Tàu dưới 90CV chưa 'mặn mà' với bảo hiểm nghề cá

01/03/2017 20:43

(Baonghean) - Nghệ An có trên 4.000 tàu thuyền đánh bắt cá trên biển, với hàng chục nghìn lao động làm nghề khai thác hải sản. Là nghề cần có vốn đầu tư lớn, nhưng lại có tỷ lệ rủi ro cao, nên bảo hiểm thuyền viên và tàu cá được xem là “phao cứu sinh” giảm thiểu mất mát cho ngư dân khi tàu gặp nạn.

Tuy nhiên, bên cạnh việc có nhiều tàu thuyền, thuyền viên chưa mặn mà tham gia bảo hiểm, thì trong quá trình giải quyết bồi thường bảo hiểm cho tàu gặp nạn đã tham gia bảo hiểm, vẫn còn những trường hợp gặp khó khăn do chậm hoàn tất các giấy tờ liên quan hồ sơ theo quy định.

Thuyền cá tại cửa biển Lạch Vạn, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu).Ảnh: Sách Nguyễn
Thuyền cá tại cửa biển Lạch Vạn, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu). Ảnh: Sách Nguyễn

Trước hết, về tham gia bảo hiểm nghề cá, theo Nghị định 67/CP, chính sách hỗ trợ bảo hiểm cho thuyền viên và tàu thuyền chỉ áp dụng cho tàu công suất trên 90CV. Như vậy, thuyền viên và tàu thuyền dưới 90CV nếu tham gia bảo hiểm là phải bỏ 100% phí bảo hiểm theo quy định. Và khi chúng tôi tiếp xúc, thì hầu hết các thuyền viên của tàu thuyền dưới 90CV trên địa bàn Diễn Châu, Quỳnh Lưu... đều cho rằng, mình đánh bắt gần bờ, đi về trong ngày, nên không cần mua bảo hiểm. Do vậy, hiện nay số lượng thuyền viên, tàu thuyền dưới 90CV trên địa bàn tỉnh Nghệ An mua bảo hiểm tàu thuyền, thuyền viên là rất ít.

Được biết, hiện Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An là đơn vị bảo hiểm đang có sự phối kết hợp các ngành để triển khai thực hiện đưa chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo Nghị định 67/CP vào cuộc sống, nhằm phát triển kinh tế thủy sản, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống cho nhân dân vùng ven biển.

Trao đổi về việc thuyền viên, tàu thuyền dưới 90CV không mặn mà với việc tham gia bảo hiểm, theo các cấp chính quyền địa phương có nghề cá, là do đối với tàu thuyền dưới 90CV, đời sống của các chủ thuyền còn khó khăn, để đóng bảo hiểm với số tiền lên hàng chục triệu đồng là cả một vấn đề...

Ông Nguyễn Văn Lê - Giám đốc Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An cho rằng, nguyên nhân do bà con còn tâm lý chủ quan là tàu thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ, không mấy khi xảy ra tai nạn. Nhưng trên thực tế, tàu thuyền có thể ít bị tai nạn, hư hỏng, nhưng thuyền viên là rất khó đảm bảo tránh khỏi rủi ro.

Thời gian qua, một số chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh phản ánh tình trạng phía bảo hiểm chậm thanh toán bồi thường thiệt hại tàu thuyền sau khi bị tai nạn. Qua tìm hiểu, nguyên nhân chủ yếu do phía chủ tàu chậm hoàn tất các thủ tục giấy tờ liên quan theo quy định của bảo hiểm. Đơn cử trường hợp tàu cá NA - 90577 của ông Trần Xuân Dương ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu bị nạn gần 1 năm qua nhưng vẫn chưa được Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An bồi thường.

Qua tìm hiểu, phía công ty bảo hiểm cho hay, khi xảy ra tổn thất, đã giám định và hướng dẫn chủ tàu thu thập hồ sơ, nhưng phía chủ tàu cung cấp hồ sơ muộn và cung cấp báo giá sửa chữa nhiều lần không đúng với thực tế các hạng mục hư hỏng. Sau khi chủ tàu cung cấp hồ sơ tổn thất thì công ty bảo hiểm phát hiện các giấy tờ pháp lý liên quan đến hoạt động của tàu cá bị hết hạn trước khi tổn thất xảy ra: giấy phép khai thác thủy sản, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, sổ đăng kiểm tàu cá.

Tàu cá của ông Nguyễn Hữu Vượng, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu bị nạn ở Hải Phòng nên chủ tàu phải ra Hải Phòng làm thủ tục hồ sơ hưởng bảo hiểm. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Tàu cá của ông Nguyễn Hữu Vượng, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu bị nạn ở Hải Phòng nên chủ tàu phải ra Hải Phòng làm thủ tục hồ sơ hưởng bảo hiểm. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Do vậy, Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An chưa thể giải quyết bồi thường buộc phải chờ phía chủ tàu cung cấp lại các giấy tờ liên quan còn hiệu lực trong khoảng thời gian tàu bị nạn. Hiện công ty bảo hiểm đang chờ phía chủ tàu bổ sung các giấy tờ liên quan đúng với quy định mới có thể giải quyết. Có trường hợp thì như tàu cá của ông Nguyễn Hữu Vượng ở xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, bị tai nạn trên vùng biển ngoài Hải Phòng, thì chính ông Vượng nói rằng, do phải làm nhiều giấy tờ, lại phải ra Hải Phòng làm hồ sơ, không có thời gian, nên bỏ vậy hơn 3 tháng nay không hoàn tất thủ tục bảo hiểm để được thanh toán tiền thuê tàu lai dắt (gần chục triệu đồng)...

Lãnh đạo Chi cục Thủy sản khuyến cáo: Để thuận lợi cho việc làm hồ sơ hưởng bảo hiểm tàu thuyền, khi tàu bị nạn trên biển, ngư dân cần thông báo với đài duyên hải gần nhất và các cơ quan chức năng để kịp thời giám định mức độ thiệt hại. Nếu phải thuê tàu khác kéo về thì báo ngay với cơ quan mình tham gia bảo hiểm để xác minh. Sau khi tàu sửa chữa xong phải có hóa đơn tài chính. Trước khi mua bảo hiểm, ngư dân cần hỏi rõ thông tin khi tàu bị nạn cần làm những giấy tờ gì liên quan đến hồ sơ; phía bảo hiểm phải trực tiếp hướng dẫn làm hồ sơ, tránh tình trạng hồ sơ kéo dài, tâm lý ngư dân bị chán nản.

Như vậy, chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm thuyền viên và tàu cá của Nghị định 67/CP là phù hợp, sát với thực tế đối với ngư dân. Các cơ quan, cấp quản lý nhà nước cần hỗ trợ ngư dân thiết thực hơn bằng hướng dẫn, phối hợp doanh nghiệp bảo hiểm để tích cực bảo vệ quyền lợi cho ngư dân, chứ không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, khuyến cáo.

Trong năm 2016, số lượng tàu cá trên 90CV trên toàn tỉnh tham gia bảo hiểm theo Nghị định 67/CP đạt gần 100%, trong đó phía doanh nghiệp bảo hiểm đã tiếp nhận, xử lý 800 vụ tổn thất tàu thuyền và đã chi trả bồi thường cho ngư dân 737 vụ. Đối với bảo hiểm thuyền viên, năm 2016 số lượng thuyền viên tham gia bảo hiểm 10.863 thuyền viên, trong năm phía doanh nghiệp bảo hiểm đã giải quyết bồi thường tai nạn dứt điểm cho 85 thuyền viên.

X.Hoàng - Q.An


TIN LIÊN QUAN