20 năm thanh tẩy 'thành phố sát nhân' định hình phong cách Duterte

22/09/2016 06:53

Tổng thống Philippines Duterte kỳ vọng những chính sách từng giúp ông thay máu cho "thành phố sát nhân" Davao năm nào có thể làm biến đổi bộ mặt xã hội Philippines hiện tại.

Một phụ nữ ôm chặt xác người chồng bị bắn chết trên đường phố Philippines vì tình nghi buôn bán ma túy. Ảnh: Reuters
Một phụ nữ ôm chặt xác người chồng bị bắn chết trên đường phố Philippines vì tình nghi buôn bán ma túy. Ảnh: Reuters

Tại Philippines, chế độ độc tài kéo dài suốt hai thập kỷ của tổng thống Ferdinand Marcos chấm dứt năm 1986 đã mở ra một tương lai đầy biến động. Chính phủ mới của tổng thống Corazon Aquino phải đối mặt với hàng loạt thách thức, từ âm mưu đảo chính trong giới quân đội đến các cuộc nổi dậy đòi cải cách do những người biểu tình đầy giận dữ tiến hành. Philippines bị bao trùm bởi hàng loạt vấn đề như tham nhũng, tội phạm, kinh tế trì trệ, bạo loạn..., theo Atlantic.

'Thành phố sát nhân'

Năm 1987 và 1988, phóng viên Sheila Coronel có cơ hội đến Davao, thành phố bên bờ biển phía nam tỉnh Mindanao, Philippines, để tác nghiệp. Coronel đã chứng kiến cảnh Davao chìm trong bất ổn, đói nghèo bởi những cuộc nổi dậy cùng tình trạng mất trật tự xã hội do luật lệ lỏng lẻo. Nơi đây trở thành vùng đất màu mỡ cho tội phạm phát triển.

Đường phố chật kín các trạm kiểm soát. Tuy nhiên, chúng vẫn không thể ngăn tội phạm bắn giết lẫn nhau, thậm chí bắn cả cảnh sát, ngay giữa ban ngày. Năm 1985, tạp chí Asia Week còn gọi Davao là "thành phố sát nhân".

Tối muộn một ngày tháng 9/1988, Coronel cùng đồng nghiệp lái xe quanh Davao cùng thị trưởng mới được bầu Rodrigo Duterte, để cùng tìm hiểu về những chính sách ông đề ra nhằm thay đổi bộ mặt thành phố. Ông Duterte sôi nổi nói về những thách thức trong việc duy trì trật tự ở Davao.

Ông kể mình từng đích thân tới bệnh viện và ngắt máy thở của một tên tội phạm buôn bán ma túy bị thương nặng. Người đồng nghiệp đi cùng Coronel còn nhắc tới một câu chuyện khác về việc Duterte có lần khẳng định chắc nịch ông đã ném một kẻ buôn ma túy ra khỏi trực thăng. Không ai có thể kiểm chứng tính chính xác trong những mẩu chuyện này. Song, Coronel biết rõ một điều là chúng ít đáng sợ hơn rất nhiều những thứ ông nghe từ các ngõ ngách ở Davao.

Hồi tháng 5, ông Duterte, người giữ chức thị trưởng Davao suốt 21 năm, đắc cử trở thành Tổng thống Philippines. Ông tuyên bố sẽ quét sạch tội phạm ma túy chỉ trong 6 tháng đầu nhiệm kỳ bằng những biện pháp cứng rắn chưa từng thấy. Đến nay, chiến dịch chống ma túy do Tổng thống Duterte khởi xướng đã khiến gần 3.000 người thiệt mạng chỉ sau ba tháng.

Dù bị cộng đồng quốc tế cùng các nhóm nhân quyền chỉ trích, ông Duterte không có ý định lùi bước. "Tôi sẽ không dừng lại cho tới khi kẻ buôn ma túy cuối cùng trên đường phố Philippines bị tiêu diệt", Tổng thống Duterte hôm 19/9 tuyên bố. "Tôi sẽ giết tất cả những tên trùm ma túy. Không thương tiếc".

Đối với ông Duterte và những người ủng hộ, Davao, thành phố từng bị gán mác "cái nôi" của tội phạm ma túy nay chuyển mình thành khu vực yên bình bậc nhất Philippines, là minh chứng rõ nét nhất cho thấy tính hiệu quả của phương pháp đấu tranh diệt tội phạm mà Tổng thống Philippines theo đuổi.

Theo Coronel, ông Duterte đã đặt cược sinh mạng chính trị vào giả định rằng nếu người dân Davao có thể trả cái giá đắt đến thế để đổi lấy ổn định và trật tự thì toàn bộ dân chúng Philippines cũng hoàn toàn có khả năng làm điều tương tự.

Nhưng thành công ở Davao không tự nhiên đến. Để xác lập lại trật tự, ông Duterte đã phải ban hành hàng loạt chính sách kiểm soát chặt chẽ, ví dụ như áp đặt lệnh giới nghiêm đối với trẻ vị thành niên, hay cấm bán rượu về đêm. Không giống như hầu hết những địa phương khác trên cả nước, các quy tắc giao thông cũng như luật lệ trong thành phố được thực thi rất nghiêm chỉnh.

Một số nhóm nhân quyền nói ông Duterte đã ra lệnh thành lập cái gọi là Biệt đội Tử thần Davao, tập hợp những tên côn đồ, cựu binh sĩ và cảnh sát, thực hiện nhiệm vụ truy quét tội phạm. Từ năm 1998 đến 2015, biệt đội trên bị cáo buộc giết hại hơn 1.400 tên tội phạm, thậm chí cả trẻ em, trên đường phố Davao.

Tuần trước, một người đàn ông tên Edgar Matobato xác nhận trước Thượng viện Philippines rằng ông ta từng là thành viên thuộc Biệt đội Tử thần Davao. Biệt đội thành lập năm 1988, ngay sau khi ông Duterte lên làm thị trưởng. Matobato cho biết ông cùng các thành viên biệt đội khác được thành phố trả tiền. Họ có nhiệm vụ tiêu diệt những kẻ tình nghi buôn bán ma túy, hiếp dâm, cướp giật. Matobato thêm rằng ông có lần còn phải chặt xác các nạn nhân rồi cho cá sấu ăn hay chôn xác họ trong hầm mỏ. Ông Duterte phủ nhận, gọi chúng là "những lời cáo buộc từ một kẻ điên".

Định hình phong cách

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: AP
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: AP

Theo các chuyên gia, những biện pháp quyết liệt ông Duterte theo đuổi được định hình từ quãng thời gian ông làm thị trưởng Davao. Chúng đang cộng hưởng với tâm lý lo âu bên trong xã hội Philippines. Nhiều người dân hiện vẫn không tin tưởng vào bộ máy chính quyền cũng như các cơ quan thực thi pháp luật.

Năm ngoái, kết quả từ một cuộc thăm dò trên phạm vi cả nước cho thấy dù tỷ lệ tội phạm đã giảm, tâm lý bất an vẫn hiện hữu. Philippines chưa thể bị liệt vào danh sách quốc gia tội phạm nhưng hoạt động buôn bán ma túy ở đây đang tăng nhanh và chính quyền chưa thể kiềm chế vấn nạn này, chuyên gia đánh giá.

Trên khắp cả nước, từ tầng lớp nghèo khó đến trung lưu, ai cũng lo lắng về vấn nạn ma túy. Thế nhưng đa phần tầng lớp tinh hoa chính trị truyền thống lại tỏ rõ thái độ thờ ơ, đồng thời bất lực trong việc giải quyết những vấn đề đang nhức nhối trong xã hội. Vì thế, việc chiến dịch tuyên chiến với tội phạm ma túy mà ông Duterte phát động nhận được sự hưởng ứng từ dân chúng là điều không mấy bất ngờ, Coronel nhận xét.

Theo giới quan sát, để thấu hiểu động lực khiến ông Duterte kiên quyết theo đuổi các biện pháp cứng rắn trong cuộc chiến chống ma túy, cần quay trở về thời điểm ông bắt đầu dấn thân vào chính trường. Ở Davao đầu những năm 1980, cuộc đấu đá của các thế lực chính trị biến thành phố thành một chiến trường thực sự.

"Phải tận mắt chứng kiến bạn mới tưởng tượng ra được sự hỗn loạn lúc bấy giờ", Coronel chia sẻ. Cả thành phố bị khủng bố bởi những "đội dân phòng" mang theo dao và súng, liên tục tuần tra các con đường. Davao khi ấy không khác gì một bãi thử nghiệm những chiến lược chống nổi dậy, ông cho biết thêm.

Giữa tình cảnh hỗn loạn, ông Duterte nổi lên như là niềm hy vọng duy nhất của thành phố. Chỉ trong vài năm, ông đã gặt hái thành công trong việc ổn định tình hình chính trị ở Davao. Những chính sách ông Duterte áp dụng khiến giới tinh hoa trong thành phố hài lòng bởi nhờ thế mà công việc kinh doanh của họ mới có điều kiện phát triển.

Ông giữ mối quan hệ hòa hoãn với những phần tử ly khai Hồi giáo và nhận được sự ủng hộ từ các tổ chức phi chính phủ nhờ những chương trình hỗ trợ người nghèo. Giờ đây, Davao đã hóa thân thành một trung tâm du lịch và thương mại ổn định bậc nhất Philippines.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng ông Duterte khó lòng thành công nếu thiếu vắng lực lượng quy tụ những tay súng bịt mặt vô danh thường được biết đến với cái tên Biệt đội Tử thần.

Thách thức

Xác hai người bị cảnh sát bắn chết trên đường phố Philippines được chuyển đi bằng xe đẩy. Ảnh: Reuters
Xác hai người bị cảnh sát bắn chết trên đường phố Philippines được chuyển đi bằng xe đẩy. Ảnh: Reuters

Giới chuyên gia nhận định Tổng thống Duterte dường như đang đặt cược những sách lược ông thực thi ở Davao sẽ phát huy tác dụng trên toàn Philippines. Nhưng đây chính là căn nguyên của vấn đề. Việc quản lý một quốc gia với 100 triệu người khó khăn hơn rất nhiều so với xử lý vấn đề của một thành phố dân số dưới hai triệu.

Ngoài những bất ổn chính trị còn bám rễ từ sau sự sụp đổ của chính quyền tổng thống Marcos, Philippines ngày nay còn phải đối mặt với một loạt thách thức khác như nền văn hóa đa nguyên chính trị, nền báo chí hung hăng và một xã hội dân sự nhiều biến động.

Ở Davao, ông Duterte không phải đau đầu vì những chính sách đối ngoại. Nhưng với tư cách Tổng thống Philippines, mọi chuyện phức tạp hơn thế nhiều lần, Coronel nhận định. Chiến dịch truy quét tội phạm ma túy do Tổng thống Duterte khởi xướng, cho phép giết người không qua xét xử, dù nhận được đồng thuận từ một bộ phận người dân nhưng lại đang bị thế giới lên án mạnh mẽ, đe dọa tới uy tín của ông trên trường quốc tế.

Mặt khác, với tư cách một tổng thống, mọi tuyên bố ông Duterte đưa ra đều đòi hỏi phải có sức nặng, gần như tương đương với một chính sách chính thống. Nhưng ông Duterte lâu nay vẫn nổi tiếng với hình ảnh một tổng thống bạo miệng. Và đây chính là vấn đề hóc búa đối với ông vào lúc này.

Theo Coronel, nếu điều chỉnh giọng điệu thâm trầm hơn, ông sẽ đánh mất hình ảnh mạnh mẽ mà mình gây dựng bấy lâu. Nhưng nếu kiên quyết giữ thái độ như từ trước tới nay, ông Duterte cần nhanh chóng tìm ra cách để những phát ngôn bạo miệng không làm nảy sinh xung đột trong các vấn đề nhân quyền, chính sách đối ngoại hay gây chia rẽ với công đồng quốc tế

"Ông ấy đang ở giữa một vùng lãnh thổ mới. Sách lược Davao không còn phù hợp. Đến lúc viết một cuốn sách khác rồi", Coronel nhận định.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN