Ôm tiền đầu tư theo tin đồn và cái kết đắng

19/12/2016 06:30

Tin đồn về việc đổi tiền khiến nhiều người rút tiền mua vàng, USD. Khi Bộ Công an bắt được nhóm đối tượng tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội, dư luận đã chấm dứt hoang mang, nghi ngờ và nhiều người rút ra được những bài học đắt giá.

Tại thời điểm tin đồn xuất hiện trong những ngày cuối tháng 11, thị trường vàng nổi "sóng", chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế liên tục giãn rộng, có lúc giá vàng trong nước đã đắt hơn giá thế giới tới 4,4 triệu đồng/lượng. Các chuyên gia đã liên tục cảnh báo nhà đầu tư về những rủi ro có thể xảy ra.

Tin đồn đổi tiền đã ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Và gần đây, phiên họp quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được cho là chất xúc tác chính tới thị trường vàng. Ở những phiên đầu tuần này, thị trường vàng trong nước liên tục điều chỉnh tăng giảm không tương xứng với xu hướng của giá thế giới. Chuyển sang phiên giữa tuần, sau thông tin Fed chính thức điều chỉnh tăng lãi suất, giá vàng trong nước chỉ điều chỉnh giảm cầm chừng so với điều chỉnh giảm của giá thế giới. Sự biến động không cùng nhịp này đã nới rộng khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, có thời điểm lên tới hơn 5 triệu đồng/lượng.

Nhìn lại các phiên giao dịch trong tuần này, giá vàng điều chỉnh tăng giảm đan xen. Mức giá cao nhất ghi nhận 36,15-36,6 triệu đồng/lượng trong khi đó mức giá thấp nhất tại 35,58-36,1 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán. Chiều 17/12, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 35,7 – 36,3 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Như vậy, so với thời điểm cao nhất và thấp nhất trong tuần, mỗi lượng vàng giảm khoảng 500 nghìn đồng.

Bình luận về diễn biến này, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính nhận định, việc Fed tăng lãi suất đã được các nhà đầu tư tài chính chờ đợi từ lâu. Và mặc dù đã được dự báo từ lâu nhưng khi Fed quyết định tăng lãi suất, giá vàng thế giới vẫn bị tác động nhất định, điển hình là phản ứng giảm mạnh. Giá vàng trong nước cũng quay đầu giảm theo. Do vậy, những người đã mua vàng sau những tin đồn đổi tiền những ngày trước có thể đang gặp một số thiệt hại.

Rõ ràng, nhìn vào diễn biến giá vàng cho thấy, nếu ai “ôm” tiền đi mua vàng tại thời điểm tin đồn đổi tiền xuất hiện thì chỉ sau 3 tuần đã bị lỗ nặng bởi đà rơi của kim loại quý. Giới phân tích nhận định, việc Fed tăng lãi suất đang khiến đồng USD tăng và đẩy giá vàng thế giới đi xuống. Trong năm 2017, Fed còn dự kiến tăng lãi suất thêm 3 lần nữa, điều này sẽ tạo áp lực cho giá vàng trong ngắn hạn. Do đó, “chơi vàng” trong giai đoạn này rủi ro cao.

Giới kinh doanh vàng cũng nhận định, thời điểm cận cuối năm diễn biến khó lường của giá thế giới kết hợp với cung cầu trong nước vẫn là bài toán khó để dự đoán đúng xu hướng cho kim loại quý.

Về phía nhà điều hành, Ngân hàng Nhà nước khẳng định vẫn tiếp tục “quản” chặt nhằm bảo lưu những thành tựu chống “vàng hoá” nền kinh tế đã đạt được sau một thời gian dài nỗ lực. Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng vụ Quản lý Ngoại hối khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường và khẳng định sẵn sàng các phương án, cũng như có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường vàng khi cần thiết. Việc can thiệp bình ổn thị trường vàng sẽ được thực hiện nhất quán với chủ trương quản lý thị trường vàng theo định hướng Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

“Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quản lý chặt chẽ thị trường vàng miếng, tạo điều kiện phát triển thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ một cách lành mạnh, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân cũng như doanh nghiệp”, người đứng đầu Vụ Quản lý Ngoại hối khẳng định.

Về phía người dân, việc mua bán hay quyết định đầu tư theo tin đồn là bài học đắt giá. Một lần nữa, đây là bằng chứng cho thấy, việc mua bán chỉ đạt kết quả tốt nhất khi dựa trên các chỉ số kinh tế, diễn biến thị trường, cũng như các chính sách kinh tế khi đã được các cơ quan quản lý, điều hành công bố chính thức.

Đỗ Huyền/baotintuc

TIN LIÊN QUAN