Ăn gì trong mùa bão, lũ?
Việc tổ chức bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trong mùa bão, lũ sẽ giúp người dân có sức khỏe và phòng tránh được một số bệnh.
Trước tình hình ngập lụt diễn ra tại nhiều tỉnh miền Trung, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo trong việc tổ chức bữa ăn cho người dân vùng bão, lũ bảo đảm dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, giúp người dân có sức khỏe và phòng tránh được một số bệnh tật có thể mắc phải.
Việc có đủ thực phẩm để ăn no trong các vùng lũ lụt là điều rất khó khăn, Cục An toàn thực phẩm cho biết có thể sử dụng nhiều loại thực phẩm trong nhóm lương thực và các sản phẩm chế biến như gạo, mì, ngô, khoai, sắn, mì tôm, bánh đa khô... để có bữa ăn no.
Người dân nên ăn đủ dinh dưỡng, có đủ đại diện của 4 nhóm thực phẩm như: Nhóm lương thực gồm gạo, mì, ngô, khoai, sắn, mì tôm, bánh đa khô, bánh mì; nhóm chất đạm gồm thịt, trứng, cá, tôm, cua, trai, ốc, đậu đỗ, vừng lạc...
Người dân có thể tận dụng thực phẩm dễ kiếm từ nguồn ao, hồ, sông như cá, tôm, lươn... |
Người dân có thể tận dụng thực phẩm dễ kiếm từ nguồn ao, hồ, sông như cá, tôm, lươn, ốc, ếch; nhóm chất béo, người dân có thể dùng đậu phụ, sữa đậu nành, vừng, lạc là những thức ăn giàu chất béo. Nhóm vitamin và chất khoáng như: rau xanh, quả chín là nguồn cung cấp chủ yếu vitamin trong bữa ăn.
Các loại rau gia vị có nhiều vi khoáng, kháng sinh thực vật, nhiều loại tinh dầu thơm có tác dụng kích thích ăn ngon miệng, làm tăng sức đề kháng cho người dân. Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo, người dân cố gắng ăn 3 bữa trong ngày, bữa sáng, bữa trưa coi là bữa chính, bữa tối không nên ăn quá no và quá muộn.
Cục An toàn thực phẩm cho biết, thức ăn phải an toàn, không bị nhiễm hóa chất độc, không bị nhiễm giun hay nhiễm khuẩn, không được là nguồn gây bệnh. Ăn uống mất vệ sinh sẽ dễ sinh bệnh, nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả khi thiếu thốn, khó khăn người dân cũng phải đảm bảo an toàn vệ sinh.
Để có thể phòng tránh dịch bệnh nguy hiểm sau những ngày mưa lũ, người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín; dùng nước sạch, an toàn để chế biến thức ăn đồ uống và rửa dụng cụ; dụng cụ chứa nước phải đảm bảo sạch, không thôi các chất gây độc; thường xuyên rửa tay với xà phòng. Người dân không chế biến thực phẩm hoặc phục vụ ăn uống khi đang đau bụng, sốt, nôn, nhiễm khuẩn ngoài da hoặc các bệnh lây truyền khác.
Theo VTV
TIN LIÊN QUAN |
---|