Hướng đi của một miền đặc sản

26/11/2016 08:06

(Baonghean) - Với những sản vật như: Vịt bầu Quỳ, trà hoa vàng, bon bo, mú từn, nhân trần, chanh leo, lúa Jabonica... từ lâu, huyện miền núi Quế Phong đã được mệnh danh 'miền đặc sản'. Ngược lên huyện biên giới này khi tiết trời đã chuyển Đông, chợt thấy ấm lòng khi biết bà con đồng bào đã ý thức hơn trong việc phát huy thế mạnh của địa phương, và chính quyền có những hướng đi mới nhằm giúp dân phát triển kinh tế…

Hàng địa phương của huyện miền núi Quế Phong ngoài những sản phẩm quen thuộc còn có các sản vật độc lạ. Ảnh: Hồ Phương
Hàng địa phương của huyện miền núi Quế Phong ngoài những sản phẩm quen thuộc còn có các sản vật độc lạ. Ảnh: Hồ Phương

Miền đặc sản

Cách đây chưa lâu có dịp đến xã Quang Phong (Quế Phong), chúng tôi cứ lấy làm lạ khi thấy thỉnh thoảng người dân ở đây lại xách một vài con gà, chạy xe máy ra tận thị trấn Kim Sơn cách đó hơn 20 km để bán. Điều lạ lùng hơn là họ bán con gà của mình xong lại mua gà ở thị trấn mang về nhà giết thịt. Hỏi chuyện, té ra gà Quang Phong cao giá hơn với giá 130.000 đồng/kg, trong khi gà thị trấn chỉ khoảng 70.000 - 90.000 đồng/kg. Thành ra bằng phương thức “gà đổi gà” bữa ăn của người dân sẽ đủ dùng cho cả nhà. Câu chuyện này còn cho thấy một vấn đề khác quan trọng hơn, ấy là chất lượng gia cầm của mảnh đất Quang Phong đã được chứng minh trong thực tế.

Hai xã Quang Phong - Cắm Muộn trước đây cùng là một đơn vị hành chính, có tên gọi là Cắm Muộn. Mảnh đất này nằm dọc theo dòng sông Quàng và có vị trí đặc hữu về điều kiện địa lý, thổ nhưỡng và khí hậu. Môi trường tự nhiên đã góp phần tạo nên một vùng Cắm Muộn - Quang Phong nhiều sản vật đặc trưng. Đây chính là nơi sản sinh ra loài vịt bầu Quỳ nức danh cả nước, được đưa vào sách giáo khoa. Đã một thời gian dài người ta cho rằng, vịt bầu Quỳ nổi tiếng là bởi khi giết thịt thường bắt gặp vàng khoáng sản ở trong ruột và dạ dày chúng.

Điều này không phải là không có lý, bởi vùng Cắm Muộn (gồm cả Quang Phong) từng được biết đến là miền “vàng vui”, là rốn vàng, ở khu vực Tây Bắc Nghệ An. Loài vịt bầu Quỳ thường kiếm ăn tại các khe suối, nên việc chúng “vô tình” nuốt phải vàng cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, gạt bỏ những yếu tố mang hơi hướng ly kỳ, vịt bầu Quỳ quả là một đặc sản ít loài thủy cầm nào sánh kịp. Vịt bầu Quỳ có trọng lượng dao động từ 2,2 - 2,5kg, thân hơi dài, cổ ngắn, chân rất ngắn, bụng thường sà sát mặt đất, ngực rộng. Vịt cái thường có màu lông nâu vàng, vịt đực cánh màu xanh biếc và có khoang trắng hoặc vàng nhạt. Nếu giỏi chế biến, khó có thực phẩm nào theo kịp vịt bầu Quỳ.

Xã Quang Phong còn được biết đến bởi giống cây nhân trần. Nhân trần ở đây mọc tự nhiên trong rừng, cây trưởng thành cao từ 50 - 80 cm, cá biệt có những cây cao đến 1m. Anh Vi Văn Thắng - Bí thư Chi bộ bản Quyn là người đầu tiên lập vườn trại trồng nhân trần. Anh Thắng cho biết, mình bắt đầu trèo đèo, vượt suối vào rừng nhổ nhân trần tự nhiên về trồng từ cuối năm 2014. Bí thư Chi bộ bản Quyn khẳng định rằng, nhiều vùng, nhiều địa phương cũng có giống cây nhân trần, nhưng về chất lượng, mùi vị, dược tính không thể bằng nhân trần Quang Phong.

Anh Vi Văn Thắng và niềm vui từ cây nhân trần tự tìm kiếm, gieo trồng được
Anh Vi Văn Thắng và bó nhân trần vừa thu hái.

Từ 100m2 trồng nhân trần ban đầu đến nay anh Thắng đã mở rộng được hơn 1 ha. Điều đặc biệt, đã có gần 20 hộ dân trong vùng đến học hỏi cách làm của anh Thắng và mua hạt giống về trồng. Anh Thắng cũng cho biết, ban đầu anh trồng cây nhân trần với mong muốn vừa bảo tồn giống cây quý của quê hương mình, vừa tìm hướng phát huy giá trị đặc hữu của loài dược liệu này. Hiện nay, cây nhân trần ở Quang Phong rất dễ tiêu thụ, nếu bán lẻ, chỉ cần 1 bó với 5 -7 cây đã thu về 50.000 đồng.

Anh Vi Văn Thắng (giữa) giới thiệu về vườn cây nhân trần
Anh Vi Văn Thắng (giữa) giới thiệu về vườn cây nhân trần

Huyện Quế Phong là một trong 2 địa bàn rẻo cao của tỉnh Nghệ An, nhưng mảnh đất Quế được xem là miền đặc sản. Tại đây có gần 145.000 ha rừng với độ che phủ đạt 77%. Vùng Quế Phong cũng có sự giao thoa của các khu dự trữ sinh quyển có tầm quan trọng bậc nhất cả nước, trong đó có Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã tạo nên những yếu tố riêng biệt, không chỉ có ý nghĩa lớn trong việc bảo tồn giá trị sinh học mà còn có tầm vóc trong phát triển ngành khoa học thực nghiệm. Xét riêng về hệ dược liệu, ở Quế Phong có 372 loài thực vật có giá trị trong y thuật dân gian cũng như y học hiện đại. Có thể kể đến: đẳng sâm, đương quy, đỗ trọng, chè hoa vàng, bon bo, mú từn, quế chi, nhân trần… Trong số các loại cây dược liệu mà vùng đất Quế đang sở hữu, loài có giá trị kinh tế lớn phải kể đến cây chè hoa vàng.

Các sản vật đa lát. Ảnh: Hồ Phương
Các sản vật đa lát. Ảnh: Hồ Phương

Chè hoa vàng được gọi theo tiếng của đồng bào dân tộc Thái là “cỏ tắp quái”. Là loài cây mọc trên các vùng gò đồi, ven khe suối, chè hoa vàng ở Quế Phong mãi đến năm 2012 mới được phát hiện và công bố. Qua các tài liệu kiểm nghiệm khoa học cho thấy, chè hoa vàng chứa tới hơn 400 thành phần dinh dưỡng và có giá trị y học cao. Nó thuộc họ sơn trà, thân gỗ nhỏ, cao từ 2 - 5m. Hàng năm, vào tháng 4, tháng 5 cây bắt đầu đâm lộc, sau 2 - 3 năm lá mới rụng. Tháng 11 bắt đầu nở hoa và kéo dài đến tháng 3 năm sau. Hoa chè có màu vàng kim sáp bóng với đường kính 5 - 6cm và đây cũng là bộ phận có giá trị nhất của loài cây này. Sau khi thu hái, hoa chè tươi được bán với giá 2,5 triệu đồng còn hoa chè khô có giá từ 3,5 - 5 triệu đồng/kg.

Chè hoa vàng
Cây chè hoa vàng được trồng tại xã Đồng Văn (Quế Phong)


Nhận thấy các giá trị mà cây chè hoa vàng mang lại, chính quyền huyện Quế Phong đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ khảo sát, nghiên cứu và nhân giống phát triển loài cây này. Trung tâm Ứng dụng hoa học kỹ thuật (Sở KH&CN) cũng đã tiến hành trồng thí điểm 1ha chè hoa vàng tại địa bàn xã Đồng Văn và cho kết quả tốt. Bên cạnh đó, tháng 4/2016 UBND huyện Quế Phong đã lập Đề án Bảo tồn và phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, đến năm 2020 cây chè hoa vàng sẽ đạt tổng diện tích 95 ha, triển khai chủ yếu tại các xã Đồng Văn, Thông Thụ, Hạnh Dịch, Tiền Phong, Mường Nọc, Châu Kim. Cũng trong đề án này, còn có 2 loại cây khác cũng được thực hiện bảo tồn, nhân rộng là bon bo và đẳng sâm. Trong đó, diện tích bon bo là 235 ha còn đẳng sâm là 4,5 ha

Mở hướng đi mới

Ở các xã trên địa bàn huyện Quế Phong, từ khá lâu đã có các HTX dịch vụ chuyên giới thiệu, kinh doanh những sản vật địa phương. Nhiều tư thương đã tìm về đặt hàng, gom mua giúp cho đồng bào có thêm thu nhập và hiểu được giá trị của những sản vật địa phương mình. Từ đây, đồng bào ngoài việc thu hái, sản xuất sản vật, còn biết trân trọng, gìn giữ để các loại cây, con tiếp tục sinh sôi cho ra những mặt hàng có giá trị.

Dẫu vậy, như Chủ tịch UBND huyện Quế Phong - ông Lê Văn Giáp từng trao đổi, thì vấn đề tiêu thụ các sản phẩm đặc sản ở Quế Phong đang rất khó khăn, nhỏ lẻ, manh mún. Ông Giáp tâm sự: “Nhiều lần đi thực tế ở cơ sở, đến các HTX dịch vụ thấy hàng hóa của bà con sản xuất thu hái về bỏ đó không có người mua bị hư hỏng rất xót. Sản vật của địa phương Quế Phong đa dạng, rất có giá trị, trong đó có nhiều những dược liệu nhưng mới chỉ đến được với tư thương, chưa với tới được các nhà sản xuất, hoặc người tiêu dùng có chất lượng…”.

Chè hoa vàng đã được huyện Quế Phong chỉ đạo ươm giống để nhân rộng.
Chè hoa vàng đã được huyện Quế Phong chỉ đạo ươm giống để nhân rộng.

Chính vì vậy, để tìm đầu ra cho các loại sản vật địa phương, bước đi đầu tiên là huyện Quế Phong chọn một khu đất ở khối 4 - thị trấn Kim Sơn bám Quốc lộ 48, sát với chợ thị trấn, đã đầu tư 130 triệu đồng từ ngân sách huyện xây 3 quầy ốt để trưng bày giới thiệu sản phẩm. Để đảm bảo các gian hàng luôn phong phú sản vật, giới thiệu đến người tiêu dùng trong và ngoài địa bàn, UBND huyện Quế Phong có văn bản chỉ đạo các xã, HTX, làng nghề tăng cường khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, còn huyện cam kết hỗ trợ kinh phí cho nhân viên bán hàng và giới thiệu sản phẩm.

Gian hàng thổ cẩm. Ảnh: Hồ Phương
Gian hàng thổ cẩm. Ảnh: Hồ Phương

Bước tiếp theo mà huyện Quế Phong sẽ làm, như Trưởng ban phát triển NT&MN Quế Phong, ông Nguyễn Bá Hiền cho biết thì UBND huyện sẽ thành lập mới một HTX dịch vụ để quản lý các gian trưng bày, kết nối với các địa phương, doanh nghiệp, các nhà kinh doanh để tiêu thụ sản phẩm cho bà con nhân dân. Đồng thời, hướng đến việc tổ chức thêm một địa điểm trưng bày các sản vật Quế Phong ở TP. Vinh để mở rộng thị trường tiêu thụ…

Nói về việc Quế Phong đang mở hướng tìm đầu ra cho các sản vật địa phương, ông Trần Quốc Thành – Giám đốc Sở KH&CN cho biết, chè hoa vàng đất Quế đã có được đầu ra rất tốt. Bởi một dược sỹ của Sở Y tế và Công ty Dược - Vật tư y tế tỉnh đã phối hợp thực hiện thành công dự án sản xuất viên nang và chè túi lọc từ chè hoa vàng.

Bản thân ông Thành, với gợi ý của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phan Đình Trạc “cần tìm cho Nghệ An một loại rượu riêng biệt” đã bỏ công kiểm nghiệm phân tích loại rễ cây mú từn, để từ đó, chiết xuất thành công sản phẩm rượu mú từn đã có bán trên thị trường… Ông Trần Quốc Thành cho biết thêm, Sở KH&CN đang đề xuất UBND tỉnh cho phép đầu tư thực hiện một siêu thị để giới thiệu các loại đặc sản xứ Nghệ. Và nếu thành công, nhất định dành cho Quế Phong một gian trưng bày…

Như thế, cùng những gì huyện Quế Phong đang thực hiện, với sự quan tâm của các cấp, ngành, các loại sản vật của đất Quế đã bắt đầu bước vào hành trình mới - hành trình phát huy giá trị thực tiễn.

Nhật Lân - Đào Tuấn

TIN LIÊN QUAN