất chợt đài báo có áp thấp nhiệt đới. Mưa gió đầu tiên mang đến cái cảm giác mừng vui. Nhưng rồi đến ngày hôm sau, xách xe đi làm, thấy đất trời âm u đã bắt đầu nản...
Mà mưa thì như đổ nước ầm ào xuống nền đường, quất ngang, quất dọc không gian theo hướng vần vũ gió... Các ngả thành phố Vinh như đường Minh Khai, Lê Hồng Phong, Đinh Công Tráng, Ngư Hải, Nguyễn Văn Cừ..., chỉ cần nửa giờ đồng hồ mưa to không dứt là đã ngập trong nước. Đi ngả nào cũng thấy nước dềnh lên, có khác nào trong bài hát Trịnh: “Phố bỗng là dòng sông uốn quanh”.
Mưa trên phố Vinh. Ảnh: Lê Thắng |
Buồn nhất là ngắm cây trong mưa bão. Lá như những bàn tay vẫy cuống quýt chấp chới trong gió giật. Mới hiểu vì đâu, mấy hôm nắng nôi đã thấy người của Công ty Công viên Cây xanh đi dọc phố cưa cành, dọn lá. Là vì đã đến mùa giông bão về...
Mấy hôm, mưa gió đến nỗi, cây ngô đồng ngay ngã tư Lê Hồng Phong - Hecmann Gmeiner, cây lội trên phố Quang Trung cũng ngã đổ. Mà chuyện cây đổ năm nay, người dân phố Vinh bàn nhiều hơn bởi lẽ, cả 2 vụ cây đổ, đều có hình ảnh thật đẹp của người chiến sỹ cảnh sát giao thông thành phố. Cây ngô đồng đổ khi chiều tối, ngã xoài ra đường Lê Hồng Phong, cây lội ngã ngang đường Quang Trung lúc nửa đêm, đều được các đội cán bộ, chiến sỹ kịp thời đến giúp dọn, đảm bảo giao thông trên tuyến đường.
Những ngày mưa gió, nhiều khu vực mất điện, đèn giao thông cũng mất tín hiệu, sớm tinh mơ tại các ngã tư đã thấy có bóng các anh, chị cảnh sát giao thông đội mưa ra làm nhiệm vụ phân luồng, trợ giúp nhân dân rồi. Ông thợ cắt tóc già trên phố Lê Hồng Phong bữa nay xếp đồ nghề, ngồi thảnh thơi trong quán nước chè mà thủng thẳng: Cảnh sát giao thông phố Vinh ta dạo ni thân thiện hơn, gần dân hơn rất nhiều nhá!
Đêm mưa. Ảnh: Sách Nguyễn |
Ngồi, ngắm mưa xối qua ô cửa kính, thấy cô bạn quê Vinh giờ đang ở Sài Gòn nhắn tin: Chị ơi, quê đang mưa bão? Ừ, đang mưa to lắm. Trắng trời. Nhiều ngõ ngập rồi em! Biết là chỉ dòng tin ấy, khiến cô bạn lòng đầy nắc nỏm, chông chênh.
Lòng người miền Trung xa quê, ai chẳng có những cơn nắc nỏm như thế, khi bão lũ kéo về. Ấy là cô bạn vừa là hỏi thăm, mà cũng như trút nỗi lòng mình: Em nhớ những mùa mưa bão năm xưa lắm ở phố Vinh. Những cơn mưa bão đôi khi kéo về từ chiều tối, xuyên đêm và chỉ chịu ngưng bớt khi gần trưa ngày hôm sau.
Có những đêm mưa bão ràn rạt chạy băng qua phố. Những ngôi nhà im lìm đóng kín cửa bật ti vi xem tin bão về. Nghe nhà hàng xóm kêu cửa xin nến, mượn đèn pin vì nhà mất điện mà cuống quýt kiếm tìm, sốt ruột như thể nhà mình. Ừ, cũng đúng, dân phố Vinh đa phần từ các huyện xung quanh đổ về. Nhà ở phố có khi không mấy ảnh hưởng nhưng lòng cứ thấp thỏm vì quê nhà ở huyện nước ngập trắng đồng. Lúa của mẹ, của cha, của chị, em mình ở đó, nước mắt, mồ hôi anh chị em mình đổ ở đó… Dễ hiểu khi mà người phố, mỗi sớm mai ra qua cơn bão, câu đầu tiên vẫn hỏi nhau, ông bà ở quê có ảnh hưởng chi không với đôi mắt buồn hoang hoải...
Chỉ 40 phút mưa to không dừng là nhiều con phố bỗng thành...sông. Ảnh: S.N |
Sao nhớ hoài bão với lũ vậy? Tôi hỏi bạn. Bởi nhà em ngày ấy ở khu tập thể nằm ven sông Lam. Nước sông dâng cao rất nhanh. Có khi chỉ một đêm ngủ dậy, nước đã cao lên tới gần mé giường. Trong khi các bố mẹ tất bật kê đồ lên cao tránh nước thì đám trẻ con hồn nhiên thòng chân xuống giường khua lấy khua để và bật cười khanh khách khi phát hiện thấy mấy đàn cá bé xíu xiu vô tình trôi theo nước lũ chảy quanh những con mương, đi lạc vào nhà.
Có khi nước rút chậm, chợ Bến Thủy chìm trong nước không ai họp chợ buôn bán. Người lớn cũng chẳng buồn đi chợ vì nhìn quanh nhà mênh mông nước trắng xóa nhòa ranh giới những con mương nhỏ, bờ sông, con đường. Chỉ sợ sao nhãng đi một chút, con cái có thể chạy ra đường ham chơi mà lọt xuống sông. Lúc ấy, cả xóm sẽ vui vẻ chia nhau mớ cá khô, tép khô, bát nhút về xào, ống bơ lạc về rang. Mùi lạc rang trộn nước mắm tỏi, mùi cá khô, tép khô mằn mặn, nhút xào hành tăm chua chua, thơm phức lòng vòng quanh khu tập thể nhỏ.
Sau những ngày lũ về, người lớn đầy lo toan, đám trẻ con bao giờ cũng khó giấu niềm vui khấp khởi. Những con rạch, con mương đổ nước từ những nhánh sông nhỏ vào ruộng đồng dẫn theo từng đàn cá lớn nhỏ. Trẻ con ven những khu chợ Vinh, Vinh Tân, Đông Vĩnh, Bến Thủy… hí hửng kéo nhau đi đặt lưới bắt cá, thả mồi câu tôm. Đôi khi cá mẹ cá con dẫn nhau cả đàn chui vào, mắc lại lưới không quay ngược lại được. Tiếng cá quẫy đành đạch tan trong tiếng hò hét, tiếng cười của đám trẻ, vỡ cả ban trưa trời đầy mây xám sầm sì.
Những ngày bão lũ, đám bạn khu nhà tầng thường có sở thích kéo nhau đến nhà mấy đứa nhà đất để có cảm giác bước chân ra khỏi nhà là lội nước. Có những buổi trưa mưa ngưng, nước chưa kịp rút, phố phường trắng xóa nước. Trẻ con hò hét nhau xắn quần cao trên đầu gối, chạy dọc chạy quanh con phố ngập nước. Áo quần, mặt mày, tóc tai ướt mèm, tiếng nói tiếng cười chen tiếng xe cộ xôn xao, xôn xao.
Phố, sau mưa lũ, những lối dọc ngang chợ Vinh vắng hơn vì người dân các huyện chưa lên họp chợ. Những buổi chiều ra chợ ngày mưa bão rất khác bình thường, hiếm khi các mẹ, các chị đi chợ mà trả giá. Có khi vừa mua cá đồng đầu chợ, tới giữa chợ lại mua thêm mớ nữa vì người bán là thằng bé bằng tuổi con mình, nhìn thương không đặng bước qua.
Thế đó, ký ức lại gọi về, trong nỗi nhớ người xa quê. Mà như chỉ chực chờ những ngày mưa bão thế, người ta mới có cớ để nói hết bao chất chứa, nhớ thương. Nhắn với cô bạn: Phố Vinh mình vẫn còn những con đường ngập mưa, nhưng đâu còn cảnh khổ như xưa nữa chứ? Thì biết vậy, nhưng vẫn thương chị à.
Cô nặng lòng vừa thôi, có biết không, đêm Mười Bốn trời lại trong như chưa bao giờ trong thế nhé. Cả người lớn trẻ con như đổ cả ra đường. Mùa mưa bão, lạ thế, luôn đến vào dịp Rằm tháng 8. Mấy hôm mưa, mặt nạ Tôn Ngộ Không, mặt nạ Trư Bát Giới, đèn lồng cũng nằm buồn trong quán hàng, thì bữa 14 đã tràn trề sắc màu khắp nẻo. Phố bây giờ chật cứng ô tô. Mà khu phố nào cũng tổ chức múa lân cả. Phố nào cũng rộn ràng tiếng trống, tiếng cười...
T.Vinh - V. HươngTIN LIÊN QUAN