Quản lý kinh doanh online tiềm ẩn nhiều rủi ro
(Baonghean) - Kinh doanh online ngày càng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, bởi những tiện ích phù hợp với cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, việc giao dịch online vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mà phần thiệt thòi luôn thuộc về phía người tiêu dùng.
Hiện mới chỉ có 312 website TMĐT trên địa bàn tỉnh đăng ký hoạt động trong tổng số trên 1.000 trang đang hoạt động dưới hình thức TMĐT. Đồ họa: Dương Tuân |
Giao dịch bằng niềm tin “ảo”
Mua sắm trực tuyến đang rất thu hút người tiêu dùng. Luôn bận rộn với công việc nên chị Nguyễn Kim Ngân (phường Hưng Dũng, TP.Vinh) thường đi chợ online. Chị thường mua quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng và các loại thực phẩm quê... trên một số trang web bán hàng trực tuyến. Chị Ngân cho biết: “Thay vì, phải mất thời gian tới trung tâm mua sắm, hay ra chợ, đơn giản, ở bất cứ đâu tôi cũng có thể chọn món hàng mình yêu thích bằng cách click chuột. Đã quen chọn mua hàng trên mạng nên mình có tìm kiếm được một số trang web uy tín. Sau đó, sẽ nhận được hàng ngay tại nhà, rất nhanh chóng và tiện lợi”.
Nhu cầu mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng ngày càng tăng cao đã thúc đẩy mạnh mẽ kênh kinh doanh hiện đại này phát triển, trong thời gian gần đây. Nhiều doanh nghiệp sử dụng website bán hàng như công cụ hữu ích, hỗ trợ kênh bán hàng truyền thống và đã đạt được hiệu quả khả quan. Anh Phan Anh Trung – Quản lý cửa hàng của một hãng thời trang tại TP. Vinh cho biết: “Ngoài 2 shop bán hàng, chúng tôi còn có 2 trang web và 1 trang fanpage phục vụ kinh doanh online. Để thu hút khách, chúng tôi cũng có chính sách cho phép khách hàng thử đồ, đổi trả, vừa ý thì mới thanh toán. Nhờ vậy, doanh số bán hàng trực tuyến chiếm trên 60% tổng doanh số của nhãn hàng chúng tôi tại Nghệ An”.
Hội, chợ bán hàng trực tuyến ngày càng nở rộ, gây khó khăn trong việc quản lý hình thưc kinh doanh này, 2 |
Mặc dù là kênh kinh doanh hiện đại với nhiều tiện ích, tuy nhiên, việc giao dịch trên thị trường “ảo” vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc mua – bán chủ yếu dựa vào niềm tin nên phần lớn người tiêu dùng mua hàng theo kiểu “hên, xui”. Đã có không ít người mua hàng online thất vọng và gặp phải tình huống “dở khóc dở cười”. Bị những hình ảnh quảng cáo ấn tượng của các trang web thời trang hấp dẫn, chị Phan Thị Thanh (Nam Giang, Nam Đàn) đã đặt mua váy, áo online. Nhưng khi nhận sản phẩm, chị mới tá hỏa vì nó khác xa với hình ảnh quảng cáo trên website trực tuyến. Chị Thanh phàn nàn: Dù mua phải hàng kém chất lượng, không đúng theo ý mình nhưng lại không được đổi trả”.
Ngoài ra, trên các chợ, hội online, không ít người than thở vì bị hớ khi mua hàng online. Facebook Bà già thời gian chia sẻ: “Em mất oan 500.000 đồng đặt cái váy trong Sài Gòn về như dẻ lau nhà, không đúng với trong hình quảng cáo”. Còn facebook Oanh ca thì cho biết, cô bị mất gần 1 triệu nhưng không có được bộ đồ ứng ý, đổi trả thì chủ không cho. Hiện nay, hàng nghìn trang web “ảo” xuất hiện mỗi ngày, theo đó, cũng đã có không ít khách hàng mất tiền oan vì mua hàng qua mạng.
Khó quản lý
Theo thống kê của Sở Công Thương, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 1.200 website hoạt động dưới dạng điện tử (TMĐT), song mới chỉ có 312 website TMĐT đã làm thủ tục thông báo, đăng ký với Bộ Công Thương; hoạt động đúng quy định. Đồng nghĩa, ngoài 312 website TMĐT trên thì những website TMĐT chưa làm thủ tục thông báo với Bộ Công Thương đều đang vi phạm Điều 27 của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP; về trách nhiệm của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website TMĐT bán hàng. Đáng nói là các website vi phạm vẫn hoạt động dưới hình thức TMĐT nên liệu các giao dịch trực tuyến cũng như hàng hóa được rao bán trên các trang này có thực sự đảm bảo?
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TMĐT, thời gian qua, Sở Công Thương đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn cho đại diện của các cơ quan Quản lý nhà nước các cấp, các hiệp hội doanh nghiệp, HTX, sinh viên một số trường đại học trên địa bàn về việc chấp hành pháp luật liên quan đến hoạt động TMĐT. Theo ông Nguyễn Huy Cương – Phó Giám đốc Sở Công Thương: Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông bằng nhiều hình thức khác nhau để các DN và cá nhân đã sở hữu website TMĐT về việc chấp hành thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương, và thực hiện hoạt động đúng pháp luật, liên quan đến TMĐT. Đến quý 2 năm 2017, sở sẽ tiếp tục tổ chức đoàn kiểm tra và xử phạt nghiêm minh những chủ website TMĐT vi phạm.
Không ít người tiêu dùng có sở thích mua hàng trực tuyến cũng gặp những tình huống dở khóc dở cười khi mua hàng online (Ảnh comment trên Hội chợ mẹ & bé Nghệ An - Hà Tĩnh). |
Năm 2015, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Công Thương chủ trì đã tiến hành kiểm tra hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh qua mạng trên địa bàn tỉnh Nghệ An; đã xử phạt 16 website TMĐT của doanh nghiệp, thu nộp ngân sách tỉnh 340.000.000 đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: cung cấp dịch vụ TMĐT không thực hiện đăng ký với Bộ Công Thương, website TMĐT bán hàng không thực hiện nghĩa vụ thông báo với Bộ Công Thương...
Tuy nhiên, hiện các cơ quan chức năng mới chỉ quản lý hoạt động kinh doanh trực tuyến đối với các website hoạt động dưới dạng TMĐT. Trong khi, số lượng tên miền thống kê trên địa bàn toàn tỉnh hiện có gần 2.500. Ngoài ra, các trang fanpage, facebook, hội, chợ… được tận dụng để giao dịch mua bán hàng hóa hiện có số lượng rất lớn và ngày càng gia tăng. Hàng hóa được rao bán qua các kênh này thường không có hóa đơn, phiếu mua hàng, chất lượng hàng hóa không được kiểm chứng, độ rủi ro trong giao dịch online vì thế lại tăng lên.
Người tiêu dùng than thở trên các chợ vì bị hớ khi mua hàng online. |
Thực tế, hiện nay một bộ phận người tiêu dùng vẫn có tâm lý thích rẻ hoặc thiếu hiểu biết, chưa mấy quan tâm đến quyền lợi khi mua hàng nên thường “mắc bẫy” của một số trang bán hàng không chính thống. Bởi vậy, để tránh thiệt thòi khi mua hàng trực tuyến, trong bối cảnh, công tác quản lý hoạt động kinh doanh online hiện vẫn còn nhiều bất cập, đòi hỏi người tiêu dùng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình.
Ông Nguyễn Viết Hùng - Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Nghệ An khuyến cáo: Người tiêu dùng chỉ nên mua sắm trực tuyến tại các sàn giao dịch, website TMĐT uy tín và đã được cấp phép. Về hình thức thanh toán, nên chọn “thanh toán tạm giữ” để đảm bảo chỉ khi nhận được hàng đúng mô tả, người bán mới có thể rút tiền, tuyệt đối không chuyển tiền trực tiếp cho người bán khi mua hàng online. Nếu mua hàng ở những website chính thống thì người tiêu dùng có thể yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn, phiếu mua hàng đầy đủ. Nếu gặp vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm không đảm bảo, rắc rối khi giao dịch hàng hóa qua mạng, người tiêu dùng có thể gửi yêu cầu đến Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng để được tư vấn, hướng dẫn các thủ tục giải quyết; để được đảm bảo quyền lợi. |
Đinh Nguyệt
TIN LIÊN QUAN |
---|