Dùng điện thoại tìm được nguồn gốc 444 chuỗi thực phẩm an toàn

13/02/2017 06:24

Tính đến nay, đã có 50 tỉnh, thành xây dựng thành công 444 chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ. Nhiều doanh nghiệp lớn đã tham gia mô hình này.

Hiện tại, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tiên phong trong chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn. Cụ thể tại thành phố Hà Nội đã xây dựng và duy trì được 60 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm ( 27 chuỗi có nguồn gốc động vật, 33 chuỗi có nguồn gốc trồng trọt).

Tại thành phố Hồ Chí Minh đã hình thành, duy trì được 32 chuỗi liên kết cung ứng nông sản thực phẩm an toàn với 401 điểm kinh doanh đăng ký bán các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp lớn như: Vingroup, Dabaco, Ba Huân và Liên minh hợp tác xã Việt Nam... đã đầu tư, tham gia cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn.

Bộ NN&PTNT đang khuyến khích doanh nghiệp xây dựng các chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào hệ thống truy suất nguồn gốc sản phẩm sẽ được cấp một tài khoản để khai báo đầy đủ thông tin về đơn vị mình, các loại sản phẩm, giấy chứng nhận liên quan đến sản phẩm đang sản xuất, kinh doanh. Qua đó, người tiêu dùng có thể sử dụng các thiết bị như điện thoại đã cài đặt phần mềm đọc mã QR để tra cứu thông tin về sản phẩm: Ví dụ, sản phẩm của của cơ sở sản xuất nào, được phân phối bởi doanh nghiệp nào...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tiếp tục chọn năm 2017 là năm “Năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm ( ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp”.

Do đó, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương nhằm đẩy mạnh việc đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh ATTP, đồng thời tiếp tục triển khai xây dựng các chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm nông lâm, thủy sản sạch, an toàn, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong nước cũng như phục vụ xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng ( Bộ Công an, chính quyền các địa phương) đẩy mạnh việc “tuyên chiến” với việc sử dụng buôn bán chất cấm (chất tạo nạc Salbutamol; chất Vàng O; Cysteamine) trong chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật không nguồn gốc, xuất xứ; lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, bơm nước vào lợn, trâu, bò, kháng sinh trong thủy sản.

Năm 2016, theo kết quả giám sát trên diện rộng do các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT, tỉ lệ mẫu thịt vi phạm chất cấm Salbutamol là 6 trong tổng số 1.345 mẫu ( chiếm 0,44%, năm 2015 tỉ lệ là 1,07%), đặc biệt trong 6 tháng cuối năm 2016, không phát hiện Salbutamol trong các mẫu thịt kiểm nghiệm, tỉ lệ mẫu thịt tồn dư kháng sinh giảm so với 2015 (11/1.345 mẫu thịt); rau, củ, quả tồn dư thuốc bảo vệ thực vật chỉ còn 4,1% ( năm 2015 7,76%).

Cũng trong năm 2016, các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương đã tăng cường thanh kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất đối với 21.364 cở sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản. Kết quả đã phát hiện, xử lý 1.923 cơ sở vi phạm quy định về vệ sinh an ATTP.

H.V/baotintuc

TIN LIÊN QUAN