'Xuân và tuổi trẻ' ngập tràn Giai điệu tự hào tháng 12

30/12/2016 20:07

Giai điệu tự hào tháng 12 sẽ mang đến những bài ca hy vọng, bữa tiệc âm nhạc mừng xuân mới và cả những ký ức đẹp về xuân cũ.

Giai điệu tự hào tháng 12 với chủ đề “Xuân và tuổi trẻ” sẽ tái hiện lại những ca khúc thuộc dòng Tân nhạc thập niên 40-50, mang màu sắc, âm hưởng của nhạc trữ tình và nhạc xanh. Những bản tình ca được pha trộn giữa cách phối cũ với tiết điệu chậm, điểm xuyết những nốt dân ca xen lẫn một chút âm hưởng nhạc Jazz, thính phòng làm toát lên vẻ nhẹ nhàng, lãng mạn.

Sân khấu
Sân khấu "Giai điệu tự hào" tháng 12.

Ca khúc “Xuân và tuổi trẻ” rộn ràng với điệu Rumba qua giọng hát nhẹ nhàng, kỹ thuật của nhóm 5 Dòng Kẻ. Ca khúc này được nhạc sĩ La Hối sáng tác khi ông 20 tuổi, đây cũng là bài hát nổi tiếng nhất của nhạc sĩ. Lời ca trẻ trung và sâu sắc kết hợp với giai điệu đầy sức sống tạo nên một âm hưởng rộn ràng đầy chất xuân. Từ đó đến nay, ca khúc “Xuân và tuổi trẻ” vẫn luôn là một trong những ca khúc xuân hay nhất, được trình diễn nhiều nhất trên khắp cả nước và trong cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Một năm sau khi La Hối viết ca khúc “Xuân và tuổi trẻ”, chàng nhạc sĩ Hoàng Giác cũng nhờ mối tình trong mơ mà có cho mình một tác phẩm “Mơ hoa” để đời ở tuổi 21. Ca khúc được sáng tác vào năm 1945, có giai điệu và ca từ như lời tán tỉnh của chàng trai với cô gái trong mộng. Trên sân khấu của Giai điệu tự hào tháng 12, sự kết hợp của ca sĩ Erik và nhạc sĩ phối khí Khắc Hưng khiến bài hát như trở nên trẻ trung hơn.

Erik.
Erik

2 năm sau, năm 1947, ca khúc “Em đến thăm anh một chiều mưa” của nhạc sĩ Tô Vũ ra đời. Lời ca vừa thể hiện sự kín đáo dè dặt, lại vừa có chút táo bạo của những người “có tình”. MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng trong Hội đồng bình luận của Giai điệu tự hào tháng 12 phải thốt lên: “Hoàng Hải hát ở tông Fa trưởng khiến buổi chiều chấp cánh và bay cao lên”.

Những ca từ vui tươi của nhạc sĩ Trần Hoàn trong tác phẩm đầu tay “Sơn nữ ca” – sáng tác năm 1948 - sẽ mang màu sắc âm nhạc khá hiện đại với âm hưởng tango của giai cấp tiểu tư sản. Bài hát được sáng tác tại chiến khu Quảng Bình khi người nhạc sĩ gặp gỡ những cô dân quân là học sinh trường Phan Bội Châu. Trước tình ý của những cô gái này, chàng trai nhớ lại tình yêu của mình nơi quê nhà. Cuối cùng, anh viết bài hát “Sơn nữ ca” như một lời khước từ tình yêu và lựa chọn Cách mạng.

Năm 1949, tác phẩm “Dư âm” ra đời sau một mối tình dang dở của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Với phần thể hiện của “Dư âm”, ca sĩ Hà Anh Tuấn đã thể hiện chất “tình buồn” trong giọng hát.

Hà Anh Tuấn
Hà Anh Tuấn

Trên sân khấu của Giai điệu tự hào tháng 12, ekip thực hiện chương trình đặt hai bản phối “Bóng chiều xưa” và “Chiều” cạnh nhau để tạo nên một bản liên khúc qua sự thể hiện đầy duyên dáng của 2 giọng ca Lê Anh Dũng - Nhật Thuỷ.

Khép lại Giai điệu tự hào tháng 12 là ca khúc “Ly rượu mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương qua phần thể hiện của hai nữ ca sĩ Bảo Trâm và Ngọc Khuê và nhóm Dòng thời gian. Ca khúc như một lời chúc tới khán giả xuân mới thật ấm áp, an vui.

Chương trình "Giai điệu tự hào tháng 12 – Xuân và tuổi trẻ" sẽ phát sóng lúc 20h10, Thứ 7 ngày 31/12 trên kênh VTV1 (Đài THVN).

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN