Khởi sắc Hoàng Mai

19/12/2016 11:17

(Baonghean) - Về TX. Hoàng Mai dịp cuối năm, cảm nhận về những tác động của công tác thu hút đầu tư thật rõ. Trên những con đường lớn mới mở giao cắt Quốc lộ 1 mọc lên những công trình, nhà máy, khách sạn lớn… Hình như, thời điểm vùng đất vốn thuần túy nông nghiệp, nông dân, nông thôn thay đổi nhịp sống đã bắt đầu.

Công nhân Nhà máy may Vinatex Hoàng Mai sản xuất các mặt hàng xuất khẩu sang Nhật Bản.
Công nhân Nhà máy may Vinatex Hoàng Mai sản xuất các mặt hàng xuất khẩu sang Nhật Bản.

Những nét chấm phá

Cảm nhận về khí chất công nghiệp trong con người Hoàng Mai mà chúng tôi có được bắt đầu là tại Nhà máy may Vinatex Hoàng Mai. Ở nơi này, sau ngày cắt băng khánh thành (ngày 3/9/2016) đã có khoảng 200 công nhân vào làm việc.

Họ là những nam nữ thanh niên trẻ đang trong giai đoạn tập sự với mức lương 2.000.000 đồng/tháng. Vậy nhưng, thể hiện trên khuôn mặt là sự nghiêm túc, cần mẫn và hài lòng trong công việc.

Dự án Nhà máy may Vinatex – Hoàng Mai và các công trình phụ trợ do Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đầu tư được UBND tỉnh chấp thuận từ năm 2014 với tổng vốn đầu tư hơn 127 tỷ đồng được xây dựng trên khu đất rộng 31.6000m2, thuộc xã Quỳnh Vinh.

Quy mô giai đoạn 1 của nhà máy được thiết kế với công suất 10,58 triệu sản phẩm/năm với toàn bộ dây chuyền thiết bị may hiện đại, đồng bộ của Nhật Bản. Theo bà Lưu Thị Bích Hằng - Phụ trách quản lý Công ty CP may Vinatex Hoàng Mai, hầu hết các công nhân là người TX Hoàng Mai. Khi được tuyển dụng, đa số chưa có kiến thức, kinh nghiệm về nghề nên nhà máy phải tổ chức đào tạo.

Dù vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, các công nhân đã quen việc, quen với môi trường sản xuất công nghiệp nên chất lượng sản phẩm đạt tốt. Nhà máy chuyên sản xuất may sản phẩm đồ lót dệt kim chất lượng cao với nguyên liệu đầu vào các đơn vị trong và ngoài nước cung cấp để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản thông qua đối tác thương mại của Vinatex là Tập đoàn Itochu (Nhật Bản).

Sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động, đối tác Nhật Bản thường xuyên qua kiểm tra, đánh giá về môi trường, điều kiện làm việc; và hiện công ty đã xuất được một đơn hàng đầu tiên.

Cũng theo bà Hằng, qua thời gian tập sự, thu nhập bình quân của công nhân là 3,7 - 4 triệu đồng/người. Công ty cũng đã dự kiến, khi dự án hoàn tất đi vào hoạt động ổn định, sẽ tạo việc làm cho 780 lao động, trong đó ưu tiên công nhân là con em địa phương.

Chính quyền các cấp rất quan tâm, tạo điều kiện về công tác giải phóng mặt bằng, giải quyết các hồ sơ thủ tục liên quan, phối hợp tích cực trong công tác tuyển dụng, giáo dục ý thức người lao động... Bởi vậy, công ty đã có được những thuận lợi trong hoạt động đầu tư dự án để sớm bắt tay vào sản xuất, kinh doanh…”.

Công nhân Nhà máy may Vinatex Hoàng Mai.
Công nhân Nhà máy may Vinatex Hoàng Mai.

Ở Khu công nghiệp Đông Hồi, sau một năm đầu tư, Dự án Nhà máy Tôn Hoa Sen Nghệ An cũng đã đi vào hoạt động dây chuyền 1. Dự án Nhà máy Tôn Hoa Sen Nghệ An có tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng.

Theo ông Huỳnh Phan Hiếu - Phó Giám đốc Nhà máy Tôn Hoa Sen, dù chỉ mới hoàn thiện giai đoạn 1 nhưng tại đây đã thu hút được khoảng 750 công nhân; trong đó có khoảng 30% là người địa phương Hoàng Mai, khoảng 60% là người địa phương khác ở Nghệ An, 10% còn lại là người từ các tỉnh thành khác của cả nước. Ông Hiếu cho biết: Các sản phẩm tôn kẽm, tôn lạnh, tôn màu và các loại ống kẽm do nhà máy sản xuất đã có mặt trên thị trường với sản lượng khoảng 25 ngàn tấn. Tại nơi đây, khi dự án hoàn thành, trung bình mỗi tháng sẽ đưa ra thị trường khoảng 1 triệu tấm sản phẩm…”.

Một dự án mới thực sự góp phần tạo điểm nhấn cho đô thị Hoàng Mai cần nhắc đến là Khách sạn Mường Thanh Grand Hoàng Mai. Có vị trí đứng chân đắc địa bên Quốc lộ 1A, giáp ranh với các con đường kết nối tới khu hành chính của thị xã và Khu công nghiệp Hoàng Mai 1; Khách sạn Mường Thanh Grand Hoàng Mai được xây dựng theo tiêu chuẩn 4 sao quốc tế, có chiều cao 15 tầng với 161 phòng nghỉ, đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách trong và ngoài nước.

Theo tìm hiểu, sau lễ khánh thành ngày 2/9/2016, khách sạn này là đã thu hút đông đảo khách dừng nghỉ. Kể cả các chuyên gia Khu công nghiệp Nghi Sơn (Thanh Hóa) cũng đặt phòng nghỉ ổn định tới 80 phòng. Bởi vậy, Khách sạn Mường Thanh Gran Hoàng Mai đã tạo việc làm ổn định cho 200 lao động…

Theo ghi nhận của chính quyền TX. Hoàng Mai, sau khi một số nhà máy mới đầu tư đi vào sản xuất như: Dây chuyền sản xuất tôn mạ của Nhà máy Tôn Hoa Sen, dây chuyền may Nhà máy may Vinatex, xưởng sản xuất bê tông tươi tại Quỳnh Xuân... cùng với các cơ sở sản xuất hiện có, đã góp phần đưa nhanh giá trị sản xuất ngành CN-TTCN sản xuất ước đạt 3.996 tỷ đồng, bằng 100,78% KH, tăng 33,18% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, lĩnh vực dịch vụ - thương mại cũng tăng trưởng cả về quy mô và giá trị, đạt 1.029 tỷ đồng bằng 102,21% KH, tăng 17,2% so với năm 2015; trong đó doanh thu từ du lịch ước đạt trên 60 tỷ đồng, tăng 18%...

Tiếp tục khơi dậy tiềm năng

Hoàng Mai được tỉnh xác định là vùng đất giàu tiềm năng. Bởi đây là đô thị có chiều dài 18km tiếp giáp biển, lại nằm ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh, rất thuận lợi cho các hoạt động giao thương với các trung tâm kinh tế lớn của vùng và cả nước. Hệ thống giao thông với các trục kinh tế, ngoài Quốc lộ 1A đã được mở rộng, nâng cấp và đưa vào sử dụng còn có tuyến đường sắt Bắc - Nam, Tỉnh lộ 537 nối Quốc lộ 1A đi TX. Thái Hòa - Nghĩa Đàn - Khu công nghiệp Đông Hồi đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Sản phẩm tôn ở nhà máy Hoa Sen - Đông Hồi (ảnh Châu Lan)
Sản phẩm tôn ở nhà máy Hoa Sen - Đông Hồi. Ảnh Châu Lan

Hoàng Mai có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, nhiều loại có trữ lượng lớn, điều kiện khai thác thuận lợi. Trong đó đáng chú ý là nguyên liệu để sản xuất vật liệu xây dựng như đá vôi (Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị, Quỳnh Vinh, Quỳnh Lập, Quỳnh Lộc), sét xi măng (Quỳnh Trang, Quỳnh Vinh), quặng phốt-pho-rít (Quỳnh Lập); chì, kẽm (Quỳnh Trang); đá ốp lát (Quỳnh Vinh, Quỳnh Trang)... Nói đến Hoàng Mai, không thể không nhắc về sự dồi dào tài nguyên biển.

Có chiều dài bờ biển 18km, Hoàng Mai có cửa Cờn là nơi tập trung các loài động thực vật phù du có giá trị kinh tế cao; là vị trí thuận lợi để tiếp cận ngư trường lớn Vịnh Bắc Bộ. Cùng với đó, thảm thực vật ven biển đặc trưng hệ sinh thái rừng ngập mặn không chỉ góp phần làm đa dạng tài nguyên rừng mà còn có giá trị về mặt kinh tế, khoa học, du lịch và môi trường...

Bởi giàu tiềm năng, và nhận thấy nếu làm tốt công tác kêu gọi đầu tư sẽ phát huy được tiềm năng sẵn có, vậy nên hướng tới của TX. Hoàng Mai là một mặt cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án hạ tầng chuyển tiếp năm 2016 như các tuyến đường nội thị, cầu qua sông Hoàng Mai, đường nối QL 1A từ Quỳnh Xuân đi Quỳnh Liên, các khu tái định cư KCN Đông Hồi, bãi xử lý rác thải Quỳnh Vinh, hạ tầng phục vụ GPMB các công trình trọng điểm trên địa bàn thị xã...

Mặt khác, tiếp tục làm tốt công tác thu hút đầu tư, phấn đấu từng bước lấp đầy diện tích trong các KCN Hoàng Mai và Đông Hồi; đồng thời thu hút các dự án đầu tư vào các lĩnh vực thương mại - dịch vụ tại khu du lịch Biển Quỳnh Phương - Quỳnh Liên - sông Hoàng Mai - Hồ Vực Mấu; vận động thu hút dự án Trung tâm thương mại của Vincom; xây dựng khu công nghiệp của các nhà đầu tư Hàn Quốc; thu hút đầu tư xây dựng các chợ xã, liên xã, các siêu thị, cửa hàng, shop kinh doanh...

Cùng chúng tôi đi thăm Quỳnh Phương, nơi có đền Cờn nổi tiếng cả nước, ông Nguyễn Anh Văn - Trưởng Ban Tuyên giáo TX. Hoàng Mai cho hay, danh mục các dự án kêu gọi đầu tư đến năm 2020 của Hoàng Mai có tổng vốn đầu tư lên tới 38.607 nghìn tỷ đồng. Trong đó, xác định bên cạnh những dự án công nghiệp, các dự án dịch vụ và du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng giúp Hoàng Mai có bước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

Nhật Lân

TIN LIÊN QUAN