Thầy cô giáo nuôi lợn, trồng rau cải thiện bữa ăn cho học sinh

16/03/2017 16:27

(Baonghean.vn)- Ở vùng biên giới Tri Lễ (Quế Phong, Nghệ An), sau giờ dạy học, các thầy cô giáo đều tự nuôi lợn, trồng rau để bổ sung dinh dưỡng cho bữa ăn học sinh.

Các em học sinh bản Pà Khốm, Tri Lễ trên con đường gập ghềnh đến trường. Ảnh: Hồ Phương.
Học sinh bản Pà Khốm, Tri Lễ trên con đường gập ghềnh đến trường. Ảnh: Hồ Phương.

Theo đó, do điều kiện đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa, cùng với đó những bữa ăn còn nhiều thiếu thốn của học sinh nên từ năm 2013, Trường THCS dân tộc bán trú Tri Lễ đã thực hiện mô hình tự sản xuất thực phẩm tại chỗ để bổ sung chất dinh dưỡng cho các em học sinh.

1
Học sinh Trường THCS dân tộc bán trú Tri Lễ chăm sóc vườn rau sau giờ học. Ảnh: Xuân Hòa

Với lợi thế khí hậu thuận lợi cho nhiều loại rau, đất đai màu mỡ, diện tích rộng nên sau các giờ dạy và học các giáo viên lại ra vườn rau vừa làm vừa hướng dẫn các em học sinh. Với phương pháp trên, bữa ăn của các em học sinh nội trú thường xuyên có rau xanh đầy đủ, chưa nói các em còn học được cách thức trồng rau của thầy cô để về áp dụng tại vườn nhà.

Bên cạnh đó, tận dụng thức ăn dư thừa từ các bữa ăn nội trú, mỗi năm tập thể giáo viên nhà trường chăn nuôi khoảng 10 con lợn, góp phần bổ sung được gần 1 tấn thịt lợn cho các bữa ăn của học sinh.

1
Thầy Hồ Đức Toàn khoe thành quả chăn nuôi của tập thể giáo viên Trường THCS dân tộc bán trú Tri Lễ. Ảnh: Xuân Hòa

“Hiện, trường có 330 em học sinh nội trú ở lại trường. Trước đây, khi chưa áp dụng mô hình tự trồng, tự nuôi, nguồn thực phẩm cho các em ở các bữa ăn rất khó khăn. Nhất là vào những thời điểm mùa mưa đường khó đi lại. Nhưng từ khi áp dụng mô hình trên, rau luôn đủ cung cấp cho các em trong các bữa ăn, nhất là thời điểm điểm chính vụ. Ngoài ra, trước đây thức ăn thừa của những bữa ăn nội trú đều phải bỏ đi hoặc cho dân bản mang về chăn nuôi. Nhưng nay đã được tận dụng triệt để.

1
Các giáo viên Trường THCS dân tộc bán trú Tri Lễ đang chế biến thịt lợn tự nuôi để bổ sung dinh dưỡng cho bữa ăn của học sinh nội trú. Ảnh: Xuân Hòa

Đáng nói, với cách làm này, trường đã tạo điều kiện rèn luyện cho các em được lao động sản xuất sau giờ học. "Cũng từ đó, nhiều em nắm bắt nhanh đã áp dụng hiệu quả tại vườn nhà, nhiều gia đình không chỉ chủ động được nguồn rau xanh, mà còn có để mang ra chợ bán”, thầy Hồ Đức Toàn, giáo viên phụ trách Đoàn, Đội kiêm quản lý học sinh nội trú Trường THCS dân tộc bán trú Tri Lễ cho biết.

Xuân Hòa

TIN LIÊN QUAN