Mì cay 7 cấp độ: Cái giá quá đắt cho sự tò mò?

04/10/2016 16:28

(Baonghean.vn) - Vừa qua trên một số trang tin, mạng xã hội có đăng tải video clip dài 1 phút với nội dung có cô gái ở thành phố Vinh phải đi cấp cứu do ăn món mì cay.

Không có bệnh nhân phải cấp cứu do mì cay

Trong clip, cô gái nằm sõng soài dưới đất trước 01 quán mì cay và đang được những người xung quanh sơ cứu trong lúc chờ xe cấp cứu tới. Chất lượng hình ảnh Clip kém, không thể xác định rõ địa chỉ, địa điểm của quán mì cay nào ở Thành phố Vinh.

Người đăng tải còn bổ sung thêm thông tin: Sau khi được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An, sức khỏe của cô gái trên đã phục hồi...Ngay sau khi được đăng tải trên mạng xã hội, video clip đã được hàng chục ngàn lượt xem cùng hàng trăm người chia sẻ và bình luận.

Tìm hiểu sự việc, được biết thông tin này thiếu tính xác tín. Bác sỹ Phạm Văn Long- Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa 115 Nghệ An cho biết: Ngày 02-03/10, Bệnh viện không tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân nào vào cấp cứu do ăn mì cay.

Thông tin từ Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Nghệ An: Không ghi nhận bất cứ báo cáo nào từ các bệnh viện, đơn vị y tế trên địa bàn tiếp nhận, thực hiện cấp cứu cho bệnh nhân nào do ăn phải mì cay.

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng khoa Nội tiêu Hóa Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh cho rằng: Ăn cay quá độ mà. Ăn cay quá độ sẽ tạo nên kích ứng niêm mạc dạ dày, gây đau bụng và nôn mửa mà thôi. Nếu có thực khách bị sốc và ngất xỉu thì chắc chắn là do nguyên nhân khác.

Phần đa người dân thành phố Vinh đến với món mì cay 7 cấp độ là do tò mò, hiếu kì.
Thực khách đến với món mì cay 7 cấp độ do tò mò, hiếu kì là chủ yếu.

Cần cẩn trọng với chất cay

Món mì cay 7 cấp độ lấy cảm hứng từ món mì Jjamppong của Hàn Quốc. Độ cay của tô mì được sắp xếp từ 0 - 7 để phù hợp với khả năng ăn cay của từng người. Ngay khi xuất hiện ở Việt Nam, nó đã gây tò mò khiến nhiều người muốn ăn thử. Từ những quán đầu tiên xuất hiện ở Sài Gòn, hiện nay, mì cay 7 cấp đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

Độ cay của bát mì phụ thuộc vào lượng chất cay hòa trong nước dùng.
Độ cay của bát mì phụ thuộc vào lượng chất cay hòa trong nước dùng.

Hiện tại, ở thành phố Vinh có khá nhiều quán mì cay Hàn Quốc mới mở. Ông Hồ Văn Nam – Trưởng phòng y tế, thành phố Vinh cho biết: Có 02 quán đã được kiểm tra thẩm định và cấp giấy chứng nhận ATVSTP.

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thanh khuyến cáo: Trước hết mì cay 7 cấp độ thực chất là loại thức ăn nhanh. Mà đã là thức ăn nhanh thì không tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, nếu ăn quá cay sẽ gây bỏng rát ở môi, lưỡi, miệng, thực quản, dạ dày và bỏng đường tiêu hóa, tăng nguy cơ gây viêm loét dạ dày hoặc làm bùng phát vết loét cũ ở dạ dày, thậm chí khi đi tiêu còn gây cảm giác nóng bỏng ở hậu môn, tăng nguy cơ mọc mụn nhọt trên cơ thể.

Nguồn gốc của chất cay sử dụng để chế biến món mì cay cấp 7 hiện đang là mối nghi ngại lớn đối với người tiêu dùng. Bột ớt đỏ bị nhuộm màu có thể chứa sudan hoặc bột ớt tươi bị mốc có chứa aflatoxin, cả hai đều có thể gây ngộ độc và ung thư. /.

Bác sĩ Hoàng Thương, Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe tỉnh Nghệ An khuyến cáo: Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra - Các bệnh ung thư dễ gặp như thực quản, ung thư dạ dày đều có một phần “đóng góp” của việc ăn quá nhiều cay. Ăn nhiều chất cay sẽ làm cho dịch tiêu hoá trong dạ dày tiết ra ồ ạt, khiến túi mật phải tăng công suất hoạt động, dịch mật tiết ra khó khăn nên dễ gây ra viêm túi mật, sỏi mật. Ăn quá nhiều chất cay còn còn gây hại cho thận.

Người bị viêm loét dạ dày, bệnh trĩ, viêm đại tràng kích thích hoặc đang dùng thuốc kháng đông là những đối tượng nên hạn chế ăn cay.

Những người mắc bệnh huyết áp, lao phổi thì không nên ăn cay bởi chất cay sẽ kích thích tuần hoàn máu, khiến tim đập nhanh hơn, tạo nên gánh nặng cho tim mạch.

Sản phụ hay phụ nữ đang cho con bú không nên ăn ớt, vì ảnh hưởng đến thai nhi cũng như chất lượng sữa cho bé.

Chung - Nam

TIN LIÊN QUAN