Bức xúc ô nhiễm bụi trong chế biến, vận chuyển khoáng sản

17/03/2017 17:41

(Baonghean) - Ô nhiễm môi trường do bụi trong khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản tại một số huyện đang gây bức xúc trong dư luận. Bất cập đó đã được phản ánh nhưng chưa có dấu hiệu cải thiện bởi sự buông lỏng của các cấp quản lý.

Xe chở vật liệu đá gây bụi tại tuyến đường qua xã Nam Thành (Yên Thành). Ảnh Hải An
Xe chở vật liệu đá gây bụi tại tuyến đường qua xã Nam Thành (Yên Thành). Ảnh Hải An

Thực trạng ở Yên Thành...

Tại khu vực lèn Voi trên địa bàn các xã Trung Thành, Nam Thành (Yên Thành) hiện một số đơn vị khai thác đá chưa chấp hành việc xử lý ô nhiễm môi trường. Một cán bộ điều hành mỏ của Công ty TNHH Tường Nguyên (tại xóm 1, xã Trung Thành) thừa nhận, do khó khăn về kinh phí nên doanh nghiệp này chưa thể đầu tư hệ thống nước tại khu chế biến đá để xử lý bụi đá.

Nhiều hộ dân nằm dọc tuyến đường nối từ các mỏ đá đi qua các xã Trung Thành, Nam Thành dài hơn 3 km phải chịu cảnh bụi đường từ các xe chở đá xây dựng. Quan sát tại mỏ của Công ty TNHH Tường Nguyên, thấy xe ô tô chở đá chất cao ngang trần ca-bin chạy ra đường liên xã, đi tới đâu bụi khói cuộn đặc tới đó. Không chỉ gây bụi, xe tải trọng lớn khiến đường hư hỏng lồi lõm.

Chị Nguyễn Thị T - một người dân ở xã Nam Thành chia sẻ: Xe chở đá chạy rơi vãi đá xuống đường, suốt ngày nhà tôi phải chịu cảnh bụi mù; dù đã đóng kín cửa, dùng noilon bịt kín những khe hở nhưng bụi vẫn len vào trong nhà. Nắng thì bụi như thế, ngày mưa thì lầy lội...

Ông Nguyễn Đức Thiện - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Thành cho biết: Toàn huyện Yên Thành có 10 mỏ đá đang hoạt động, nhưng việc chấp hành về môi trường của các doanh nghiệp còn hạn chế. Một số chưa xử lý bụi đá ngay tại giàn xay. Đặc biệt tại khu vực lèn Voi có 4 mỏ đá, các doanh nghiệp chưa phối hợp với chính quyền địa phương trong đảm bảo môi trường cũng như trích kinh phí thuê xe tẹc để tưới đường vào mỏ đi qua khu dân cư nhằm giảm thiểu bụi đá, bụi đường khi xe ô tô vận chuyển đá lưu thông.

Tại khu vực mỏ đá xã Đồng Thành vẫn còn tình trạng doanh nghiệp có hệ thống xử lý môi trường bụi đá nhưng ít hoạt động gây bụi khi xay đá. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển đá, huyện đã chỉ đạo UBND xã Đồng Thành yêu cầu các doanh nghiệp trích kinh phí để hàng ngày tưới và xử lý bụi trên tuyến đường xe chở đá đi qua. Tới đây, UBND huyện Yên Thành sẽ tổ chức thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra xử lý an toàn lao động và môi trường trong khai thác đá...

Xe quá tải gây bụi ở đường đi Châu Hồng, thị trấn Quỳ Hợp. Ảnh: Hải An
Xe quá tải gây bụi ở đường đi Châu Hồng, thị trấn Quỳ Hợp. Ảnh: Hải An

Và những "nhức nhối" ở Quỳ Hợp

Địa bàn huyện Quỳ Hợp hiện nay tình trạng xe ô tô chở khoáng sản gây bụi ở khá nhiều tuyến đường; điển hình là con đường vào Khu công nghiệp Châu Quang, ngoài gây bụi xe chở khoáng sản còn cày nát đường.

Ông Vi Văn Sáo - Trưởng bản Bành, xã Châu Quang bức xúc nói: Tại Khu công nghiệp Châu Quang, một số doanh nghiệp cứ xả bột đá ra ven đường, gây ô nhiễm môi trường nước và không khí. Rồi xe trọng tải lớn chở đá trắng chạy rầm rập cả ngày lẫn đêm. Bản Bành đã kiến nghị lên xã phải có giải pháp để ngăn chặn xe chở quá tải, chạy nhanh làm hư đường, gây bụi, nhưng chưa được giải quyết.

Ông Trần Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Châu Quang cho biết thêm: Khu công nghiệp xã Châu Quang hiện có hơn 20 doanh nghiệp chế biến đá trắng, có 3 mỏ đá đang hoạt động. Tất cả xe vận tải khoáng sản đều đi trên con đường này, gây ô nhiễm môi trường. Một số doanh nghiệp trong quá trình xẻ đá xả thải ven đường cũng gây bụi. Xã đã đề nghị lên huyện để có biện pháp xử lý về môi trường cũng như ngăn chặn xe chở quá tải, nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Tuyến đường nối Quốc lộ 48C đi các xã Châu Lộc và Liên Hợp dài khoảng 14 km cũng ở trong tình trạng trên. Tuyến đường toàn xe “hổ vồ” lưu thông nên làm đường xuống cấp nghiêm trọng, vừa gây ồn và ô nhiễm bụi khói. Trên địa bàn 2 xã có trên 10 mỏ đá đang hoạt động. Hầu hết các xe chở đá từ mỏ về xưởng sản xuất đi qua tuyến đường này đều chưa “cắt thùng”. Loại xe “hổ vồ” chở quá tải làm hư hỏng đường, bà con rất bức xúc đã có kiến nghị lên UBND xã và huyện. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn không thuyên giảm.

Ông Vi Thanh Tường - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp trao đổi: Địa bàn huyện Quỳ Hợp hiện có trên 120 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, trong đó còn khoảng trên 70 mỏ khoáng sản đang được cấp phép. Huyện đang chỉ đạo Công an huyện tăng cường công tác kiểm tra, xử lý xe quá tải trọng. Yêu cầu các doanh nghiệp cam kết đầu tư hệ thống xử lý để giảm thiểu môi trường.

Đối với các hoạt động gây ô nhiễm trong khai thác chế biến, vận chuyển khoáng sản cần phải có chế tài mạnh, xử lý triệt để, không để dây dưa kéo dài. Cùng với đó tăng cường đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản cho UBND cấp huyện, cấp xã ở địa bàn tập trung hoạt động khai thác khoáng sản. Ưu tiên, lựa chọn, kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm đầu tư vào lĩnh vực khai thác, chế biến, tránh tình trạng để cho các đơn vị yếu về năng lực tài chính, công nghệ tham gia khai thác vừa làm thất thoát nguồn tài nguyên, lại gây ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.

» Giáo dân Nghệ An vạch trần sự biến chất của linh mục Nguyễn Đình Thục

Hải An

TIN LIÊN QUAN