Đưa nông nghiệp phát triển, hội nhập vững chắc

02/01/2017 10:47

(Baonghean) - Năm 2016, lĩnh vực nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó khó khăn nhất là thời tiết diễn biến bất thường, đầu năm rét đậm, rét hại có nơi -20C, làm chết 22 ngàn ha lúa, hàng ngàn ha rừng và suy giảm đàn gia súc, gia cầm. Giữa năm hạn hán kéo dài, đúng vào dịp thu hoạch lúa mùa và làm vụ đông mưa lớn xảy ra trên diện rộng. Đó là chưa kể, lượng mưa trong năm 2016 chỉ bằng 60% trung bình nhiều năm dẫn tới các hồ chứa chỉ đạt 55-60% dung tích nước. Rồi sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra làm cho việc tiêu thụ thủy sản hết sức khó khăn.

Nhưng với quyết tâm của ngành, sự chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh và các cấp ngành đã đưa ngành Nông nghiệp hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 4,5%/KH 4,5%; Độ che phủ rừng đạt 57,2%/KH 56%; Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn 77%/KH 77%; Số xã đạt chuẩn nông thôn mới 38/KH 34 xã; Sản lượng lương thực đạt 1,257 triệu tấn, cao nhất từ trước tới nay. Trong trồng trọt, xây dựng nhiều cánh đồng lớn với nhiều loại cây như lúa, lạc, ngô, rau màu; đưa cơ giới hóa vào sản xuất và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao để tạo sản phẩm chất lượng cao, từng bước đáp ứng thị trường trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu.

Làng rau.Ảnh: Quang Dũng
Làng rau. Ảnh: Quang Dũng

Trong chăn nuôi đã tổ chức thực hiện theo quy mô tập trung trang trại, gia trại, tăng cường quản lý dịch bệnh, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển, đưa đàn trâu lên 305 nghìn con, tăng 2,8%, đàn bò 432 nghìn con, tăng 0,75%, 1 triệu con lợn, 19,2 triệu con gia cầm và sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 221 nghìn tấn.

Về thủy sản đã đóng mới 59 tàu có công suất lớn đánh bắt xa bờ, xây dựng đội tàu đánh bắt thủy sản 4.200 chiếc, trong đó đánh bắt xa bờ 1.300 chiếc, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, đưa sản lượng đánh bắt đạt 117.000 tấn và nuôi trồng 49.000 tấn.

Công tác lâm nghiệp đã tăng cường hoạt động quản lý và bảo vệ rừng, thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và xã hội hóa nghề rừng giúp người dân thay đổi nhận thức để làm giàu từ rừng, tổ chức trồng mới 19.530/KH16.030 ha, cao nhất từ trước đến nay, đạt 121,83% kế hoạch, khai thác chế biến 500 nghìn m3 gỗ rừng trồng…

Các công trình thủy lợi, PCBL được duy tu bảo dưỡng phát huy hiệu quả tưới ổn định cho 95% diện tích cây trồng và đảm bảo nguồn nước đời sống dân sinh. Nhiều dự án đầu tư vào thủy lợi với suất đầu tư lớn đang triển khai đúng tiến độ như: Dự án Jica 2 cải tạo hệ thống thủy lợi Bắc 5.700 tỷ đồng, 2 dự án WB5 và WB8 hơn 1.000 tỷ đồng. Một số dự án như cống ngăn mặn giữ ngọt sông Lam, sông Mơ đang chuẩn bị các bước đầu tư.

Ngành đã nghiêm túc thực hiện Thông tư liên tịch 14/2014/TTLT-BNN-BNV, sắp xếp 10 chi cục xuống còn 7 chi cục; tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39-BCT và Nghị định 108 CP về giảm biên chế, xây dựng đề án vị trí việc làm.

Đặc biệt, đã đưa công nghiệp chế biến vào phát triển ngành tạo thành chuỗi liên kết sản xuất như 3 nhà máy đường (NaSu, Sông Con, Sông Lam) góp phần tiêu thụ cho 28.000 ha nguyên liệu (trên 1,6 triệu tấn mía); 3 nhà máy sắn tiêu thụ 7.300 ha nguyên liệu. Ngoài ra, Nhà máy MDF khánh thành đi vào hoạt động tiêu thụ nguyên liệu cho 65.000 ha rừng trồng, Nhà máy Massan, Nhà máy chế biến thủy sản Royal Foods, Nhà máy dứa cô đặc sản xuất các sản phẩm chanh leo và dứa cô đặc,… không chỉ góp phần giải quyết đầu ra cho nông dân, mà còn hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Mô hình trồng rau sạch nhà lưới của ông Trương Văn Hòa ở xóm 2, xã Hội Sơn được triển khai theo quy trình chuỗi an toàn thực phẩm. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An.
Mô hình trồng rau sạch nhà lưới của ông Trương Văn Hòa ở xóm 2, xã Hội Sơn được triển khai theo quy trình chuỗi an toàn thực phẩm. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An.

Những thành tựu của nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An năm 2016 đã góp phần tạo nền tảng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt đã đưa bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, giải quyết việc làm, thu nhập cho trên 45 vạn hộ nông dân, bảo đảm chiến lược an ninh lương thực, tạo nhiều nông sản có chất lượng, an toàn, giá trị cao phục vụ nội tiêu và xuất khẩu như: 221 nghìn tấn thịt hơi xuất chuồng, 240 nghìn tấn sữa tươi; trên 112 nghìn tấn đường kính trắng; 28 nghìn tấn sản phẩm được chế biến từ hải sản; hơn 12,5 nghìn tấn chè khô các loại; 32,1 nghìn tấn cam, quýt; 6.500 tấn mủ cao su; 500 tấn cà phê nhân; sản xuất và tiêu thụ gần 40 nghìn m3 gỗ MDF, trên 6 nghìn m3 gỗ chế biến đồ mộc... đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 210 triệu USD, vượt 30 triệu so với kế hoạch; được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xếp đơn vị dẫn đầu thi đua của vùng Bắc Trung bộ, UBND tỉnh xếp đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở thành trung tâm lớn về chăn nuôi và chế biến sữa bò; sản xuất mía đường; rừng trồng và chế biến gỗ MDF...

Tuy vậy, so với yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An phải phấn đấu cao hơn và phải kịp thời khắc phục những hạn chế, non kém, nhất là yếu kém hạn chế trong tổ chức, chỉ đạo và quản lý , đầu tư phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản phẩm hàng hóa theo chuỗi sản phẩm và nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Năm 2017, ngành tập trung vào một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm: Tiếp tục thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững cả về kinh tế - xã hội và môi trường theo Quyết định số 6593/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Tăng cường công tác thủy lợi, nâng cao năng lực phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai. Quan tâm giải quyết nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, quản lý xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm.

Đại diện các Trạm khuyến nông các huyện, thành phố, thị xã dự hội nghị.
Nhiều mô hình chăn nuôi, sản xuất được áp dụng kỹ thuật, nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế.

Tiếp tục ưu tiên chỉ đạo và huy động nguồn lực cho phát triển nông thôn, trọng tâm là thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, khuyến nông, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, giá trị nông sản. Siết chặt công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế nhằm thu hút nguồn đầu tư nước ngoài; phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Quản lý, bảo vệ và sử dụng các nguồn tài nguyên, môi trường bền vững, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chuyên ngành, thực hiện nghiêm Luật Phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và làm tốt thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao... Từ đó, tạo động lực xây dựng nền nông nghiệp Nghệ An phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn với nhiều sản phẩm mang tính lợi thế, cạnh tranh, hiệu quả cao, gắn với xây dựng nông thôn mới, đảm bảo phát triển bền vững.

Hoàng Nghĩa Hiếu

(Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở NN&PTNT)

TIN LIÊN QUAN