Chủ trương sáng tạo gắn với trách nhiệm, sự sẻ chia

20/10/2016 21:06

(Baonghean) - Thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỉnh Nghệ An đã phân công các cơ quan, ban ngành trong tỉnh nhận hỗ trợ, giúp đỡ xã nghèo.

Chủ trương sáng tạo này đã huy động hiệu quả nguồn lực, tạo nên phong trào thi đua sôi nổi trong đội ngũ cán bộ, đảng viên các cơ quan, đơn vị với nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực hướng về các xã nghèo miền Tây tỉnh nhà.

Đồng hành cùng miền Tây

Miền Tây Nghệ An có diện tích rộng lớn, chiếm trên 83% diện tích toàn tỉnh với 11 huyện miền núi với các dân tộc anh em gồm: Kinh, Thái, Mông, Khơ mú... cùng sinh sống. Đây là khu vực đặc thù của tỉnh, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại không chỉ của Nghệ An mà còn cả khu vực Bắc Trung bộ và cả nước.

Tuy nhiên, những số liệu thống kê vào đầu năm 2011 cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo của Nghệ An còn 22,89%, tương đương 164.290 hộ, trong đó vùng miền núi chiếm 36,19%. Đặc biệt trên địa bàn có 3 huyện Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn thuộc 62 huyện nghèo nhất của cả nước tỷ lệ hộ nghèo đều trên 50%.

Ngành Y tế trao tặng trang thiết bị y tế cho Trạm y tế xã Yên Tĩnh (Tương Dương) đơn vị được Sở Y tế nhận giúp đỡ.
Ngành Y tế trao tặng trang thiết bị y tế cho Trạm y tế xã Yên Tĩnh (Tương Dương) đơn vị được Sở Y tế nhận giúp đỡ.

Thực hiện chiến lược phát triển miền Tây, ngoài việc thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư; triển khai đầy đủ, đúng đắn các chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với công tác giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh, thì Nghệ An đã ban hành Quyết định số 1310 ngày 20/4/2012 (nay là Quyết định 6062 ngày 22/12/2015) của UBND tỉnh về việc phân công các cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ các xã nghèo trên địa bàn.

Theo đó, UBND tỉnh đã giao cho các cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ 110 xã nghèo. Để nâng số lượng xã nghèo được đỡ đầu, Nghệ An còn vận động các đơn vị, tổ chức, nhất là các doanh nghiệp tham gia cũng được tỉnh đặc biệt chú trọng.

Mô hình rau sạch ở bản Phòng, xã Thạch Giám (Tương Dương) được Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy giúp đỡ.
Mô hình rau sạch ở bản Phòng, xã Thạch Giám (Tương Dương) được Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy giúp đỡ.

Để cuộc vận động giúp đỡ người nghèo có hiệu quả, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các giải pháp để các cơ quan, đơn vị được phân công giúp đỡ nêu cao tinh thần trách nhiệm, có kế hoạch và biện pháp đa dạng, thích hợp, hiệu quả, giúp người nghèo, xã nghèo thoát nghèo bền vững.

Xuyên suốt các năm qua, tại nhiều cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh luôn nhấn mạnh quan điểm, công tác giúp đỡ xã nghèo miền Tây gắn với nhiệm vụ chính trị của các sở, ban, ngành, đơn vị; qua đó nâng cao trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị thực hiện ngày một hiệu quả, thiết thực hơn.

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: “Quyết định của UBND tỉnh về phân công giúp đỡ các xã nghèo trên là một chương trình lớn, đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Giúp đỡ người nghèo, xã nghèo sớm thoát nghèo, phát triển không chỉ là trách nhiệm mà còn là tấm lòng, nghĩa cử nghĩa tình, thể hiện lương tâm trách nhiệm đối với mỗi gia đình khó khăn. Đó cũng là hành động thiết thực nhằm thực hiện cụ thể hóa mục tiêu thoát nghèo, xây dựng Nghệ An từng bước phát triển theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020”.

Đa dạng hình thức hỗ trợ

Mục đích, yêu cầu của chủ trương trên là nhằm huy động mọi nguồn lực để ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, xã nghèo, giảm nghèo nhanh và bền vững, hướng tới đảm bảo mọi người dân có điều kiện tiếp cận, thụ hưởng thành quả về hạ tầng cơ sở, văn hoá, giáo dục, y tế và an sinh xã hội, tạo việc làm và đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Điều đáng ghi nhận là qua chủ trương này, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã chủ động về với cơ sở để khảo sát, nắm bắt tình hình thực tiễn. Qua đó, các cơ quan, đơn vị đã lựa chọn những việc làm, giải pháp cụ thể, thiết thực gắn với năng lực chuyên môn, thế mạnh của mình cũng như phù hợp với điều kiện từng xã cần giúp đỡ.

Mô hình bí xanh ở xã Lưu Kiền (Tương Dương).
Mô hình bí xanh ở xã Lưu Kiền (Tương Dương).

Sau khi được phân công giúp đỡ xã Keng Đu (huyện Kỳ Sơn), Sở Giao thông Vận tải đã thành lập Ban chỉ đạo giúp đỡ xã nghèo và xây dựng lộ trình giúp đỡ mang tính lâu dài. Ban chỉ đạo của sở đã trực tiếp về khảo sát, tìm hiểu tình hình của địa phương. Từ đó thống nhất cách giúp đỡ địa phương có hiệu quả, thiết thực nhất.

“Sở GTVT mời các chuyên gia tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt cho bà con để áp dụng KHKT trong sản xuất, tuyển chọn, tài trợ một số con em của xã tham gia các lớp học nghề, phối hợp các đơn vị liên quan đầu tư xây dựng hệ thống thông tin liên lạc, đẩy nhanh thi công đường điện vào xã, hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông vào bản...” - đồng chí Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Sở GTVT Nghệ An cho biết.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An đã chỉ đạo, phân công các ngân hàng thương mại trên địa bàn nhận giúp đỡ các xã nghèo theo địa chỉ cụ thể. Chủ trương này được các ngân hàng đồng tình cao. Từ đó, các ngân hàng triển khai với nhiều hình thức, cách làm khác nhau. Để chủ trương thực hiện có hiệu quả, việc phân công của Ngân hàng Nhà nước gắn với kiểm tra, giám sát.

“Định kỳ 6 tháng, các ngân hàng thương mại báo cáo với Ngân hàng Nhà nước về hình thức giúp đỡ, số tiền hỗ trợ. Nếu đơn vị nào chưa có hoạt động giúp đỡ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chỉ đạo yêu cầu đơn vị thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm”, đồng chí Hoàng Thị Minh Thu - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cho biết.

Đại diện Báo Nghệ An và lãnh đạo xã Xiêng My, huyện Tương Dương trao bò cho các hộ nghèo ở bản Đình Tài.
Đại diện Báo Nghệ An và lãnh đạo xã Xiêng My, huyện Tương Dương trao bò cho các hộ nghèo ở bản Đình Tài. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An

Các đơn vị còn thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án trong phạm vi trách nhiệm, quản lý của mình đã hỗ trợ xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Bên cạnh xây dựng mô hình, các cơ quan, đơn vị đã hỗ trợ kinh phí mua con giống phát triển chăn nuôi, hỗ trợ vốn sản xuất, khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang để sản xuất nông nghiệp điển hình như: Công an tỉnh hỗ trợ xã Châu Hoàn (huyện Quỳ Châu); Báo Nghệ An hỗ trợ xã Xiêng My (huyện Tương Dương) bò giống; Chi cục Phát triển nông thôn hỗ trợ xã Nghĩa Lạc (huyện Nghĩa Đàn) dê giống; Sở Xây dựng hỗ trợ xã Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn) bò và các công cụ sản xuất đi kèm...

Các đơn vị còn giúp đỡ các xã trong việc xây dựng các mô hình hoạt động mang tính chất xã hội; giúp đỡ các xã củng cố và nâng cao hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị như: hướng dẫn, hỗ trợ các xã xây dựng triển khai bộ thủ tục hành chính cấp xã, nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm giao dịch “Một cửa”, đồng thời hỗ trợ tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của chính quyền cấp xã; tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng; kỹ năng hành chính; phổ biến pháp luật...

Ngoài các đơn vị được UBND tỉnh phân công giúp đỡ các xã, còn có các tập đoàn, tổng công ty, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trên cả nước tích cực ủng hộ như Quỹ Thiện Tâm Công ty Vicom thuộc Tập đoàn Vingroup, Tập Đoàn Viettel tặng hàng ngàn con bò cho đồng bào các xã biên giới...

Tập đoàn Viettel trao tặng nhà tình nghĩa cho đồng đội tại Tân Kỳ
Tập đoàn Viettel trao tặng nhà tình nghĩa cho đồng đội tại Tân Kỳ

Bà Hồ Thị Châu Loan - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đơn vị được UBND tỉnh giao chủ trì thực hiện chủ trương giúp đỡ xã nghèo của tỉnh cho biết: “Ban chỉ đạo tăng cường cập nhật thông tin, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương hình thức. Các cơ quan, doanh nghiệp hướng vào hình thức giúp đỡ theo phương châm giúp các hộ nghèo “cần câu” chứ không phải là “con cá”, nhất là việc hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế tạo sinh kế cho bà con”.

Đến nay, toàn tỉnh Nghệ An có 108 cơ quan, đơn vị giúp đỡ 110 xã nghèo, đặc biệt khó khăn với nhiều công trình, phần việc hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực mang tính nhân văn cao cả, góp phần làm thay đổi đời sống tinh thần và vật chất.

Trong 4 năm (2012 - 2015), các cơ quan, đơn vị của tỉnh Nghệ An nhận giúp đỡ 110 xã nghèo vùng miền Tây đã huy động, giúp đỡ với tổng giá trị đạt gần 232,5 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ bằng tiền mặt hơn 44,6 tỷ đồng, đầu tư bằng hiện vật hơn 114 tỷ đồng; hỗ trợ giống cây, giống con cho trồng trọt, chăn nuôi hơn 71,5 tỷ đồng và các hỗ trợ khác hơn 2 tỷ đồng.

Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN