'Chốt sổ' những sự kiện rung chuyển hành tinh năm 2016

31/12/2016 08:43

(Baonghean) - Năm 2016 đã khép lại với vô vàn biến động trên khắp thế giới. Từ chính trị tới an ninh, từ kinh tế tới thể thao, y tế,… lĩnh vực nào cũng ghi nhận những sự kiện nổi bật, được giới truyền thông quan tâm đưa tin đậm nét.

1 - Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên

Năm 2016 mở màn với thông tin Bình Nhưỡng ngày 6/1 tuyên bố tiến hành thử thành công bom nhiệt hạch (bom H), đánh dấu một bước tiến mới trong chương trình hạt nhân của nước này. Sau đó, Triều Tiên đã tiến hành nhiều vụ thử nghiệm tên lửa khác, kéo căng quan hệ vốn dĩ không mấy êm đẹp với láng giềng Hàn Quốc, đẩy an ninh trên Bán đảo bên bờ vực đe dọa.

Mới nhất, ngày 11/12, có thông tin cho rằng Triều Tiên đang trong quá trình đạt được một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang vũ khí hạt nhân, có thể bắn tới Mỹ.

Dân chúng Triều Tiên nhảy múa mừng thành công đại hội đảng Lao động cầm quyền lần đầu tiên diễn ra sau 36 năm. Năm 2016 đánh dấu những chuyển biến mới trong chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters.
Dân chúng Triều Tiên nhảy múa mừng thành công đại hội đảng Lao động cầm quyền lần đầu tiên diễn ra sau 36 năm. Năm 2016 đánh dấu những chuyển biến mới trong chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters.

2 - Hồ sơ Panama chấn động

Hồ sơ Panama - tức vụ rò rỉ thông tin vào một ngày đầu tháng 4 đã phần nào hé lộ sợi dây liên quan giữa rất nhiều người nắm giữ ảnh hưởng nhất định trên thế giới với các công ty tài chính ở nước ngoài, qua đó che giấu tổng tài sản thực hoặc phục vụ mưu đồ trốn thuế.

11,5 triệu tài liệu với sự vào cuộc của 100 tờ báo và 400 phóng viên tại 80 quốc gia vạch trần 215.000 công ty vỏ bọc nước ngoài và 14.153 khách hàng có mối liên hệ với hãng luật Mossack Foseca để trốn thuế, trong đó có hơn 140 chính trị gia, người nổi tiếng.

Đây được xem là một kênh để chính phủ các nước tham khảo và vào cuộc điều tra, xác minh những trường hợp cần thiết.

Vụ tiết lộ tài liệu chấn động Hồ sơ Panama được cho là có liên quan đến nhiều nhân vật nổi tiếng. Ảnh: Internet.
Vụ tiết lộ tài liệu chấn động Hồ sơ Panama được cho là có liên quan đến nhiều nhân vật nổi tiếng. Ảnh: Internet.

3 - Brexit - cuộc ly hôn sau 43 năm mặn nồng

Trong cuộc trưng cầu ý dân về lựa chọn ra đi hay tiếp tục ở lại Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ngày 24/6/2016, 52% người dân Anh đã đồng thuận với phương án chấm dứt mối quan hệ hơn 4 thập niên qua với khối nước hùng mạnh 28 thành viên.

Ngay lập tức, thị trường tài chính và dầu mỏ toàn cầu bị sốc mạnh, Thủ tướng David Cameron từ nhiệm và nhường ghế cho “người đàn bà thép” Theresa May. Thời hạn chót để nước Anh hoàn thành câu chuyện Brexit là tháng 10/2018, và các bên đang nỗ lực thúc đẩy tiến trình này.

Dù không ít người nhận định về Brexit là “vắng mợ chợ vẫn đông”, nhưng xét cho cùng EU vẫn phải thấy trọng để tránh xảy ra hiệu ứng domino trong bối cảnh khủng hoảng toàn diện và chủ nghĩa dân túy lan rộng.

Thủ tướng Anh David Cameron cùng gia quyết rời Số 10 Phố Downing trong ngày cuối tại nhiệm sau sự kiện Brexit. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Anh David Cameron cùng gia quyết rời Số 10 Phố Downing trong ngày cuối tại nhiệm sau sự kiện Brexit. Ảnh: Reuters.

4 - Sự kiện thể thao tầm cỡ Olympic

Olympic Rio 2016 diễn ra trung tuần tháng 8 đã khép lại thành công, cống hiến cho người yêu thể thao khắp thế giới những màn tranh tài đẳng cấp và mãn nhãn. Có thể đây không phải là mùa Thế vận hội được đầu tư tiền của nhiều như các kỳ trước, song trong mớ khủng hoảng rối ren, với kinh phí eo hẹp, những nỗ lực của chủ nhà Brazil rất đáng ghi nhận.

Olympic Rio 2016 diễn ra đúng thời điểm dịch bệnh Zika gây biến chứng nhỏ đầu ở trẻ sơ sinh đang bùng phát và lây lan nhanh, song may mắn là không có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra, dù một số vận động viên đã tuyên bố không tham gia thi đấu vì lo sợ Zika.

Olympic 2020 sẽ diễn ra tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản.

Vận động viên Usain Bolt của Jamaica - huyền thoại Olympic tranh tài trên đường đua 100 mét trong Thế vận hội Rio. Ảnh: Reuters.
Vận động viên Usain Bolt của Jamaica - huyền thoại Olympic tranh tài trên đường đua 100 mét trong Thế vận hội Rio. Ảnh: Reuters.

5 - Cuộc đua vào Nhà Trắng

Bầu cử Mỹ 8/11/2016 đã đưa Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ vào ngày 20/1 tới. Cuộc đua song mã quyết liệt giữa 2 ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton với ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump luôn là tâm điểm của giới truyền thông Mỹ cũng như thế giới.

Tuy chiến thắng không gọi tên Hillary Clinton, nhưng theo nhiều nhận định bà cũng đã gặt hái được kha khá thành tựu, nhất là khi trở thành người phụ nữ đầu tiên đại diện cho một chính đảng chạy đua vào vị trí chủ nhân Nhà Trắng kiêm Tổng tư lệnh xứ cờ hoa.

Dù thất cử song Hillary Clinton vẫn đi vào lịch sử Mỹ với tư cách người phụ nữ đầu tiên trở thành ứng viên tổng thống đại diện cho một chính đảng. Ảnh: Reuters.
Dù thất cử song Hillary Clinton vẫn đi vào lịch sử Mỹ với tư cách người phụ nữ đầu tiên trở thành ứng viên tổng thống đại diện cho một chính đảng. Ảnh: Reuters.

6 - Lãnh tụ Cuba Fidel Castro qua đời

Fidel Castro - biểu tượng của cách mạng Cuba và Mỹ Latinh, lãnh tụ muôn vàn kính yêu của nhân dân Cuba và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, đã qua đời ở tuổi 90 vào tối 26/11 tại thành phố Santiago de Cuba.

Fidel Castro đã lãnh đạo Cuba trong 5 thập niên và là nguyên thủ tại nhiệm với thời gian dài thứ 3 thế giới, sau Nữ hoàng Anh và Nhà vua Thái Lan, đập tan hàng trăm âm mưu ám sát của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) cũng như một số tổ chức khác.

Ghi nhận những cống hiến của ông, Tạp chí Time hồi năm 2012 đã bầu Castro là 1 trong 100 nhân vật gây ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại. Nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đã tuyên bố tổ chức quốc tang tưởng nhớ nhân vật đã trở thành tượng đài đi vào lịch sử thế giới.

Di hài lãnh tụ Fidel Castro trong chuyến đi cuối cùng qua các địa phương của Cuba trong niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân. Ảnh: Daily Express.
Di hài lãnh tụ Fidel Castro trong chuyến đi cuối cùng qua các địa phương của Cuba trong niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân. Ảnh: Daily Express.

7 - Cuộc chiến chống IS ngày một quyết liệt

Năm 2016 cũng chứng kiến những diễn biến mới đầy lạc quan trong cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt là trên mặt trận chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria. Quân đội Iraq đẩy mạnh chiến dịch tái chiếm Mosul, đến ngày 10/12, 93% lãnh thổ Aleppo cũng đã do quân chính phủ Syria kiểm soát, cục diện cuộc chiến dần ngã ngũ.

Mới nhất, Mỹ cũng tuyên bố điều thêm 200 chuyên gia, chuyên viên tháo gỡ bom mìn tới trợ giúp Syria giành lại Raqqa - thành phố được xem là thành trì chủ chốt của IS. Dưới thời Tổng thống mới của nước Mỹ, người ta kỳ vọng chống khủng bố vẫn tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của cường quốc số 1 thế giới.

Cuộc chiến chống IS đã và đang được đẩy nhanh với nhiều tín hiệu lạc quan. Ảnh: Foxnews.
Cuộc chiến chống IS đã và đang được đẩy nhanh với nhiều tín hiệu lạc quan. Ảnh: Foxnews.


Thu Giang

TIN LIÊN QUAN