Xây dựng giải pháp có tầm nhìn, đưa Nam Đàn phát triển đúng tầm và bền vững
(Baonghean) - Ưu tiên phát triển công nghiệp hay chọn phát triển nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao gắn xây dựng nông thôn mới, phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ?
Đó là câu hỏi được đem ra phân tích, làm rõ trong cuộc làm việc của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh với Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Đàn trong sáng 11/1.
Nhận rõ tồn tại, hạn chế
Chủ trì cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh đặt câu hỏi, trong 10 năm thực hiện Kết luận số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện Nam Đàn đã phát triển đúng hướng, đúng tiềm năng chưa? Và đặt trong so sánh với các địa phương xung quanh như thế nào? Từ đó để huyện làm rõ các vấn đề trên để có đánh giá đầy đủ, sâu sắc nhất.
Cùng với đó cần làm rõ nguyên nhân tốc độ phát triển của huyện chưa đạt được như kỳ vọng? Cụ thể còn vướng mắc ở đâu, khâu nào còn yếu? Trả lời những câu hỏi trên, sẽ xây dựng được phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển huyện phù hợp hơn trong thời gian tới.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Haivina Kim Liên (Nam Giang, Nam Đàn). Ảnh: P.V |
Thực tế nhìn lại kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy của Nam Đàn, mặc dù tổng giá trị sản xuất tăng gấp 2,3 lần, thu ngân sách tăng gấp 3,5 lần so với năm 2007; tuy nhiên nếu thẳng thắn đánh giá, so với yêu cầu của Kết luận số 11, kết quả đạt được trên một số lĩnh vực của huyện còn ở mức thấp, chưa tương xứng với yêu cầu và sự quan tâm của tỉnh.
Như Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Đàn cũng đã chỉ ra, địa phương chưa thành huyện khá của cả nước và chưa là huyện tiêu biểu của tỉnh, nhất là về giáo dục, văn hóa; kinh tế phát triển chậm, chưa bền vững, thiếu các cơ sở kinh tế lớn để tạo đột phá cho sự phát triển.
Cùng đó, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, nhất là Khu Di tích Kim Liên gắn với phát triển dịch vụ du lịch còn kém hiệu quả; kết quả xây dựng nông thôn mới chưa tương xứng với vị trí là huyện điểm xây dựng nông thôn mới của toàn quốc...
Du khách về thăm Khu Di tích Kim Liên, Nam Đàn. Ảnh tư liệu. |
Đặc biệt, đối với lĩnh vực du lịch, được xem là thế mạnh của Nam Đàn, mặc dù mỗi năm địa phương đón từ 1,5 -1,8 triệu lượt khách đến tham quan, nhưng hiệu quả mang lại còn hạn chế. Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Hữu Mão cho rằng, mặc dù Nam Đàn có điều kiện để phát triển du lịch, song chưa đúng tầm vóc khi địa phương này còn thiếu những sản phẩm du lịch đặc trưng, có chỉ dẫn địa lý.
“Quảng Ninh làm rất tốt vấn đề này. Họ có các sản phẩm chả mực, tôm, ghẹ… đều có chỉ dẫn địa lý”, đại diện Sở KH&ĐT dẫn chứng, đồng thời đánh giá: “Chuyển dịch cơ cấu Nam Đàn đang chậm, chưa có mô hình kinh tế nổi trội”.
Đề cập về phát triển nông nghiệp, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Thái Thanh Quý, nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Đàn nhấn mạnh, “điểm nghẽn” của nông nghiệp Nam Đàn là chưa thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển theo hướng công nghệ cao cũng như hình thành các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. “Cái khó là tích tụ ruộng đất, phải tính toán để có đất thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp” - đồng chí Thái Thanh Quý góp ý.
Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, mặc dù đã thu hút được một số dự án, song đánh giá chung của Ban Thường vụ Huyện ủy do Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Lâm Sơn trình bày đã cho thấy, công tác thu hút đầu tư còn hạn chế, xây dựng thương hiệu sản phẩm chưa được quan tâm triển khai. Tiểu thủ công nghiệp phát triển chưa mạnh, chưa có sản phẩm chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phục vụ du lịch. Công tác phát triển làng nghề, du nhập nghề mới vào địa bàn chưa đạt chỉ tiêu đề ra.
Chọn hướng đi
Được sự đồng ý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện Nam Đàn đã xây dựng dự thảo Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển của huyện giai đoạn 2017 - 2020, có tính đến năm 2025, để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, thông qua.
Đáng chú ý trong dự thảo nghị quyết, địa phương này đặt mục tiêu: “Kinh tế phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại”. Từ thực tế phân tích trên, căn cứ vào tiềm năng, thế mạnh của Nam Đàn, cũng như trong bối cảnh đặt phát triển kinh tế của tỉnh hiện nay, định hướng này đặt ra không ít băn khoăn cho các đại biểu dự cuộc làm việc.
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ở Nam Đàn. Ảnh tư liệu. |
Câu hỏi lớn đặt ra là Nam Đàn cần định hình hướng phát triển nào cho phù hợp? Nhận định với số lượng khách du lịch về Nam Đàn hàng năm cũng như vị trí gần với các cực tăng trưởng dịch vụ, công nghiệp của tỉnh là TP. Vinh và Hưng Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tiến Lâm cho rằng, Nam Đàn nên đi theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với thương mại, du lịch, dịch vụ để cung cấp cho du khách cũng như các địa phương trên.
Muốn vậy, Nam Đàn phải quyết tâm “cởi bỏ” nền sản xuất nông nghiệp truyền thống tự cung, tự cấp, thay vào đó phải xây dựng nền nông nghiệp theo hướng có các sản phẩm truyền thống và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao.
“Muốn vậy phải rà soát lại quy hoạch nông - lâm nghiệp Nam Đàn để định hướng sản xuất. Nên đầu tư cho những nông dân có ý chí làm giàu với trên cơ sở có hơn 800 trang trại, gia trại để xây dựng thành những trang trại kiểu mẫu; đồng thời phải có nguồn lực đầu tư nghiên cứu, bố trí chuyên gia để áp dụng nông nghiệp công nghệ cao”, ông Nguyễn Tiến Lâm đề xuất.
Chia sẻ với quan điểm trên, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Mạnh Cường đề xuất, Nam Đàn phải quy hoạch lại dịch vụ gắn với quy hoạch du lịch; cũng như đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. “Không thể cho ra kết quả ngay như làm toán, mà phải xúc tiến, quảng bá bằng nhiều hình thức. Chúng ta phải làm dần, ngoài phần quảng bá của tỉnh thì Nam Đàn cũng phải tham gia quảng bá” - người đứng đầu ngành Du lịch tỉnh đặt vấn đề…
Các quan điểm trên nhận được ý kiến đồng tình của nhiều đại biểu tham dự cuộc họp.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc với huyện Nam Đàn. Ảnh Thành Duy. |
Ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, đặt trong tầm nhìn liên kết vùng với TP. Vinh và Hưng Nguyên, trong đó một trong các trục phát triển của TP. Vinh là về hướng Tây, cũng như việc thu hút các doanh nghiệp cơ bản sẽ tập trung vào Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An ở Hưng Nguyên; mặt khác, khi cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn (Lào) hoàn thành cũng mở ra cơ hội cho Nam Đàn phát triển dịch vụ, du lịch.
Do đó, nếu so sánh từ thực tế và tầm nhìn phát triển giữa Nam Đàn và TP.Vinh, huyện Hưng Nguyên, thì địa phương này không nên đặt vấn đề phát triển công nghiệp lên hàng đầu. Từ đó, Bí thư Tỉnh ủy gợi mở, Nam Đàn nên định hình hướng phát triển theo thứ tự ưu tiên là cơ cấu lại nên kinh tế mà trọng tâm là ngành Nông nghiệp theo hướng hàng hóa, phục vụ thị trường, gắn với xây dựng nông thôn mới, đẩy nhanh phát triển du lịch, dịch vụ; thu hút đầu tư về công nghiệp nhẹ sử dụng nhiều lao động, công nghiệp công nghệ cao, điện tử.
Tuy nhiên, để thực hiện được những vấn đề trên, Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý, trước tiên phải làm tốt công tác xây dựng quy hoạch không gian phát triển của huyện: “Bản chất quy hoạch là tầm nhìn. Do đó, huyện cần nhanh chóng triển khai quy hoạch cụ thể để có tầm nhìn và tư duy phát triển”.
Mặt khác, muốn “Nghị quyết đi vào cuộc sống thì phải có người thực hiện”, do đó Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, trong dự thảo nghị quyết phải đánh giá lại được công tác cán bộ của huyện để có giải pháp sắp xếp, bố trí, bồi dưỡng, thu hút cán bộ hợp lý nhằm nâng chất lượng cán bộ đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Xây dựng Nam Đàn phát triển xứng đáng với tầm vóc là mong muốn, trách nhiệm không chỉ của Đảng bộ, nhân dân huyện nhà mà còn của tỉnh và cả nước. Cuộc làm việc mang tính chất chuyên đề của Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh với Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Đàn đã phân tích, làm rõ những vấn đề đặt ra trên cơ sở biện chứng, từ đó gợi mở tầm nhìn phát triển phù hợp nhất cho địa phương này.
Đây là bước chuẩn bị quan trọng để ban hành nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Nam Đàn thực sự chất lượng, bởi mục đích cuối là khi đã có nghị quyết phải thực hiện được các mục tiêu đặt ra để xây dựng được Nam Đàn phát triển bền vững.
Nhật Lệ
TIN LIÊN QUAN |
---|