Thơm mật mía Thọ Sơn

17/12/2016 10:12

(Baonghean) - Khi tiết trời heo may, những ruộng mía bạt ngàn ở Anh Sơn bắt đầu cho thu hoạch thì cũng là lúc mùa ép mật ở xã Thọ Sơn (Anh Sơn) bước vào vụ Tết. Nổi tiếng bởi độ thơm ngon và màu sắc đẹp, mật mía ở đây đang được nhiều người tiêu dùng ưa thích.

Những ngày cuối năm, khi người dân nông thôn chộn rộn với mùa màng thì cũng là lúc những lò mật mía nức tiếng ở Thọ Sơn đỏ lửa suốt ngày. Mía được người dân ép lấy mật quanh năm nhưng dịp này náo nhiệt hơn cả. Bởi lẽ nhu cầu về mật mía vào cuối năm thường tăng cao, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán.

Chúng tôi có mặt tại lò nấu mật của gia đình anh Ngân Văn Hà, ở thôn 4 vào thời điểm gia đình đang hoạt động với cường độ cao, các máy ép mật chạy hết công suất. Với kinh nghiệm hơn 10 năm trong nghề, anh Hà chia sẻ: Để chế biến được một lít mật là cả quá trình phức tạp và tốn nhiều công sức. Công đoạn vất vả nhất là ép mía. Ngày trước làm hoàn toàn bằng tay và sử dụng sức kéo của trâu bò nên rất vất vả lại mất thời gian. Những năm trở lại đây, người ta chế tạo ra máy ép mía nên công việc đã trở nên nhẹ nhàng hơn.

Mía chuyển về chuẩn bị ép lấy mật.
Mía chuyển về chuẩn bị ép lấy mật.

Mía đưa từ ngoài đồng, bãi về được làm sạch. Hiện nay khách hàng đòi hỏi cao về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nên khâu này rất được chú trọng. Sau khi rửa sạch, cây mía còn được chuốt sạch tinh cật bằng dao lưỡi cong. Tiếp đó, mía được đưa vào máy ép để lấy nước. Nước mía sau khi ép xong được đưa vào các chảo lớn để bắt đầu đun.

Cũng theo anh Hà: Việc nấu thành phẩm cũng là một quá trình phức tạp yêu cầu người nấu phải có kỹ thuật, kinh nghiệm mới có thể cho ra những mẻ mật thơm ngon. Quan trọng nhất là giữ lửa trong lò luôn ổn định. Nếu lửa quá to, tay đảo không đều mật dễ bị cháy. Nếu lửa quá nhỏ thì công đoạn keo mật sẽ rất lâu. Trong quá trình đun mật, người ta phải đảo đều tay và liên tục vớt bọt để mật không bị cháy, bị đen và giữ được vị thơm ngọt. Nước mía được đun sôi liên tục. Thông thường phải mất từ 5 - 6 tiếng đồng hồ mới cô đặc thành mật…

Trước đây để ép mật người dân Thọ Sơn dùng sức kéo trâu bò và sức người, nay được thay bằng máy ép.
Trước đây để ép mật người dân Thọ Sơn dùng sức kéo trâu bò và sức người, nay được thay bằng máy ép.
Quá trình đun mật.
Quá trình đun mật.
Nước mía ép đun sôi
Nước mía ép đun sôi.

Sau khi mật được nấu xong người ta cho vào nồi hoặc chậu để nguội rồi đóng chai xuất bán cho khách hàng. Anh Vi Văn Quang - người dân xã Thọ Sơn cho biết: “Mật mía ở đây thơm ngon nên được ưa chuộng. Mấy năm gần đây, nhờ sản xuất mật mía mà đời sống của chúng tôi ngày một cải thiện”.

Bát mật mía vừa ra lò.
Bát mật mía vừa ra lò.

Hiện nay, toàn xã Thọ Sơn có khoảng 10 hộ làm nghề ép mật mía, ngoài việc thu mua mía cho người dân, nghề ép mật còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Với nhiều người dân ở miền Tây Nghệ An, mật mía là thứ không thể thiếu trong những ngày Tết Nguyên đán. Sản phẩm thường được dùng để làm các loại như: bánh ong, bánh trôi, bánh mật… hoặc nấu những món chè trong những ngày 23 tháng Chạp thờ ông Công, ông Táo hoặc cúng giao thừa trong đêm 30 Tết./.

Huyền Trang


TIN LIÊN QUAN