Chính sách Trump trao 'chìa khóa' cho Trung Quốc trỗi dậy
(Baonghean) - Chính sách bảo hộ của vị Tổng thống tương lai của nước Mỹ Donald Trump, tham vọng của Trung Quốc áp đặt luật chơi trên bàn cờ thương mại là những vấn đề bao phủ lên hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 24 diễn ra tại Peru, trong 2 ngày 19 và 20/11/2016. Hai vấn đề tưởng chừng như cách biệt nhưng theo giới quan sát, chính sách của Trump dường như đang trao “chìa khóa” cho Trung Quốc trỗi dậy.
Nỗi lo chính sách bảo hộ
Đối với một diễn đàn đề cao vấn đề tự do thương mại toàn cầu, việc một người công khai chống các hiệp định tự do mậu dịch như Tổng thống vừa đắc cử của Mỹ Donald Trump chắc chắn trở thành chủ đề nổi cộm trong chương trình nghị sự của hội nghị Lima.
Trong suốt quá trình tranh cử Tổng thống, ông Donald Trump không ngừng khẳng định sẽ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với lý do hiệp định này sẽ lấy đi nhiều việc làm của người dân Mỹ. Mặc dù tại APEC lần này, Tổng thống Barack Obama vẫn tin rằng, ông Trump sẽ nhìn thấy lợi ích của TPP một khi ông tiếp quản chiếc ghế Tổng thống và sẽ cân nhắc lại. Nhưng nhiều người không khỏi hoài nghi về “số phận” TPP, nhất là sau khi ông Trump trúng cử, một số quan chức cấp cao thuộc chính quyền Tổng thống Obama đã thừa nhận không còn cơ hội thông qua TPP nữa. Một số học giả dù rất lạc quan nhưng cũng phải “cay đắng” thừa nhận “TPP không chết, nhưng chắc chắn sẽ chìm vào giấc ngủ sâu”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters |
Không chỉ đe dọa TPP, trong chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump còn tuyên bố sẽ đàm phán lại Thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) gồm Mỹ, Mexico và Canada cũng như khu vực mậu dịch tự do với châu Mỹ Latinh gây nỗi lo ngại lớn cho các nước trong khu vực.
Song, mối lo về tương lai của TPP hay NAFTA chỉ là một phần. Quan điểm bảo hộ thương mại của ông Trump mới khiến các nhà lãnh đạo thế giới đau đầu nhất, khi lo ngại sẽ có một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Ngay trong phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh APEC, Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski khẳng định: “Thế giới đang bị đe dọa bởi chủ nghĩa bảo hộ và tôi nghĩ APEC là một diễn đàn rất tốt để có thể chống lại điều đó”. Trong một tuyên bố nhằm vào lập trường phản đối thương mại của ông Trump, Tổng thống Kuczynski đã nhấn mạnh rằng “bất cứ ai muốn bảo vệ chủ nghĩa bảo hộ cần đọc lại lịch sử kinh tế những năm 1930”.
Thực tế, trong một thế giới toàn cầu hóa và mở rộng, nếu như nền kinh tế số 1 của thế giới là Mỹ áp dụng chính sách bảo hộ, thương mại và đầu tư ở khắp mọi nơi đều sẽ bị chững lại. Thậm chí, theo Giáo sư Robert Lawrence, giảng dạy tại đại học Harvard, “chẳng những Mỹ sẽ không còn đóng vai trò đầu tàu trong tiến trình hội nhập kinh tế mà Mỹ dưới thời đại Donald Trump còn làm thay đổi trật tự trên bàn cờ thương mại quốc tế”.
Ý thức được những mối đe dọa của chính sách bảo hộ đang nổi lên, Tổng Thư ký APEC Eduard Pedrosa báo trước, Diễn đàn APEC thứ 24 sẽ đưa ra một tuyên bố “mạnh mẽ” để bảo vệ tự do mậu dịch, nhất là cho tới nay, “chưa có bằng chứng cụ thể và rõ rệt nào chứng minh được là các luồng giao thương là nguyên nhân cướp đi việc làm tại một số quốc gia”.
Trung Quốc sẵn sàng trỗi dậy
Trong bối cảnh tương lai của Hiệp định TPP ngày càng mờ mịt, các nước khu vực châu Á Thái Bình Dương đang bối rối tìm lối đi nếu TPP bị “bỏ rơi”, Trung Quốc đã nhân cơ hội này sẵn sàng lấp vào “khoảng trống” mà Mỹ bỏ lại. Bắc Kinh đang thúc đẩy hai giải pháp khác thay thế cho TPP, một là Vùng Thương mại Tự do (gọi tắt là FTAAP) với 21 thành viên và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (gọi tắt là RCEP) với 16 thành viên, đáng chú ý là RCEP sẽ có Ấn Độ tham gia nhưng không có Mỹ.
Lãnh đạo hai nước Nga - Trung Quốc thảo luận về tự do thương mại bên lề Hội nghị APEC ở Peru. Ảnh: RT |
Tại thủ đô Lima của Peru, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không hề giấu diếm ý định để thúc đẩy RCEP được hoàn tất càng sớm càng tốt, đặc biệt là khi những thành viên chủ chốt của TPP như Nhật Bản, Australia hay Singapore đang để ngỏ khả năng sẽ tập trung vào hiệp định thương mại do Trung Quốc dẫn đầu thay vì TPP.
Theo đánh giá, dù RCEP có những khác biệt nhất định với TPP, đặc biệt là về vấn đề thúc đẩy cải cách tại các nước thành viên, nhưng không vì thế mà sức hút của nó kém cạnh hơn so với TPP. Cách tiếp cận của RCEP theo hướng thúc đẩy gia tăng thương mại, chủ yếu tập trung vào việc giảm thuế quan, trong khi đó TPP tập trung giảm các hàng rào phi thuế quan, cải thiện tình trạng lao động và môi trường. Về lâu dài, các tiêu chuẩn cao của TPP sẽ thu được những kết quả tích cực về nhiều mặt không chỉ riêng kinh tế, trong khi đó các lợi ích ngắn hạn (chẳng hạn như thương mại) của RCEP lại rất rõ ràng.
Mục tiêu của chính phủ Trung Quốc đặt ra tại Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Peru lần này là thúc đẩy các vòng đàm phán RCEP sẽ được hoàn tất trong năm nay, trước khi được các nước thành viên thông qua. Hy vọng rằng sự chững lại và nguy cơ đổ bể của TPP sẽ giúp giải quyết sự bất đồng về đàm phán trong các lĩnh vực như nông nghiệp và đầu tư nước ngoài một cách nhanh chóng.
Giới chuyên gia cho rằng, từ trước đến nay, những hiệp định thương mại tự do không chỉ thuần túy là vấn đề kinh tế, mà bao gồm một sự cân bằng địa chính trị sâu rộng, đặc biệt trên bàn cờ chiến lược giữa Trung Quốc - Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chưa rõ những hướng đi và chính sách cụ thể của ông Donald Trump - vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ sẽ ra sao, liệu ông có tiếp tục theo đuổi bảo hộ mậu dịch. Nhưng rõ ràng, những tuyên bố lúc tranh cử của ông Trump đang tạo cơ hội cho Trung Quốc và Bắc Kinh đang cố gắng nắm bắt nó nhanh nhất có thể để “nuôi” tham vọng thống trị thương mại toàn cầu.
Thanh Huyền
TIN LIÊN QUAN |
---|