Phạm nhân được gặp chồng nhưng phải tránh thai

29/10/2016 16:42

Dự thảo thông tư của Bộ Công an cho phép nữ phạm nhân được gặp chồng trong phòng riêng 24 giờ nhưng phải sử dụng biện pháp tránh thai và cam kết không mang thai.

Mới đây, Bộ Công an đã công bố dự thảo thông tư quy định về việc phạm nhân gặp thân nhân, nhận, gửi thư, nhận tiền, đồ vật và liên lạc điện thoại với thân nhân… để lấy ý kiến nhân dân và các cơ quan ban ngành. Nếu được thông qua, dự thảo thông tư này sẽ thay thế Thông tư 46/2011 của Bộ Công an.

Đáng chú ý là tại phần quy định về thủ tục thăm gặp, dự thảo có nêu rõ trường hợp phạm nhân được gặp vợ hoặc chồng tại phòng riêng.

Gặp 24 giờ với cam kết không mang thai

Theo dự thảo, phạm nhân chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế trại giam hoặc lập công thì được gặp vợ hoặc chồng ở phòng riêng không quá 24 giờ. Để được thăm gặp, thân nhân là vợ hoặc chồng phải có giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy xác nhận của UBND hoặc công an cấp xã xác nhận về tình trạng hôn nhân thực tế với phạm nhân và phải viết giấy cam kết thực hiện nghiêm chỉnh nội quy nhà thăm gặp.

 Phạm nhân nữ khi gặp chồng tại phòng riêng phải làm giấy cam kết không mang thai.
Phạm nhân nữ khi gặp chồng tại phòng riêng phải làm giấy cam kết không mang thai. Ảnh minh họa

Phạm nhân nữ được gặp chồng tại phòng riêng phải sử dụng biện pháp tránh thai và có giấy cam kết không mang thai để bảo đảm thời gian chấp hành án phạt tù. Đây là điểm mới của dự thảo thông tư so với Thông tư 46/2011 của Bộ Công an.

Quy định cho phép phạm nhân gặp thân nhân là vợ hoặc chồng tại phòng riêng được nhiều ý kiến đánh giá là rất nhân văn, nhân đạo, nó tạo sự khích lệ cho các phạm nhân chấp hành tốt, lập công lao. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc quản lý, kiểm soát thời gian gặp riêng này ra sao, trong trường hợp đã có giấy cam kết không mang thai nhưng sau đó phạm nhân nữ vẫn mang thai thì xử lý như thế nào?

Tạo động lực để phạm nhân cải tạo tốt

Trao đổi về vấn đề này, thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho rằng quy định này của dự thảo thông tư là phù hợp và nhân văn. Việc cho phép phạm nhân gặp vợ hoặc chồng tại phòng riêng đã áp dụng từ lâu, kể từ Pháp lệnh Thi hành án phạt tù cho đến nay là Luật Thi hành án hình sự. Đây cũng là điểm khác biệt giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

“Phòng gặp riêng còn gọi là buồng hạnh phúc hoặc nhà hạnh phúc. Tôi đi nước ngoài và có trao đổi với họ về việc cho phạm nhân gặp vợ hoặc chồng tại phòng riêng, họ tỏ ra khá ngạc nhiên về điều này và cho rằng đây là một điểm tiến bộ của Việt Nam”, thiếu tướng Quân nói.

Thiếu tướng Quân đánh giá việc cho vợ chồng phạm nhân gặp nhau là rất tốt. Thứ nhất là có thể cải thiện tâm lý của phạm nhân; thứ hai là tạo điều kiện cho gia đình cùng tham gia, phối hợp với cơ sở giam giữ để giáo dục, cải tạo phạm nhân; thứ ba là sẽ tạo động lực để phạm nhân chấp hành, cải tạo tốt hơn.

Xử lý sao nếu nữ phạm nhân mang bầu?

Về băn khoăn đối với việc mang thai trong quá trình gặp riêng, thiếu tướng Quân cho hay đối với phạm nhân nữ, khi gặp chồng tại phòng riêng thì phải thực hiện các biện pháp tránh thai và ký giấy cam kết không mang thai, sau đó mới cho phép gặp.

Điều này xuất phát từ việc trước đây phạm nhân nam chiếm tỷ lệ lớn nhưng hiện nay số lượng tội phạm nữ đang tăng lên, do đó Bộ Công an đã có dự liệu và quy định để phù hợp với sự thay đổi này.

“Nếu phạm nhân nam gặp vợ mà mang thai thì sẽ không quá rắc rối nhưng ngược lại, nếu phạm nhân nữ gặp chồng mà mang thai thì sẽ phát sinh nhiều phức tạp trong quá trình chấp hành án”, thiếu tướng Quân nói.

Theo tướng Quân, việc ký cam kết chủ yếu dựa trên sự tình nguyện của chính phạm nhân. Nếu cam kết mà vẫn mang thai thì đương nhiên phạm nhân đó đã vi phạm nội quy, sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể nào đối với trường hợp này. Dự thảo thông tư đang trong quá trình xin ý kiến để tính toán thêm, Bộ Công an vẫn đang xây dựng và hướng dẫn thêm để có cách giải quyết sao cho phù hợp nhất.

Thông tin thêm về vấn đề này, thiếu tướng Quân cho biết nếu trường hợp phạm nhân nữ mang thai và bắt buộc phải sinh, khi đó sẽ có hai hướng xử lý: Hoặc là gửi con về cho người nhà chăm, hoặc là ở các trại giam có khu vực nuôi trẻ riêng thì sẽ cho trẻ gần mẹ để chăm sóc. Trong các quy định, đối với người nuôi con nhỏ cũng sẽ được hưởng các chế độ ưu tiên hơn, như diện tích nằm lớn hơn, chế độ dinh dưỡng cao hơn…

Theo Pháp luật TPHCM

TIN LIÊN QUAN