Nghệ An 'khát' lao động lành nghề

21/11/2016 10:25

(Baonghean) - Trong khi nhiều doanh nghiệp đang “khát” lao động, thì vẫn còn rất đông lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Đây cũng là một nghịch lý của thị trường việc làm ở tỉnh ta thời gian qua.

Nghịch lý tuyển dụng

Công ty TNHH Em-tech Việt Nam - Chi nhánh Nghệ An đóng ở phường Vinh Tân (TP. Vinh) là công ty chuyên sản xuất linh kiện điện thoại di động. Những năm qua, đơn vị rất khó để tuyển được đủ nguồn lao động. Ông Kim Jong Gun - Giám đốc điều hành chi nhánh Em-tech Nghệ An cho biết: “Hiện công ty đang có nhu cầu tuyển dụng hơn 100 công nhân nữ, mặc dù chấp hành nghiêm quy định pháp luật trong tuyển dụng, thử việc, lại thêm nhiều chế độ đãi ngộ nhưng chúng tôi vẫn mỏi mắt tìm lao động.

Dù đã treo băng rôn, đồng thời đăng tải thông tin trên các trang mạng xã hội, rồi nhân viên bộ phận nhân sự còn “tỏa” đi các nơi để phát tờ rơi, nhưng vẫn chưa tuyển đủ theo nhu cầu..."

Có hoàn cảnh tương tự là Công ty CP Ausdoor chi nhánh Nghệ An có trụ sở tại Khu Công nghiệp nhỏ Nghi Phú, xã Nghi Phú (thành phố Vinh). Theo ông Nguyễn Đình Sinh - Giám đốc Công ty CP Ausdoor chi nhánh Nghệ An, doanh nghiệp này chuyên sản xuất các loại cửa cuốn; nhiều năm qua, đơn vị rất khó để tuyển được nguồn lao động đủ năng lực vận hành các thiết bị tự động do tay nghề lao động phần lớn không đạt yêu cầu. Do đó, thời gian qua, công ty phải tiếp nhận một số lao động phổ thông rồi tiến hành đào tạo lại từ đầu việc thực hiện các quy trình đảm bảo an toàn lao động, vận hành máy móc...

Còn tại Công ty CP NaFoods, trong 400 lao động hiện có thì có đến 70% lao động phải tổ chức đào tạo lại để đáp ứng công việc. Số ít lao động thuộc chuyên ngành hóa thực phẩm phù hợp với công việc thì công ty phải tuyển dụng từ trường nghề ở các tỉnh khác.

Công nhân làm việc tạiCông ty CP Nafoods.
Công nhân làm việc tại Công ty CP Nafoods.

Ngồi chờ làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Phòng Bảo hiểm thất nghiệp - Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐ-TB&XH), chị Nguyễn Thị Hòa (SN 1986) ở xã Nghi Kiều (Nghi Lộc) cho biết: "Tôi làm công nhân ở KCN Bắc Vinh được 3 năm thì chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp khó khăn. Thu nhập cả gia đình trông vào đồng lương của tôi, nên ngoài làm thủ tục để được hỗ trợ khi mất việc, tôi đang cố gắng tìm thông tin tuyển dụng để mong tìm được việc làm mới".

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm, từ đầu năm 2016 đến nay đã có 21 phiên giao dịch, kết nối với hơn 300 lượt doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 12,3 nghìn vị trí, trong đó hơn 80% doanh nghiệp tuyển lao động phổ thông thuộc lĩnh vực may, điện tử, xây dựng... Cũng tại các phiên giao dịch, có hơn 4.600 lượt lao động đến tìm việc nhưng chỉ có chưa đầy 1.000 người được doanh nghiệp tiếp nhận. Như vậy, số người có việc làm qua các phiên giao dịch chỉ chiếm khoảng 21% so với tổng số lao động mà doanh nghiệp cần tuyển dụng. Tuy nhiên, hai lĩnh vực có nhu cầu lớn về lao động phổ thông như chị Hòa là may và sản xuất linh kiện điện tử thì hầu hết lại đòi hỏi tuổi dưới 30 hoặc yêu cầu đã biết may công nghiệp.

Mấu chốt vẫn là chất lượng đào tạo nghề

Theo ông Hồ Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều khu công nghiệp mới được hình thành, các doanh nghiệp đầu tư vào Nghệ An đang ngày một tăng, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng lao động cũng tăng cao.

Tuy nhiên, vẫn phổ biến tình trạng cung - cầu chưa gặp nhau, nguyên nhân do doanh nghiệp và lao động chưa đạt được thỏa thuận về mức lương, độ tuổi, điều kiện làm việc... Trong khi lao động mong muốn chế độ đãi ngộ tốt thì doanh nghiệp luôn tìm cách để thuê nhân công với chi phí thấp nhất.

Mặt khác, công tác đào tạo nghề hiện vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự chú trọng đến nhu cầu của thị trường; phần lớn lao động tìm việc đều chưa qua đào tạo hoặc thiếu kỹ năng nghề. Ông cho biết thêm: “Qua thống kê hàng năm mà đơn vị trực tiếp làm cầu nối để giới thiệu lao động trên địa bàn đi làm việc tại các doanh nghiệp thì số lao động đáp ứng được yêu cầu chiếm tỷ lệ rất thấp.

Đại đa số là lao động phổ thông, có chăng cũng chỉ là sơ cấp nghề nên hiện doanh nghiệp cũng gặp khó trong quá trình tìm nguồn nhân lực có tay nghề cao, được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Bởi họ cho rằng, nếu tuyển về cũng phải bỏ ra một khoản tiền lớn để đào tạo lại, nên khi người lao động phỏng vấn trực tiếp, doanh nghiệp đã đặt ra nhiều điều kiện rất khắt khe”.

Lao động đến tìm hiểu thông tin tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An.
Lao động đến tìm hiểu thông tin tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An.

Một nguyên nhân nữa là gần đây, các doanh nghiệp tuyển lao động ngày càng trẻ, trong khi tuổi của nguồn “cung” lại có xu hướng tăng (chủ yếu hơn 30). Thậm chí, vì cái lợi trước mắt như giảm chi phí trả lương, trích nộp BHXH cho lao động lâu năm hoặc cắt bớt một số ưu đãi cho nữ công nhân mang thai, nuôi con nhỏ nên có hiện tượng doanh nghiệp sử dụng lao động theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ” nên không thu hút được người lao động. Một mặt, doanh nghiệp luân phiên sa thải công nhân lớn tuổi hay đang trong thời gian nghỉ thai sản, mặt khác, tuyển dụng lao động có độ tuổi thấp hơn. Điều này càng gây khó khăn trong việc cân đối thị trường lao động.

Theo bà Lê Thị Phương Thủy - Trưởng phòng Việc làm - Lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), để khắc phục nghịch lý trên cần giải pháp đồng bộ, quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của thị trường lao động. Hệ thống các trường nghề tăng cường liên kết đào tạo theo địa chỉ, đào tạo tại chỗ để cung ứng lao động chất lượng, phù hợp với yêu cầu doanh nghiệp. Thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH sẽ tổ chức điều tra cung - cầu lao động hàng năm, thông báo rộng rãi về các địa phương; đồng thời, thường xuyên tuyên truyền các chính sách hỗ trợ tạo việc làm theo Luật Việc làm đến các phường, xã, tạo cơ hội tìm việc cho người dân. Về phía doanh nghiệp cần chấp hành quy định pháp luật trong tuyển dụng, nâng cao trách nhiệm với người lao động, quan tâm cải tạo môi trường làm việc, bảo đảm chế độ lương, bảo hiểm để thu hút lao động..


Minh Quân

TIN LIÊN QUAN