Bình mới rượu cũ

04/02/2017 15:06

(Baonghean) - Mới đây, một cố vấn cấp cao của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố đồng tiền chung của châu Âu - euro chỉ giữ vai trò là đồng tiền của riêng nước Đức, cho phép đầu tàu kinh tế này “khai thác triệt để” các đối tác trong Liên minh châu Âu và cả nước Mỹ. Thế nhưng, xét cho cùng, với Berlin thì đây chỉ là câu chuyện “bình mới rượu cũ”…

Bà Merkel đã lên tiếng phản pháo những cáo buộc từ phía Mỹ. Ảnh: Internet.
Bà Merkel đã lên tiếng phản pháo những cáo buộc từ phía Mỹ. Ảnh: Internet.

Cáo buộc và phản pháo

Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo kinh doanh của Anh Financial Times, Peter Navarro - một nhân vật giữ cương vị cố vấn cấp cao cho vị chủ nhân mới của Nhà Trắng Donald Trump, đã “kết tội” Đức làm lợi bất chính từ đồng euro “bị định giá vô cùng thấp”, gây tổn hại cho các đối tác châu Âu của nước này và cả Mỹ. Theo Navarro, Đức đang lợi dụng, bóc lột các quốc gia này thông qua một “đồng Mark Đức trá hình”.

Những cáo buộc này không phải mới lần một lần hai, mà đơn giản là chúng được nhắc lại với một tông giọng khác biệt. Sở dĩ nói rằng chúng không mới là bởi trước đây đã nhiều lần các nhà kinh tế của Mỹ, các quan chức chẳng hạn như người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde, và thậm chí cả người tiền nhiệm của Trump là cựu Tổng thống Barack Obama đều từng nêu lên cáo buộc này.

Giới truyền thông và chính khách Đức dĩ nhiên đâu chịu ngồi yên “giơ đầu chịu báng”. Một số kênh truyền hình, cơ quan báo chí uy tín của Đức nhấn mạnh rằng dù các cáo buộc đó được lặp đi lặp lại bao nhiêu lần đi chăng nữa thì cũng không thể “cả vú lấp miệng em” hay “đổi trắng thay đen” được.

Hồi đầu tuần, “bà đầm thép” của nước Đức Angela Merkel đã kiên quyết phản pháo những tuyên bố của Navarro, chỉ rõ rằng nước Đức không gây ra sự mất giá của đồng euro so với đồng USD. Bà nói: “Về vấn đề liên quan đến đồng euro và đánh giá về đồng tiền này, Đức là nước luôn thúc giục Ngân hàng Trung ương châu Âu đưa ra một chính sách độc lập, giống như điều mà Ngân hàng Trung ương Đức từng làm khi euro chưa ra đời”.

Có thể thấy, bằng tuyên bố này, bà Merkel kiên quyết một cách khôn ngoan, “phản đòn” mạnh mẽ những kẻ cáo buộc chính quyền của bà cũng như đầu tàu kinh tế châu Âu, gián tiếp vạch rõ ranh giới và khẳng định Đức không mảy may gây tác động đến lựa chọn hay quyết định của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Nữ tướng của nước Đức không thể và cũng không hề mong muốn thay đổi bất cứ điều gì theo hướng bất lợi cho EU.

“Tác dụng phụ”

Theo một bài bình luận trên tờ Deutsche Welle, không thể phủ nhận rằng, các động thái của Ngân hàng Trung ương châu Âu đã góp phần đáng kể làm giảm tỷ giá hối đoái của đồng euro. Định chế tài chính này đang áp dụng chính sách lãi suất 0% và vấp phải làn sóng chỉ trích gay gắt từ những người gửi tiết kiệm ở nước Đức.

Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng đang bơm những khoản tiền khổng lồ vào hệ thống kinh tế, hòng nỗ lực “câu giờ” cho những nước như Pháp và Italy đang “quay cuồng” trong cơn sóng cải cách nền kinh tế gặp nhiều bất trắc của họ. Và việc in tiền ồ ạt chẳng nghi ngờ gì là động thái gây sức ép nặng nề lên trị giá của đồng tiền chung.

Trên thực tế, sự việc này có “tác dụng phụ” là giúp hàng hóa của Đức rẻ hơn tương đối và giành lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, đây chưa bao giờ là ý đồ của Ngân hàng Trung ương châu Âu, mà chỉ đơn thuần là hệ quả ngoài mong đợi từ chính sách lãi suất “siêu thấp” của cơ quan này.

Chưa hết, các nhà xuất khẩu của Đức cũng chưa bao giờ lệ thuộc và các yếu tố tỷ giá hối đoái để bán sản phẩm của mình ra thị trường thế giới. Có thể thấy rõ thực tế khách quan là họ vẫn bán hàng rất chạy ngay cả trong những giai đoạn mà đồng euro mạnh lên rất nhiều so với đồng USD.

Bí mật đằng sau thành công của các ông chủ xuất khẩu Đức không chỉ nằm ở giá sản phẩm, mà hơn hết là ở chất lượng hàng hóa. Rõ ràng việc yêu cầu các nhà sản xuất xe hơn và máy móc của Đức chế tạo ra những sản phẩm chất lượng kém hơn chỉ để “nắn” lại cán cân thương mại thế giới và “dỗ dành” những cái đầu vị kỷ với lối hiểu khác về kinh tế học và quan hệ thương mại.

Cố vấn của Trump cho rằng Đức làm lợi từ việc định giá đồng euro quá thấp. Ảnh: dpa.
Cố vấn của Trump cho rằng Đức làm lợi từ việc định giá đồng euro quá thấp. Ảnh: dpa.

Sẻ chia trách nhiệm

Trong khi đó, Mỹ cũng góp phần khiến đồng USD mạnh lên và làm đồng euro yếu đi. Động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã đẩy giá đồng USD lên, và Ngân hàng Trung ương Mỹ dự kiến tiếp tục tăng lãi suất ít nhất 3 lần nữa trong năm nay. Chuyên gia phân tích Rolf Wenkel cho rằng, điều này sẽ nới rộng thêm khoảng cách tiền tệ giữa 2 đồng tiền mạnh và có thể đẩy đồng euro xuống thấp hơn đồng USD.

Nếu giả thiết trên xảy ra, đó cũng không phải lần đầu giá trị của đồng euro rớt xuống thấp hơn đồng USD. Từng có thời điểm 1 euro chỉ đổi được 95 cent, khi Hy Lạp tuyên bố đáp ứng bộ tiêu chí gia nhập khu vực đồng tiền chung euro và trở thành thành viên của Eurozone ngày 1/1/2001.

Nhìn lại, đó quả thực là quyết định chẳng đem lại chút lợi lộc gì cho quốc gia Nam Âu này. Hơn thế, thời điểm các quốc gia châu Âu, đặc biệt là Đức, giành được lợi thế cạnh tranh thiếu công bằng bằng việc sử dụng đồng euro cũng không hề vấp phải “lời ong tiếng ve” nào.

Vì thế, vấn đề cần đặt ra hiện nay là liệu động lực tỷ giá hối đoái này có tiếp diễn và nếu có, thì sẽ tiếp diễn trong bao lâu. Mặt khác, cần dồn trọng tâm vào yếu tố tác động trong trung và dài hạn từ các kịch bản khả dĩ.

Thật không may là triển vọng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng như dòng tiền của cơ quan này đổ vào các thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục theo chiều hướng hiện nay, ít nhất cho đến hết năm.

Và điều đó đồng nghĩa với sự gia tăng khác biệt trong chính sách tiền tệ giữa khu vực Eurozone với Mỹ. Dù thế, khách quan vẫn phải thừa nhận rằng chính phủ hay ngân hàng trung ương Đức không dính líu tới việc hoạch định chính sách nới lỏng tiền tệ của định chế tài chính hàng đầu châu Âu.

Về phần Mỹ, không nghi ngờ gì ông Trump không “thuận mắt” với sự thâm hụt thương mại lớn của nền kinh tế số 1. Tuy nhiên, thâm hụt đó không chỉ do tỷ giá hối đoái, mà còn có gốc rễ từ bản chất bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong xã hội Mỹ. Và thực tế, nợ công của Mỹ đã tăng khoảng 10 nghìn tỷ chỉ trong 8 năm qua.

Trump còn xem cạnh tranh trên thị trường toàn cầu không là gì khác ngoài cuộc đấu đá và trò chơi có tổng lợi nhuận bằng 0, người này thua thì kẻ kia thắng.

Và từ khía cạnh lạc quan, việc Đức trở thành mục tiêu nhắm đến của Tổng thống Mỹ và cộng sự có thể là lời khen dành cho quốc gia châu Âu này. Chính quyền liên bang tại Berlin đơn giản chỉ cần phớt lờ giọng điệu phát ra từ Washington, xem những cáo buộc từ bên kia Đại Tây Dương chỉ là chuyện thường tình!

Thu Giang

TIN LIÊN QUAN