Phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng các tiến bộ KHKT
(Baonghean) - Sau Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020, bằng những cách làm hay, sáng tạo, Anh Sơn đã tạo được sự thay đổi từ nhận thức đến hành động.
Chè thương phẩm tại xã Hùng Sơn (Anh Sơn). |
Về Thọ Sơn hôm nay, cảm giác một xã khó đang vươn mình thức dậy đã dần hiện hữu. Con đường xanh vùng nguyên liệu vào trung tâm xã dẫu còn khó khăn bởi sự xuống cấp, hư hỏng nhưng màu xanh của mía, của sắn, của rừng cho thấy một cuộc sống mới của nhiệm kỳ đã khơi thông bế tắc đã bắt đầu nơi đây. Thọ Sơn là một trong những xã nghèo nhất của huyện Anh Sơn, cách xa trung tâm huyện đến 40 km.
Bí thư Đảng ủy xã La Văn Hoạt cho biết: "Lợi thế của Thọ Sơn là đất trồng rừng nguyên liệu và cây công nghiệp, đặc biệt là cây mía. Do vậy, nhiệm kỳ này, 2 mũi nhọn chủ lực đã được đảng bộ xã xác định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo là: khôi phục lại vị thế cây mía với việc đưa giống mới, cơ giới hóa để tăng năng suất, sản lượng và triển khai trồng rừng nguyên liệu".
Cây mía vốn dĩ là cây chủ lực, mũi nhọn, cây hàng hóa của Thọ Sơn, vụ trồng nhiều nhất diện tích lên đến gần 450 ha, nhưng rồi diện tích cứ giảm dần do năng suất thấp, và cây mía dần "nhường chỗ" cho cây sắn, cho đến bây giờ diện tích 2 loại cây này gần bằng nhau. "Phải thay đổi bộ giống và đưa tiến bộ khoa học vào để tăng giá trị cây mía trên đất Thọ Sơn. Cán bộ, đảng viên phải làm trước để bà con thấy rồi làm theo"- Bí thư Hoạt chia sẻ.
Kiểm tra mô hình mía giống mới và đưa cơ giới vào trong quá trình canh tác tại Thọ Sơn |
Dẫn chúng tôi đi thăm ruộng mía rộng hơn 7 sào đã được trồng mới giống mía LK92- 11 xanh tốt vượt quá đầu người tại bản Khe Trằng Thượng, Bí thư Hoạt cho biết tới đây đảng ủy xã sẽ chỉ đạo UBND xã tổ chức hội thảo đầu bờ để bà con có mô hình đối chứng, xã tiếp tục mời Nhà máy đường Sông Lam vào khảo sát nhằm liên kết sản xuất để đưa giống mới, cơ giới vào sản xuất. Nhiều vùng đất bằng tập trung như Thung Chanh, khe Dạ, đồng Sao... có thể trở thành những vùng chuyên canh mía chất lượng cao của xã.
Với diện tích trên 2.300 ha đất lâm nghiệp, Thọ Sơn thuộc trong nhóm xã có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất huyện. Đồng chí Dương Thị Huệ - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Chúng tôi xem báo, ti vi cũng đã biết cơ chế chính sách vùng nguyên liệu của Nhà máy gỗ MDF Nghệ An và xã cũng đã liên hệ với lãnh đạo nhà máy mời khảo sát thực địa để triển khai trồng rừng trong vụ tới". Rõ ràng việc xác định 2 mũi trọng tâm để triển khai lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cho thấy Đảng bộ Thọ Sơn đã sẵn sàng cho một nhiệm kỳ tăng tốc phát triển dựa trên những điều kiện lợi thế.
Ông Nguyễn Công Vĩnh - Tổng Giám đốc Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm: Anh Sơn là một trong những huyện đã được UBND tỉnh quy hoạch phát triển nguyên liệu cho Nhà máy gỗ MDF Nghệ An. Vì vậy, không những Thọ Sơn mà các xã trên địa bàn huyện có diện tích rừng và đất rừng nguyên liệu lớn, tập trung chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp, khảo sát để đưa cơ chế chính sách trồng, thu mua nguyên liệu gỗ, tạo sự gắn kết bền vững giữa nhà máy và nông dân vùng nguyên liệu. |
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 đặt ra mục tiêu Anh Sơn phát triển toàn diện trở thành một huyện khá của tỉnh. Mục tiêu khá cao đặt trong điều kiện địa phương không có nhiều điều kiện lợi thế, do vậy cụ thể hóa mục tiêu bằng các nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả đang là sự trăn trở của cấp ủy đảng từ huyện đến cơ sở. Do vậy, sau đại hội Anh Sơn bên cạnh nỗ lực thu hút đầu tư vào những lĩnh vực mà địa phương có thế mạnh như: xi măng, sản xuất than củi sạch, chế biến nông sản... thì lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cũng đặc biệt quan tâm.
Trong 8 đề án đã ban hành cụ thể hóa chương trình hành động thì đã có 2 đề án trên lĩnh vực nông nghiệp nhằm hướng tới nền nông nghiệp chiều sâu, bền vững, đó là đề án "xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp" và "nâng cao hiệu quả kinh tế vườn, phát triển kinh tế trang trại" nhằm mục tiêu nâng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tạo cơ sở để thực hiện mục tiêu tăng giá trị trên đơn vị diện tích đạt 64 triệu đồng/ ha.
Nhà máy đường sông Lam đưa cơ giới hóa vào công đoạn làm cỏ cho cấy mía ở Cẩm Sơn |
Cụ thể hóa định hướng, quan điểm phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo giá trị kinh tế cao... Anh Sơn đã có một số mô hình khẳng định hiệu quả, như mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân ứng dụng KHKT trong trồng mía tại Nhà máy đường Sông Lam ở Thung Bừng (Cẩm Sơn) với việc Công ty mía đường Sông Lam thuê lại đất của nông dân đưa cơ giới hóa, giống mới vào canh tác khép kín quy trình đưa cơ giới hóa trong trồng, chăm sóc, thu hoạch mía.
Hay mô hình trồng dưa trong nhà màng sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trên diện tích hơn 2.000 m2 của ông Trương Văn Hòa ở xã Hội Sơn cũng đã cho thấy hiệu quả vượt trội...
Rõ ràng, định hướng phát triển một nền nông nghiệp tạo giá trị sản phẩm cao trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật là hướng đi hoàn toàn đúng đắn để Anh Sơn khắc phục những bất cập, tồn tại, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trong điều kiện địa phương không có nhiều lợi thế trên lĩnh vực này.
Đồng chí Nguyễn Hữu Sáng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Trên cơ sở định hướng chung về việc phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng các tiến bộ KHKT, chúng tôi khuyến khích sự chủ động, tích cực nêu ý tưởng sáng tạo, xây dựng mô hình, cách thức triển khai thực hiện của các bộ phận chuyên môn cũng như các địa phương. Trên cơ sở đó, UBND huyện có cơ chế chính sách cũng như giải pháp hỗ trợ kết nối từng công đoạn theo chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm". |
Hữu nghĩa
TIN LIÊN QUAN |
---|