Đón Tết cổ truyền là một điều kiện bảo tồn tinh hoa văn hóa dân tộc

13/01/2017 16:11

(Baonghean) - Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với ông Hồ Mạnh Hà - Phó phòng Quản lý Di sản Văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao) về phong tục đón Tết cổ truyền của dân tộc.

- Thưa ông, Tết Nguyên đán đối với người Á Đông rất thiêng liêng với nhiều phong tục truyền thống tốt đẹp. Ông nghĩ gì về Tết Việt và đâu là điểm tạo nên nét khác biệt giữa Tết của người Việt và của những dân tộc khác trên thế giới?

- Lễ Tết là một nghi lễ có từ lâu đời của người Á Đông và nó gắn với đời sống kinh tế nông nghiệp lúa nước. Ở một số quốc gia châu Á, ngoài những nước ăn Tết vào ngày âm lịch giống Việt Nam như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, thì một số quốc gia khác cũng có ngày Tết cổ truyền riêng. Mặc dù khác nhau về thời gian, cách thức đón năm mới, song các nghi lễ, phong tục đón năm mới đều có điểm chung là cầu mong một năm mới may mắn, hạnh phúc, phát triển.

Ngày tết cổ truyền dân tộc. Ảnh minh họa: Internet
Ngày tết cổ truyền dân tộc. Ảnh minh họa: Internet

Đối với người Việt Nam, dịp Tết Nguyên đán (Tết Cả hoặc Tết ta, Tết cổ truyền, Tết Âm lịch) không đơn thuần là quan niệm về thời khắc giao thoa giữa trời và đất, vạn vật, mà còn là sự giao cảm giữa con người với thần linh. Ngày Tết cũng là dịp duy nhất trong một năm có sự sum họp đầy đủ của tập thể gia đình, gia tiên và gia thần. Mỗi khi Tết đến, con cháu, anh em, họ hàng dù đi làm ăn bất cứ nơi đâu cũng đều mong được trở về ăn tết với gia đình. Đặc trưng của tết với người Việt là một cuộc đại đoàn viên mang tính cộng đồng rất cao. Tính cộng đồng còn được thể hiện đặc biệt qua những phong tục đẹp đẽ như: mừng tuổi cho trẻ em, người già, thăm bà con, lối xóm, họ hàng, đi chùa lễ Phật…

Với tôi, khi còn nhỏ tôi hiểu về cái Tết là một cái gì đó rất thiêng liêng. Không những tôi mà mọi đứa trẻ đều háo hức, mong chờ đến ngày tết để được bố mẹ mua cho tấm áo, cái quần hay đôi dép; được về quê để ăn tết, thăm ông bà, nhận quà mừng tuổi của người lớn. Nay, đời sống vật chất phát triển, nhưng với cá nhân tôi có thể ngày Tết có thay đổi đôi chút cho phù hợp với đời sống đương đại, nhưng tính chất, giá trị văn hóa, quan niệm, phong tục về ngày Tết cổ truyền của người Việt thì không thay đổi nhiều.

- Người Việt Nam xưa ăn Tết, vui Xuân thường gắn với các hoạt động như tham gia các trò chơi dân gian: Đánh vật, ném còn, chơi đu, bơi thuyền… Ngày nay, những hoạt động đó đang nguy cơ mai một dần. Theo ông, nguyên nhân do đâu? Làm sao để chúng ta có thể khôi phục lại những không gian văn hóa xưa để kết nối thêm tình làng nghĩa xóm, giao lưu văn hóa cộng đồng?

- Ngày Tết xưa thường gắn với các hoạt động hội hè, vui chơi đình đám. Để chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền, bên cạnh việc trang hoàng nhà cửa, bàn thờ gia tiên, tại các địa điểm cộng đồng như chùa, đền, đình, miếu mạo, các khoảng đất trống trong làng đều được người dân dọn dẹp sạch sẽ và tổ chức các hoạt động vui chơi cho nhân dân trong những ngày Tết.

Hiện tại, những hoạt động đó đang đứng trước nguy cơ mai một và mất đi. Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như: Đời sống kinh tế phát triển, phương tiện vui chơi, giải trí hiện đại du nhập nhiều, nên người dân đặc biệt là thế hệ trẻ đang dần xem nhẹ ngày Tết cổ truyền, xa rời các trò chơi dân gian để đến với những thú vui công nghệ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế đó là công tác tuyên truyền, phát huy giá trị văn hóa dân tộc đối với người dân nhằm nâng cao ý thức, hướng về cội nguồn dân tộc của chúng ta đang hạn chế.

Tổ chức gói bánh chưng tặng hộ nghèo trong dịp tết -ảnh minh họa
Tổ chức gói bánh chưng tặng hộ nghèo trong dịp tết -ảnh minh họa

Theo tôi, để người dân không quay lưng, thờ ơ với ngày tết cổ truyền, các hoạt động vui chơi mang tính dân tộc, tính cộng đồng trong ngày tết, thì cần phải tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cộng đồng dân cư để người dân ý thức được việc bảo tồn phát huy giá trị ngày tết cổ truyền cũng chính là bảo tồn những tinh hoa văn hóa của dân tộc.

Ngoài ra các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc tạo ra các sân chơi, ưu tiên khôi phục các trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc thông qua một số hoạt động thi, thố tài năng kèm theo giới thiệu để người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ có thể hiểu và tiếp cận một cách tự nhiên và dễ dàng hơn các trò chơi dân gian. Và một điều không kém phần quan trọng đó là sự tham gia vào cuộc của cả cộng đồng trong bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc.

- Đã có một cuộc khảo sát về Tết trong giới trẻ ngày nay. Trong đó, còn rất nhiều điều được các bạn trẻ quan tâm trong dịp Tết Nguyên đán như ngày Tết tổ chức vui chơi đêm giao thừa, đi du lịch... Chúng ta có nên ủng hộ điều đó?.

- Tôi thấy các bạn trẻ hiện nay cũng quan tâm đến Tết cổ truyền, tuy nhiên xu hướng của thế hệ trẻ thiên về tính chất hưởng thụ cá nhân nhiều hơn. Tết đến, thay vì về quê ăn tết sum họp gia đình, thăm hỏi họ hàng, họ thường tận dụng thời gian nghỉ đó cho những hoạt động khác như đi du lịch, dã ngoại mà ít chú trọng đến các nghi lễ truyền thống của dân tộc trong ngày Tết.

Theo tôi, chúng ta cần cảm thông và chia sẻ với giới trẻ trong quan niệm ứng xử về ngày Tết cổ truyền hiện nay, trong bối cảnh xã hội ngày càng nhiều áp lực về công việc, nhu cầu cuộc sống,… Bên cạnh đó, chúng ta cần có chính sách, tuyên truyền, định hướng giúp giới trẻ có thể vừa hòa chung với cuộc sống hiện đại nhưng không đánh mất giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được lưu giữ hàng ngàn năm về Tết cổ truyền. Đó cũng là một cách bảo tồn bền vững các giá trị truyền thống của dân tộc trong bối cảnh hiện nay.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Song Hoàng

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN