Du học 'vừa học vừa làm': Lắm cám dỗ, nhiều rủi ro
(Baonghean) - Những năm gần đây, học sinh Nghệ An đi du học với hình thức vừa học vừa làm ngày càng nhiều. Tuy nhiên, đây là hình thức tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trào lưu du học
Trường THPT Thanh Chương 1 những năm gần đây, số học sinh đăng ký du học sau khi tốt nghiệp ngày càng nhiều, trong đó điểm đến được nhiều em lựa chọn nhất là Hàn Quốc. Thời điểm này, sau khi có 2 công ty du học đến xin đăng ký tư vấn, tuyển dụng thì đã có gần 30 học sinh đăng ký.
Nói về việc ngày càng có nhiều học sinh đi du học, thầy giáo Lê Xuân Hường - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hiện nay, đại học không phải là con đường duy nhất mà học sinh lựa chọn. Thay vào đó, các em muốn tìm một cơ hội mà vừa có việc làm nhanh chóng, vừa có thu nhập ổn định. Vì vậy, du học với hình thức vừa học, vừa làm phần nào đáp ứng được nguyện vọng trên”.
Phụ huynh đến tham khảo và đăng ký cho con em đi du học tại Công ty tư vấn du học. Ảnh: Mỹ Hà |
Ở Trường THPT Nam Đàn 2, không chỉ ở khối 12 mà các khối 10, 11 cũng đã có nhiều học sinh đăng ký vào học lớp ngoại ngữ miễn phí do một công ty du học tổ chức tại trường với số lượng khoảng 120 em. Chia sẻ về lý do, em Nguyễn Thị Lan Hương - lớp 11 C3 cho biết: “Tốt nghiệp đại học trong nước khó xin việc, trong khi nếu đi du học, không những chúng em có bằng đại học, cao đẳng mà chúng em còn có cơ hội ở lại tìm việc làm sau khi ra trường”.
Theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong năm 2016, toàn tỉnh đã có khoảng hơn 1.000 học sinh du học ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan, Canada, Đức. Hầu hết trong số này đều đi với mục đích vừa học, vừa làm. Hiện trên địa bàn tỉnh cũng đã có 30 đơn vị được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp giấy chứng nhận hoạt động tư vấn du học. |
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Sở Giáo dục và Đào tạo: Hầu hết các đơn vị thực hiện đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật, cung cấp công khai thông tin liên quan đến cơ sở đào tạo, tình trạng kiểm định và công nhận chất lượng đào tạo của cơ quan chức năng sở tại cho người đi du học; đồng thời cam kết với gia đình du học sinh sẽ phối hợp với các bên liên quan giải quyết các vướng mắc phát sinh trong trường hợp học sinh bị tai nạn, đau ốm, bị rủi ro bất kỳ trong thời gian học tập tại nước ngoài…
Cần siết chặt quản lý
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác du học của Nghệ An vẫn đang có nhiều vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là trong công tác đưa học sinh đi du học và quản lý du học sinh ở nước ngoài. Trên thực tế, mặc dù các công ty du học trên địa bàn tỉnh mở ra ngày càng nhiều nhưng số đơn vị hoạt động chưa hiệu quả cũng không ít.
Tính riêng trong 2 năm 2015 - 2016, đã có 9 công ty bị Sở Giáo dục và Đào tạo rút giấy phép hoạt động với lý do không hiệu quả hoặc không báo cáo, không thực hiện đúng như cam kết. Bên cạnh đó, công tác phối hợp quản lý hoạt động tư vấn du học còn nhiều hạn chế, vẫn có nhiều công ty không có giấy phép hoạt động, nhiều công ty ngoài tỉnh tham gia tư vấn du học trên địa bàn, thậm chí vào tư vấn trong các trường THPT. |
Tình trạng các công ty tư vấn du học lợi dụng lòng tin của phụ huynh, học sinh để lừa đảo cũng đã xảy ra. Năm 2015, gia đình ông Trần Xuân Trình - Thị trấn Thanh Chương qua lời giới thiệu đã tìm đến Công ty cổ phần Quốc tế Changmi với nguyện vọng cho con trai Trần Văn Hùng (nguyên là học sinh Trường THPT Thanh Chương 1) du học tại Hàn Quốc với hình thức vừa học vừa làm.
Tại đây, sau khi nghe lời giới thiệu với một viễn cảnh “đẹp” - vừa có bằng đại học, vừa có nghề với lương cao, gia đình đã đi vay tiền và nộp cho công ty gần 200 triệu đồng. Đóng tiền xong, Hùng đã đi học tiếng Hàn nhưng chờ đợi mãi vẫn không được đưa đi. Sau này, phải trầy trật mấy lần, gia đình mới đòi được phần nào số tiền đã đóng. Năm 2016, Công ty cổ phần Quốc tế Changmi cũng đã bị Sở Giáo dục và Đào tạo đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn du học.
Thượng tá Võ Đình Đức - Phó Trưởng phòng PC61 cũng cho biết: “Trong vài năm trở lại đây, Nghệ An đã khởi tố 5 vụ án, bắt giữ 12 bị can liên quan đến lừa đảo du học. Trong hoạt động du học, có xuất hiện nhiều hoạt động không lành mạnh, có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.
Bên cạnh đó, việc du học sinh bỏ học cũng là một vấn đề gây đau đầu cho các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan. Năm 2016, Công ty CP Đầu tư và Thương mại BMT đưa 12 học sinh sang du học tại Hàn Quốc.
Tuy nhiên, trong số này có 2 học sinh, sau khi nhập học một ngày đã bỏ học, trong đó có một em ở xã Nghi Quang (Nghi Lộc), một em ở xã Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Nhận được thông báo này, công ty đã trực tiếp liên hệ với gia đình để xử lý nhưng về phía gia đình từ chối hợp tác vì không biết con đang ở đâu. Sau sự việc này, không chỉ công ty phải bồi thường 100 triệu đồng/em cho trường đại học mà đơn vị ở nước ngoài đang liên kết cũng dừng hợp tác với công ty.
Đại diện công ty du học gặp gỡ phụ huynh có con em đi du học để phổ biến các quy chế liên quan. Ảnh: Mỹ Hà |
Ông Nguyễn Phi Long - Giám đốc công ty cho biết: “Tình trạng học sinh Nghệ An sang Hàn Quốc với hình thức du học rồi sau đó bỏ học đi làm không phải là chuyện hiếm. Để hợp tác với một trường đại học ở Hàn Quốc rất khó. Tuy nhiên, chỉ vì một vài trường hợp bỏ trốn mà đã ảnh hưởng rất nhiều người và làm mất hình ảnh của học sinh Việt Nam ở nước ngoài”.
Cũng do tình trạng du học sinh Nghệ An bỏ học nhiều mà mới đây đoàn Đại sứ quán Nhật Bản đã trực tiếp về tỉnh để tìm hiểu nguyên nhân và đề nghị tỉnh cần định hướng, chỉ đạo các công ty du học trên địa bàn tỉnh cung cấp thông tin chính xác; đồng thời, không quảng cáo sai lệch hình thức du học “vừa học vừa làm” khiến học sinh, sinh viên sử dụng hình thức du học với mục đích làm việc kiếm tiền.
Theo quy định của các trường đại học ở Nhật Bản, học sinh đi theo hình thức du học phải xác định trước tiên sang nước ngoài là phải học (ít nhất 6 tháng); sau đó, mới tính chuyện vừa đi học, vừa đi làm. Việc học sinh tự ý bỏ ra ngoài là vi phạm pháp luật, trở thành lao động “chui” và không được sự bảo hộ của nước sở tại.
Trao đổi về việc quản lý du học, ông Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Thời gian tới, để chấn chỉnh những tồn tại trong hoạt động tư vấn du học cũng như các vấn đề của du học sinh ở nước bạn, sở sẽ chỉ đạo các đơn vị được cấp phép tuân thủ pháp luật; tăng cường rà soát, tổ chức kiểm tra, thanh tra, yêu cầu các công ty công khai tài chính rõ ràng về các dịch vụ và chi phí liên quan.
Mặt khác, sẽ tăng cường công tác đào tạo định hướng cho các em trước khi đi du học ở nước ngoài, tăng cường công tác đào tạo nghề và khuyến khích các công ty tìm kiếm học bổng để giảm áp lực làm thêm cho học sinh”.
Mỹ Hà