Đã đến lúc bỏ trần lãi suất huy động

20/10/2016 12:25

Lạm phát ở mức thấp, thanh khoản hệ thống dồi dào trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng đang thấp xa so với trần quy định... là những điều kiện để các chuyên gia cho rằng có thể cân nhắc bỏ trần.

Trong cuộc họp Phiên thường kỳ quý III/2016, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ đã lưu ý các Bộ, ngành nghiên cứu dỡ bỏ trần lãi suất huy động dưới 6 tháng.

Chia sẻ vấn đề này, Tiến sĩ Bùi Quang Tín - Đại học Ngân hàng TP HCM cho rằng đây là thời điểm Việt Nam nên làm theo thông lệ quốc tế, tức dỡ bỏ trần lãi suất. Bởi hiện nay hầu như không có nước nào trên thế giới áp trần huy động.

Ngoài ra, theo ông Tín, thực ra lãi suất chỉ là một trong 5 công cụ của chính sách điều hành tiền tệ bên cạnh các công cụ như dự trữ bắt buộc, tỷ giá, thị trường mở và tái cấp vốn. Do đó, để điều hành chính sách tiền tệ tốt thì phải phối hợp nhịp nhàng các công cụ này với nhau thay vì sử dụng biện pháp hành chính là áp trần.

da-den-luc-bo-tran-lai-suat-huy-dong

Các điều kiện hiện nay khá thuận lợi để bỏ trần lãi suất huy động nhưng các chuyên gia cho rằng nên kèm điều kiện cho phá sản ngân hàng.

Điều quan trọng hơn theo Tiến sĩ Tín là thời gian qua, Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, tạo được tính thanh khoản rất dồi dào trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) và trở thành bệ đỡ cho thị trường một. Do đó, khi nào ngân hàng kẹt vốn thì cứ lên thị trường 2 vay nên không lo phải chạy đua lãi suất nếu bỏ trần.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng phân tích, hiện nay các ngân hàng gần như không còn hiện tượng cạnh tranh nhau về lãi suất, thanh khoản hệ thống cũng dồi dào hơn, tỷ lệ LDR (cho vay trên huy động) hiện khá thấp, chỉ dao động quanh 80% thay vì 90-100% như trước đây. Do đó, ông cho rằng trần lãi suất gần như không còn nhiều ý nghĩa.

Trên thực tế, hàng loạt ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Agribank, VIB, Đông Á, VPBank... vào những ngày cuối tháng 9 liên tiếp có động thái giảm lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất các kỳ hạn từ dưới 6 tháng đều thấp hơn nhiều so với trần 5,5% một năm.

Sau khi giảm, mức lãi suất phổ biến áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới một tháng được công bố ở mức 0,3-0,5% mỗi năm, kỳ hạn từ một tháng đến dưới 6 tháng ở mức 4,2-4,8% một năm.

Mặt khác, ông Hiếu cho rằng lạm phát đang ở mức thấp cũng là yếu tố tương đối thuận lợi cho việc dỡ trần. Tuy nhiên, theo ông thì những vấn đề trên chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ thì phải cho phá sản ngân hàng.

Tiến sĩ Hiếu lý giải, ở Việt Nam hiện nay, ngân hàng nào cũng như nhau khi có nhà băng nào đó hoạt động yếu kém thì được Ngân hàng Nhà nước đứng ra ứng cứu. Do đó, nếu bỏ trần trong bối cảnh này thì một số ngân hàng nhỏ, yếu thanh khoản có thể tăng lãi suất lên cao để hút vốn. Khi đấy, ngân hàng nào có lãi suất cao, người dân sẽ gửi tiền vào dễ dẫn đến cạnh tranh lãi suất hoặc méo mó thị trường.

"Trường hợp, nếu cho ngân hàng phá sản thì khi đó, ngân hàng nào đẩy lãi suất lên cao, người dân sẽ có sự cân nhắc có nên gửi tiền vào nhà băng đó không? Lúc đó, họ có sự dè chừng vì ngân hàng đẩy lãi suất lên cao có nghĩa là họ đang gặp khó khăn về thanh khoản, tức đồng nghĩa với rủi ro", ông nói.

Chính vì vậy, theo ông Hiếu muốn dỡ bỏ trần lãi suất huy động phải đi kèm với điều kiện "cho phép phá sản ngân hàng trong thực tế", lúc bấy giờ quy luật cung cầu mới vận hành tốt được. Khi đó, có thể lãi suất sẽ tăng lên trong khoảng từ 3 đến 6 tháng. Vì hiện tại một số ngân hàng đang khát vốn, khi bỏ trần lãi suất, các hình thức cạnh tranh huy động vốn như chăm sóc khách hàng, chi ngoài chi trong, chương trình khuyến mại sẽ được thay thế bằng lãi suất chính thức. Nhưng sau đó một thời gian thì lãi suất sẽ trở về với mức quân bình theo cơ chế cung cầu thị trường.

Tuy nhiên, cũng có một số chuyên gia cho rằng trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng cần tiếp tục duy trì và quy định mức hợp lý. Khi đó, với những ngân hàng lớn có uy tín cao, thanh khoản tốt, nguồn vốn dồi dào, họ có thể tự ấn định mức lãi suất thấp xa với mức trần; còn những ngân hàng vừa và nhỏ có thể ấn định một mức lãi suất cao hơn nhưng vẫn nằm trong biên độ trần cho phép.

"Trần huy động ngắn hạn này sẽ giúp hình thành một đường cong lãi suất hợp lý, tức kỳ hạn dài thì lãi suất càng cao. Từ đó khuyến khích các tổ chức tín dụng huy động tiền dài hạn và cơ cấu lại tốt hơn nguồn vốn của mình", một chuyên gia chia sẻ.

Lần điều chỉnh trần lãi suất huy động gần đây nhất diễn ra cách đây 2 năm, tức vào cuối tháng 10/2014. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước công bố giảm mức lãi suất tiền gửi tối đa bằng tiền đồng của tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ 6% một năm xuống 5,5% mỗi năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng đến dưới 6 tháng.

Lãi suất tiền gửi cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên không bị giới hạn bởi trần lãi suất mà do tổ chức tín dụng và khách hàng tự thỏa thuận.



Theo VNE

TIN LIÊN QUAN