Hoàng Mai: 'Thiếu thì thiếu, nghèo thì nghèo cũng phải đầu tư cho giáo dục'

28/09/2016 17:20

(Baonghean) - Thực hiện “sự nghiệp trồng người” trong bối cảnh bộn bề khó khăn, thử thách đang đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của thị xã Hoàng Mai bằng nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả để đưa sự nghiệp giáo dục xứng tầm với truyền thống đất học và vùng trọng điểm kinh tế năng động của tỉnh.

PV Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Đoàn Hồng Vũ, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Hoàng Mai về vấn đề này.

P.V: Thưa đồng chí, dù mới thành lập, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng thị xã Hoàng Mai đã thực sự tích cực chăm lo cho sự nghiệp giáo dục đào tạo? Đồng chí có thể cho biết Thị xã đã có những phương án gì để khơi dậy tổng thể các nguồn lực cũng như truyền thống đất học của quê hương?

Đồng chí Đoàn Hồng Vũ: Có thể nói, Thị xã Hoàng Mai thành lập trong bối cảnh ban đầu gặp rất nhiều khó khăn về mọi mặt, trong đó có khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, con người trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Trong số 10 đơn vị của TX. Hoàng Mai hiện nay thì có một số xã, phường trước đây thuộc địa bàn vùng xa, vùng khó khăn của huyện Quỳnh Lưu nên việc đầu tư nguồn lực có nhiều hạn chế.

Chúng tôi xác định rằng việc chăm lo cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, tạo nguồn lực con người quyết định sự phát triển của thị xã nên ngay sau khi thị xã đi vào hoạt động, BCH Đảng bộ thị xã đã ban hành đề án số 03 - ĐA/ ThU ngày 31/3/2014 về phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2013 - 2015, có tính đến năm 2020.

Một tiết học ở Trường THCS Quỳnh Thiện (TX. Hoàng Mai).
Một tiết học ở Trường THCS Quỳnh Thiện (TX. Hoàng Mai).

Ngày 30/3/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã đã đánh giá kết quả sau 2 năm thực hiện đề án. Theo đó, với những kết quả đạt được rất tích cực đã tạo cho Hoàng Mai một vị thế, tiềm lực mới để tiếp tục phát triển sự nghiệp GD&ĐT.

Nhìn chung, đề án đã làm chuyển biến tư tưởng nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các nhà quản lý giáo dục, các tầng lớp nhân dân về GD&ĐT. Công tác quản lý giáo dục và xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên đã đi vào nề nếp và hiệu quả hơn. Đã xây dựng được quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục; việc luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ quản lý, tiếp nhận giáo viên kịp thời và được thực hiện dân chủ, công khai tạo được sự tin tưởng, đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, giáo viên và các tầng lớp nhân dân.

Học sinh THCS đọc sách tại Thư viện nhà trường.
Học sinh THCS đọc sách tại Thư viện nhà trường.

Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, bổ sung thiết bị dạy, học cho các trường với kết quả đã làm mới 134 phòng học, 4 nhà ăn bán trú với tổng kinh phí 126.721.000.000 đồng; thành lập mới Trường Mầm non Long Thành theo loại hình tư thục, MN Quỳnh Phương 2; thành lập Trường THPT Hoàng Mai 2; sắp xếp một số lớp điểm chất lượng cao ở các trường THCS; công tác khuyến học, khuyến tài được quan tâm có kết quả.

Trường Mầm non Long Thành được xây dựng khang trang nhờ việc thu hút xã hội hóa.
Trường Mầm non Long Thành được xây dựng khang trang nhờ thực hiện công tác xã hội hóa.

Kết thúc năm học 2015 - 2016, xếp loại học lực tỷ lệ học sinh khá, giỏi 47,43% (tăng 1,33% so với năm học 2013 - 2014, riêng tỷ lệ HS xếp loại giỏi tăng 2,66%). Thị xã có 22 em học sinh THCS được công nhận học sinh giỏi cấp tỉnh, xếp thứ 12/21 toàn tỉnh; 14 em học sinh THPT được công nhận học sinh giỏi cấp tỉnh, 7 em đạt học sinh giỏi cấp quốc gia trong kỳ thi IOE. Có 1 giáo viên giỏi cấp quốc gia và 22 giáo viên giỏi tỉnh các cấp học...

Tuy nhiên, những kết quả đạt được trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được sự mong đợi của cấp ủy, chính quyền và nhân dân.

P.V: Bên cạnh sự nỗ lực, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, giáo dục Hoàng Mai còn có những yếu kém gì cần phải khắc phục thưa đồng chí?

Đồng chí Đoàn Hồng Vũ: Đánh giá kết quả sau 2 năm thực hiện Đề án số 03, trên tinh thần thẳng thắn, BCH Thị ủy Hoàng Mai đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế của giáo dục Hoàng Mai cần phải khắc phục đó là: thực hiện mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia không đạt kế hoạch (mới chỉ đạt 53,66%/KH 60,98%); vẫn còn 1 xã chưa đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (xã Quỳnh Vinh); Nhiều công trình trường học xuống cấp, vẫn còn 65 phòng học tạm, mượn; một số trường giáo viên, nhân viên còn thiếu; tỷ lệ học sinh bỏ học vẫn còn; công tác xã hội hóa giáo dục ở một số đơn vị chưa tốt...

Những hạn chế, yếu kém này ngoài nguyên nhân khách quan do điều kiện thị xã mới thành lập còn bộn bề khó khăn thì vẫn còn một số phường, xã, trường học chưa thực sự vào cuộc quyết liệt trong việc thực hiện đổi mới giáo dục; vẫn còn tư tưởng bảo thủ, trông chờ ỷ lại; ngại khó;

Ở một số cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý, giáo viên sự chuyển biến về tư tưởng nhận thức chưa cao, chưa tạo được hiệu quả trong các phong trào thi đua khắc phục khó khăn vươn lên dạy tốt, học tốt...

Giờ ra chơi của các cháu Trường Mầm non tư thục Long Thành (TX. Hoàng Mai).
Giờ ra chơi của các cháu Trường Mầm non tư thục Long Thành (TX. Hoàng Mai).

P.V: Mới đây, trong buổi làm việc với BTV Thị ủy về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh đã có ý kiến chỉ đạo Thị xã cần chú trọng chăm lo sự nghiệp GD-ĐT: Vậy BTV Thị ủy đã xây dựng kế hoạch, cũng như chỉ đạo triển khai thực hiện ý kiến này như thế nào?

Đồng chí Đoàn Hồng Vũ: Thực hiện kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, BTV Thị ủy giao cho UBND thị xã, phòng GD&ĐT rà soát đánh giá cụ thể những mặt được, những hạn chế, tồn tại; phân tích kỹ nguyên nhân khách quan, chủ quan để từ đó đề xuất các nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch phấn đấu đạt được thật cụ thể; có những giải pháp trọng tâm, căn cơ, hiệu quả.

Trên cơ sở đó, sẽ đề nghị chương trình làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo, các ngành liên quan của tỉnh để tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Trong đó, Thị xã sẽ tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh; tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với tất cả các cấp học, bậc học.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, vận động các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, ưu tiên cho các trường đang xây dựng trường chuẩn quốc gia, xóa phòng học tạm, mượn. Xây dựng đội ngũ quản lý, giáo viên có chất lượng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, thu hút giáo viên dạy giỏi, bố trí sắp xếp, luân chuyển hợp lý để tạo động lực, nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục của thị xã.

P.V:Cảm ơn đồng chí!

Hữu Nghĩa (Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN