Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

20/11/2016 08:16

(Baonghean.vn) - Cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump; Động đất mạnh rung chuyển New Zealand; Nga rút khỏi Tòa án Hình sự quốc tế; Hàng nghìn con cá chết trắng mặt kênh New York...là những thông tin quốc tế đáng chú ý nhất trong tuần 14/11-19/11.

1 - Cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo và Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump

Dù không đề cập chi tiết tới nội dung cuộc gặp gỡ nhưng các nhà phân tích cho rằng hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào những vấn đề mà cả hai quốc gia cùng quan tâm, trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các thỏa thuận an ninh Mỹ – Nhật Bản.
Dù không đề cập chi tiết tới nội dung cuộc gặp gỡ nhưng các nhà phân tích cho rằng hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào những vấn đề mà cả hai quốc gia cùng quan tâm, trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các thỏa thuận an ninh Mỹ – Nhật Bản.

Vào ngày 17/11 (theo giờ địa phương), Thủ tướng đương nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc gặp gỡ kéo dài 90 phút với Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump tại tòa tháp Trump, Manhattan, New York.

Sau cuộc gặp gỡ, ông Abe trả lời phóng viên rằng: “Cuộc trò chuyện khiến tôi cảm thấy tin tưởng rằng, chúng tôi có thể xây dựng một mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng”. Tuy nhiên, ông không nêu chi tiết các vấn đề trong cuộc gặp gỡ này.

Ngoài ra, trả lời cánh phóng viên sau cuộc gặp, Thủ tướng Abe bày tỏ quan điểm rằng, ông tin rằng, ông Donald Trump là một “nhà lãnh đạo đáng tin cậy”.

Cuộc gặp gỡ không chính thức giữa hai ông diễn ra sau khi Tokyo cảm thấy lo lắng về tương lai của hai nước đồng minh trước những tuyên bố vận động tranh cử của ông Donald Trump.

Trước đó cùng ngày 17/11, thành viên trong chiến dịch tranh cử của tỷ phú Donald Trump, Kellyanne Conway trong cuộc phỏng vấn với kênh CBS cho biết: “Bất cứ các cuộc gặp gỡ sâu hơn về chính sách ngoại giao và mối quan hệ giữa Mỹ-Nhật Bản sẽ phải chờ tới thời điểm sau lễ nhậm chức (tức sau ngày 20/1/2017)”.

2 - Nga rút khỏi Tòa án Hình sự quốc tế

Trụ sở Toà án Hình sự Quốc tế (ICC) tại The Hague, Hà Lan. Ảnh : AP
Trụ sở Toà án Hình sự Quốc tế (ICC) tại The Hague, Hà Lan. Ảnh : AP
Tổng thống Nga Putin ngày 16/11 ký sắc lệnh rút Nga khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế - tổ chức ra phán quyết về các tội nghiêm trọng như diệt chủng và tội ác chống nhân loại.

Phát ngôn viên của ông Putin, Dmitry Peskov, giải thích rằng việc rút lui phù hợp với "lợi ích quốc gia" và lập luận rằng vì Nga chưa bao giờ phê chuẩn hiệp ước, sắc lệnh ban hành hôm nay chỉ mang tính hình thức. Ông Peskov cũng bác bỏ cáo buộc của ICC rằng "có cuộc xung đột vũ trang" ở Crimea và nhấn mạnh rằng Crimea sáp nhập Nga sau cuộc bỏ phiếu chính đáng năm 2014.

Bộ Ngoại giao Nga khẳng định trong một tuyên bố rằng Nga muốn tất cả mọi người liên quan đến tội phạm quốc tế phải đối mặt với công lý nhưng bày tỏ thất vọng về công việc của tòa án trong những năm gần đây.

"Tòa án đã không hoạt động được như kỳ vọng và cũng không trở thành một cơ chế công lý quốc tế thực sự độc lập và được tôn trọng", bộ này nói.

Sắc lệnh của Putin được đưa ra một ngày sau khi ủy ban nhân quyền của đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết lên án "sự chiếm đóng tạm thời Crimea" của Nga và cho rằng Nga vi phạm nhân quyền như phân biệt đối xử với một số cư dân ở Crimea.

3 - Động đất liên tiếp xảy ra ở New Zealand

Động đất mạnh làm 2 người thiệt mạng ở New Zealand cuối tuần qua.
Động đất mạnh làm 2 người thiệt mạng ở New Zealand cuối tuần qua.

Hàng loạt trận động đất mạnh đã làm rung chuyển đảo Nam New Zealand hôm 14/11, gây ra sóng thần và hàng trăm cơn dư chấn trên khắp cả nước khiến ít nhất 2 người thiệt mạng.

Theo Cơ quan Khảo sát Đại chất Mỹ (USGS), trận động đất mạnh 7,8 độ Richter xảy ra sau nửa đêm 14/11 (giờ địa phương) gần thị trấn Kaikoura, cách TP Christchurch khoảng 93 km về phía Đông Bắc.

Cơn địa chấn này đã gây ra những đợt sóng cao khoảng 2,49 m, cao nhất trong ít nhất 38 năm qua tại New Zealand. Cảnh báo sóng thần được dỡ bỏ sau đó nhưng một số trận động đất tiếp tục được ghi nhận vào trưa cùng ngày 14-11. Đến 13 giờ 30 phút (giờ địa phương), trận động đất mạnh 6,2 độ Richter xảy ra cách thị trấn Kaikoura khoảng 39 km về phía Tây Nam.

Theo Cơ quan Giám sát Địa chấn New Zealand GeoNet, khoảng 10 giờ sau trận động đất mạnh đầu tiên, gần 300 cơn dư chấn được ghi nhận, một trong số này lên đến 6,1 độ Richter.

Hàng chục ngàn người được yêu cầu rời khỏi khu vực bờ biển New Zealand để chuyển đến vùng cao hơn. Chính quyền New Zealand đang gấp rút khắc phục hậu quả thiên tai sau khi trận động đất gây sạt lở ở một số khu vực.

Tuy nhiên, các cơn dư chấn mạnh đã cản trở nỗ lực cứu hộ. Hàng chục nhân viên tình nguyện đang cố tiếp cận khu vực ảnh hưởng. Tình trạng khẩn cấp cũng được ban bố tại thị trấn Kaikoura, nơi có khoảng 2.000 người sinh sống.

4 - Nhật Bản vá hố tử thần sâu 15 mét chỉ trong 2 ngày

Chỉ mất 2 ngày, chính quyền địa phương đã sửa xong đường và 4 ngày để kiểm tra an toàn trước khi đưa vào hoạt động.
Chỉ mất 2 ngày, chính quyền địa phương đã sửa xong đường và 4 ngày để kiểm tra an toàn trước khi đưa vào hoạt động.

Với một nỗ lực đáng ngạc nhiên, các nhà thầu xây dựng Nhật Bản đã vá một hố tử thần rộng 30m, sâu 15m xuất hiện trên một đường phố chỉ trong vòng 2 ngày.

Một hố tử thần rộng 30 m, dài 27 m và sâu 15 m đã bất ngờ xuất hiện ở một đoạn đường thuộc thành phố Fukuoka, Tây Nam Nhật Bản hôm 8/11 vừa qua. Hố tử thần xuất hiện do tác động của việc mở rộng đường tàu điện ngầm cách đó không xa. Hố sâu và rộng tới mức có thể “nuốt” các ngôi nhà xung quanh bất cứ lúc nào, đồng thời cũng ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông của các phương tiện ở tuyến đường vốn tấp nập này.

Giới chức địa phương đã lập tức xin lỗi người dân vì sự gián đoạn này, đồng thời nhóm nhà thầu xây dựng cũng làm việc chạy đua với thời gian để vá đoạn đường chỉ trong vòng 2 ngày, bất chấp những trở ngại do hố tử thần xuất hiện đúng ở khu vực có đường ống nước. Họ đã dùng 6.200 mét khối cát và xi măng để lấp hố chưa kể công tác thi công mặt đường và lắp đặt lại đường ống khí đốt và đường điện.

Soichiro Takashima, thị trưởng Fukuoka, nói rằng, đoạn đường mới hiện giờ thậm chí có khả năng chịu lực gấp 30 lần đoạn đường cũ.

Thành tích này của đội ngũ kỹ sư và công nhân Nhật Bản đã nhận được những lời ngợi khen của cộng đồng mạng.

5 - Quốc hội Hàn Quốc thông qua luật về công tố viên đặc biệt điều tra bê bối tham nhũng

Tổng thống Hàn Quốc chuẩn bị tiếp nhận thẩm vấn.
Tổng thống Hàn Quốc chuẩn bị tiếp nhận thẩm vấn.

Quốc hội Hàn Quốc ngày 17/11 đã nhất trí thông qua luật bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt chịu trách nhiệm điều tra về vụ bê bối tham nhũng liên quan đến Tổng thống Park Geun-hye. Diễn biến mới này được cho là làm gia tăng thêm áp lực chính trị đẩy người đứng đầu Nhà Xanh tiến đến gần hơn tới nguy cơ phải từ chức.

Luật này được thông qua sau cuộc bỏ phiếu được đề xuất bởi Đảng Dân chủ đối lập chính của Hàn Quốc với 196/300 số phiếu ủng hộ tương ứng với 196 nghị sĩ trong Quốc hội. Điều này cho thấy một vài thành viên trong Đảng Saenuri cầm quyền của bà Park đã ủng hộ dự luật.

Giới truyền thông cho biết, công tố viên đặc biệt được chỉ định sẽ có thời gian tối đa 120 ngày để tiến hành điều tra vụ bê bối tham nhũng và có thể đưa ra những lời buộc tội. Trong một diễn biến đang chú ý, luật sư của Tổng thống Park, ông Yoo Yeong-ha, cho biết ông sẽ hợp tác với các công tố viên để sắp xếp một cuộc thẩm vấn trực tiếp với bà Park vào tuần tới.

6 - Kinh hoàng nổ xe xăng tại Mozambique, 173 người thương vong

Trong số các nạn nhân có cả trẻ em.

Trong số các nạn nhân có cả trẻ em.

Ngày 17/11, ít nhất 73 người thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương khi một chiếc xe bồn chở xăng bị lật bất ngờ phát nổ gần ngôi làng Caphiridzange, tỉnh Tete, Mozambique.


Trong thông cáo, chính phủ Mozambique cho biết, chiếc xe chở nhiên liệu bị lật khi đang trong hành trình từ thành phố cảng Beira tới Malawi. Sau khi bị lật, nó đã phát nổ khi rất đông người dân đang xúm vào lấy xăng từ chiếc xe này.

Các nhà chức trách Mozambique đã mở cuộc điều tra về việc chủ chiếc xe có tiến hành bán xăng sau khi chiếc xe bị lật hay người dân đã có hành động “hôi của”.

Theo một nguồn tin địa phương, chiếc xe bồn bị lật hôm thứ 4 và phát nổ vào chiều thứ 5. Nguyên nhân ban đầu khiến chiếc xe phát nổ được cho là do nhiệt độ cao.

“Xe cứu thương và các nhân viên y tế đã được điều động tới hiện trường để hỗ trợ các nạn nhân. Những người bị thương đã được đưa tới bệnh viện Tete để điều trị”, thông cáo của chính phủ cho hay.

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Mozambique là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Mặc dù cuộc nội chiến tại nước này đã chấm dứt vào năm 1992 nhưng nền kinh tế đến nay vẫn chìm trong suy thoái sâu.

7 - Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ tranh cử nhiệm kỳ thứ 4

Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ tranh cử nhiệm kỳ thứ 4 trong cuộc bầu cử năm 2017. Đây là lời khẳng định của ông Norbert Roettgen, chính trị gia cấp cao thuộc Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo Đức ngày 15/11.


“Bà Merkel rất quyết tâm và sẵn sàng đóng góp vào việc tăng cường trật tự tự do quốc tế. Bà sẽ tranh cử và sẽ là một nhà lãnh đạo đầy trách nhiệm”.

Trong nhiều tháng qua, dư luận Đức luôn chờ đợi xem liệu bà Merkel có theo đuổi nhiệm kỳ 4 hay không, sau khi tỷ lệ tín nhiệm bà giảm sút do những vấn đề liên quan tới chính sách nhập cư.

Hãng tin CNN dẫn lời một số chuyên gia chính trị cho rằng, nếu bà Merkel tranh cử, nhiều khả năng bà sẽ giành thắng lợi và tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng, bất chấp tỷ lệ tín nhiệm suy giảm.

Việc bà Merkel tranh cử nhiệm kỳ 4 được đánh giá là một nỗ lực nhằm duy trì sự ổn định tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu, trong bối cảnh bất ổn khi Anh trưng cầu dân ý rời EU, ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và phong trào dân túy lan rộng khắp lục địa già.

Trong 2 năm trở lại đây, chính sách mở của bà Merkel khi chấp nhận hàng trăm nghìn người nhập cư từ Syria, Afghanistan và các quốc gia khác vào châu Âu đã vấp phải những lời chỉ trích do lo ngại bất ổn an ninh.

Tuy nhiên, những người ủng hộ bà thì cho rằng, bà Merkel là một chính trị gia quyết đoán, có tấm lòng nhân hậu, là người có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội Đức và có công lớn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.

8 - Bộ trưởng kinh tế Nga bị bắt vì nghi nhận hối lộ

Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev.
Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev.

Ông Alexei Ulyukayev, Bộ trưởng Kinh tế Nga, đã bị bắt giữ liên quan đến cáo buộc nhận hối lộ 2 triệu USD để đưa ra các đánh giá “tích cực”, giúp tập đoàn dầu khí Rosneft mua thành công 50% cổ phần nhà nước trong công ty Bashneft, Ủy ban Điều tra Nga cho biết trong thông báo ra ngày 15/11.

Ông Ulyukayev cũng là chính khách cấp cao nhất ở Nga bị bắt giữ kể từ khi cuộc đảo chính ở Liên Xô thất bại năm 1991. Ủy ban Điều tra Nga đã trực tiếp báo cáo vụ việc cho Tổng thống Vladimir Putin, nhấn mạnh rằng các cuộc điều tra sẽ sớm được tiến hành để làm rõ các cáo buộc.

Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết các cáo buộc chống lại Ulyukayev là rất nghiêm trọng. “Trong mọi trường hợp, chỉ tòa án mới có thể ra phán quyết cho bất kỳ điều gì”, ông Peskov tuyên bố.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN