Họa sỹ Nguyễn Trọng Hiệp: 70 xuân đắm mình trong vẽ
(Baonghean.vn) - Tôi đến thăm lại thầy trong một ngày cuối thu. Ngôi nhà nhỏ yên ắng ẩn mình trên con phố thuộc vào hàng tấp nập của thành phố. Trước mặt tôi là người thầy giáo, họa sĩ già của rất nhiều những thế hệ học trò mỹ thuật như tôi. Thầy vẫn vậy, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, quắc thước với chiếc mũ bê-rê trên đầu đã gắn bó với thầy suốt mấy chục năm nay, điều khiến tôi ngạc nhiên và hết sức vui mừng là gần như tuyệt nhiên không có dấu hiệu của một người đang ở tuổi “xưa nay hiếm”.
Chân dung họa sĩ Nguyễn Trọng Hiệp. |
“Thầy vẫn đang khỏe mạnh và sung sức lắm! Vẫn còn rất nhiều dự định trong tương lai. Các bạn cứ chờ nhé!” - Thầy nói, sau khi tôi hỏi thăm về tình hình sức khỏe của Thầy.
Trong căn phòng nhỏ là những ngổn ngang của các loại chất liệu màu, cọ vẽ và rất nhiều những tác phẩm hội họa - những đứa con tinh thần của thầy. Rất nhiều tác phẩm đã vào khung chỉn chu, một số đang chờ hoàn thiện và một vài tác phẩm đang dang dở.
Chỉ tay một vòng khắp căn phòng, thầy nói: “Thầy đang gấp rút chuẩn bị 70 tác phẩm cho triển lãm cá nhân của thầy sẽ khai mạc vào đúng dịp 20/11 năm nay tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, và cũng là món quà tự tặng chính mình sau 70 mùa xuân đam mê và sống cùng mỹ thuật đấy!”
Tự lòng tôi, thấy trào lên một niềm xúc động và nể phục vô cùng. Đó chính là một trong những người thầy giáo, họa sĩ đầu tiên đã dìu dắt tôi bước chân vào con đường tôi đang đi - Hội họa.
Họa sĩ Nguyễn Trọng Hiệp tâm niệm "Vẽ không phải để cho mọi người thấy mình vẽ, mà vẽ là để cho mọi người có thể cảm nhận được cái đẹp của cuộc sống xung quanh ta..." |
Thầy tôi, họa sĩ Nguyễn Trọng Hiệp, chàng trai được sinh ra trên quê lúa Yên Thành quanh năm lam lũ với những đồng ngô ruộng lúa. Theo lời thầy kể, từ nhỏ, khác với các anh chị em khác trong gia đình, thầy đã sớm bộc lộ niềm đam mê và có những khả năng đặc biệt với hội họa.
Chính vì vậy, ngay tại thời điểm của những năm 70 của thế kỷ trước, khi mà cả đất nước đang trải qua những năm tháng khó khăn, gian khổ nhất của thời kỳ hậu chiến tranh, cuộc sống dù cơ cực, túng thiếu, nhưng cha mẹ thầy, những người nông dân nghèo khó thuở ấy, vẫn không quản ngại khó khăn để cho cậu con trai viết tiếp ước mơ của mình trên con đường đến với nghệ thuật.
Không phụ công cha mẹ và gia đình, năm 1978, chàng thanh niên quê lúa hồ hởi lên đường ra Thủ đô để viết tiếp ước mơ của mình tại ngôi trường danh tiếng mà các bậc tiền bối đã làm rạng danh cho lịch sử mỹ thuật nước nhà như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí...: Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Giai đoạn này, thầy đã có những tác phẩm hết sức ấn tượng như: Chân dung thiếu nữ (Bột màu, 1971); Lão nông(Chì than,1972); Cháu Thi (Bột màu, 1972) Nghệ sĩ điêu khắc (Bột màu, 1974); Cụ Bân Thanh Chương (Bột màu, 1977); Gái quê (Bột màu, 1976)...
Tác phẩm "Đoàn kết là sức mạnh". |
Sau 5 năm học tập tại trường, được tiếp cận với những kiến thức căn bản nhất của hội họa, giấc mơ ấp ủ bao nhiêu năm của chàng trai quê lúa càng cháy bỏng hơn bao giờ hết.
Năm 1983, chàng thanh niên ấy tốt nghiệp và hăm hở trở về quê hương với biết bao nhiêu dự định và hoài bão lớn lao. Quăng mình vào cuộc sống thực tiễn của giai đoạn lúc bấy giờ, với tâm huyết và mong muốn dùng hội họa để điểm tô cuộc sống và góp phần khích lệ tinh thần hăng say lao động sản xuất, xây dựng và kiến thiết đất nước, thầy lần lượt cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị như: Nhà máy Phốt phát (Khắc gỗ màu, 1983);Nông trường chăn nuôi bò (Bột màu, 1985);Tiếng sóng (Sơn dầu, 1986). Bên cạnh cạnh đó, những tác phẩm hội họa mang hơi thở trữ tình của cuộc sống cũng lần lượt được giới thiệu đến công chúng yêu mỹ thuật như: Thiếu phụ (Phấn màu, 1980); Không đề (Bột màu, 1987);Bến đợi(Lụa, 1980); Nguyên Tiêu (Bột màu, 1985)...
Tác phẩm "Bác Hồ và Hoàng thân Xuphanuvon" |
Từ năm 1985, thầy được phân công về giảng dạy tại khoa Mỹ thuật, trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Nghệ Tĩnh (nay là trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An). Trực tiếp giảng dạy để truyền đạt lại những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất trong lĩnh vực hội họa cho rất nhiều thế hệ học trò “là niềm vui và hạnh phúc nhất của đời tôi” - Thầy tâm sự.
Vất vả sớm hôm với công việc giảng dạy của mình, nhưng không vì thế mà thầy quên đi đam mê sáng tạo của mình. Hàng chục tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao cũng đã được thầy sáng tác trong giai đoạn này, nổi bật nhất phải kể đến các tác phẩm: Đoàn kết là sức mạnh; Thiếu nữ và đàn Violon; Trên dòng Hương giang; Vũ điệu Chăm pa; Vì biển đảo, vì tổ quốc; Bác Hồ và Hoàng thân Xuphanuvon; Hoa tam giác mạch; Chớm thu...
Bên ly trà nóng ban mai, trong cái trầm ngâm xa xăm, bất giác thầy chợt nói với tôi: “Làm một họa sĩ, đôi khi mình vẽ không phải để cho mọi người thấy mình vẽ, mà vẽ là để cho mọi người có thể cảm nhận được cái đẹp của cuộc sống xung quanh ta bằng chính thứ ngôn ngữ đặc trưng và vô cùng quyến rũ của hội họa em à”. Tôi cảm thấy thật thấm thía và hạnh phúc. Chợt thấy mình mãi bé nhỏ bên thầy./.
Nguyễn Hữu Tình
TIN LIÊN QUAN |
---|