Nơi hạ nguồn sông Cấm

11/03/2017 16:24

(Baonghean) - Với dòng chảy mải miết của mình, mỗi dòng sông đều để lại một dấu ấn riêng trong lòng quê hương, xứ sở. Không rộng dài như bao con sông khác nhưng dòng Cấm giang (Nghi Lộc) đã tạc vào lịch sử xứ Nghệ với những chiến công vang dội một thời, những con người quả cảm mà bình dị, đặc biệt là ở phía hạ nguồn...

Anh bạn tôi quê ở xã Nghi Quang (Nghi Lộc) - thuộc vùng hạ nguồn sông Cấm, sinh ra và lớn lên trong cảnh túng thiếu, mới lọt lòng mẹ đã đón trận cuồng phong đổ về từ phía biển, vào tuổi ăn dặm đã nếm mùi sắn, khoai. Vậy mà, những lúc xa quê, nỗi nhớ cứ cồn cào, da diết, nhớ cái vị mặn mòi của gió biển, nhớ cái nắng bỏng rát lúc trưa hè. Lần này về quê dài ngày, anh mời những người bạn thân về hạ nguồn sông Cấm để nếm vị hải sản lúc mới cập bờ, và để cảm nhận nguồn mạch của một vùng đất với bao chiều sâu lịch sử. Theo lời anh, vùng quê này đã có lịch sử 500 - 600 năm, gắn với công lao khai phá của Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí và các hậu duệ của ngài.

Ngày nay, đền thờ Nguyễn Xí (xã Nghi Hợp – Nghi Lộc) và đền thờ Thái úy Quận công Nguyễn Sư Hồi - con trai trưởng của ngài (đền xây dựng ở phường Nghi Tân - thị xã Cửa Lò) vẫn uy nghi trước nắng gió và dòng chảy thời gian, là sự minh chứng sinh động về bề dày truyền thống vùng quê này. Vấn đề này đã được làm nổi bật qua nhiều kênh thông tin, từ tư liệu dòng họ đến sách, báo và các công trình nghiên cứu khoa học.

Nuôi cá lồng cho thu nhập cao ở lạch Lò, xã Nghi Quang (Nghi Lộc). Ảnh: Công Kiên
Nuôi cá lồng cho thu nhập cao ở lạch Lò, xã Nghi Quang (Nghi Lộc). Ảnh: Công Kiên

Chúng tôi ngồi cạnh ba-ra Nghi Quang, từ đây có thể thưởng lãm phong cảnh hùng vĩ và thơ mộng của miền quê ven biển. Bức tranh phong cảnh dường như hội tụ những nét vẽ và mảng màu của quê hương xứ Nghệ, có biển rộng, non cao, dòng sông uốn lượn, làng mạc yên bình và phố phường nhộn nhịp. Trước cảnh hữu tình ấy, con người thường đắm mình trong cảm xúc riêng tư, mỗi người tìm cho mình một dòng mạch để suy tư, chiêm nghiệm về dòng chảy cuộc đời.

Anh bạn tôi say sưa với những chiến công thời đánh Mỹ, bởi vùng đất này là “lá chắn” bảo vệ cho các huyện, xã phía sau. Máy bay Mỹ từ Hạm đội 7 ở ngoài khơi Thái Bình Dương vào đánh phá thị xã Vinh và các tuyến đường, công trình trọng yếu thường bay qua vùng này và gặp phải “lưới đạn” phòng không từ mặt đất. Vì thế, có một địa danh đã đi vào lịch sử dân tộc, khẳng định tinh thần bất khuất, kiên cường người dân Việt Nam và tố cáo sự tàn bạo, dã man của kẻ địch.

Đó là cầu Cấm - chiếc cầu nằm trên Quốc lộ 1A mang tên của dòng sông, một trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ, bom đạn kẻ thù đã vùi hàng trăm chiến sỹ thanh niên xung phong và dân thường. Nhưng khi trận bom vừa dứt, khói bom chưa tan, hàng trăm con người lại ra sức san lấp hố bom, sửa lại mặt cầu để xe thông tuyến, đảm bảo chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Vùng hạ nguồn sông Cấm, gồm các xã Nghi Yên, Nghi Quang, Nghi Thiết, Nghi Tiến của huyện Nghi Lộc và một phần thị xã Cửa Lò. Nơi đây, ngoài địa danh cầu Cấm, mỗi làng xã đều có những địa danh gắn với chiến công một thời. Đó là làng Trung Kiên (Nghi Thiết) có lịch sử trên dưới 700 năm với nghề đóng tàu nổi tiếng, là một trong những điểm “khai sinh” những “con tàu không số”, vượt trùng khơi, bão tố và lửa đạn chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần vào công cuộc giải phóng đất nước.

Vào đầu năm 1967, trung đội trực chiến phòng thủ bờ biển của xã Nghi Thiết đã bắn cháy một tàu khu trục của Hạm đội 7 của Mỹ bằng pháo 75 ly, giải tỏa cho các tàu đánh cá đang bị địch bao vây, khiến kẻ địch phải bỏ chạy trong sự hốt hoảng. Trước đó, lính của Hạm đội 7 đã dùng xuồng nhỏ đột nhập vào làng Hải Bá của xã Nghi Tiến nhằm bắt cóc người dân để khai thác thông tin. Lực lượng bộ đội và dân quân kịp thời phát hiện và đánh trả quyết liệt, buộc chúng phải rút lui mà không thực hiện được ý đồ. Xã Nghi Quang có đồi 200 và đồi 170 là những cao điểm được lựa chọn bố trí trận địa pháo phòng không và pháo cao xạ, là “lá chắn” cho các trọng điểm ở phía sau.

Nướng cá – nghề giải quyết việc làm cho người già và phụ nữ xã Nghi Quang (Nghi Lộc)
Nướng cá – nghề giải quyết việc làm cho người già và phụ nữ xã Nghi Quang (Nghi Lộc). Ảnh: Công Kiên

Không chịu thua kém các xã bạn, tổ dân quân trực chiến xã Nghi Thủy (này thuộc thị xã Cửa Lò) đã bắn rơi chiếc F4 của Mỹ vào ngày 31/3/1965, trở thành đơn vị dân quân thứ 2 trong tỉnh (sau xã Diễn Hùng - Diễn Châu) bắn rơi máy bay chiến đấu bằng súng bộ binh, góp phần thúc đẩy phong trào bắn rơi máy bay Mỹ. Ngày 6/6/1966, dân quân Nghi Tân (nay thuộc thị xã Cửa Lò) bắn rơi chiếc máy bay thứ 1.100 của Mỹ trên miền Bắc. Chỉ một tuần sau sự kiện này, cụm dân quân các xã Nghi Tân, Nghi Thủy và Nghi Khánh (Nghi Lộc) phối hợp bắn rơi chiếc A4 tại khu vực đồi 200...

Cũng ở nơi hạ nguồn sông Cấm, chúng tôi được gặp gỡ những con người sống bình dị giữa làng quê miệt biển, lặng lẽ mưu sinh trong cuộc sống đời thường, ít ai biết họ từng vào sinh, ra tử nơi đạn bom, khói lửa. Ở Nghi Quang, ông Nguyễn Minh Đức từng là một đặc công rừng Sác đã bắn cháy tàu chiến Mỹ ở miền Đông Nam bộ, rồi tiềm nhập vào quân cảng của địch, cài mìn cho nổ cả một tàu chở vũ khí đang neo đậu. Bà Trần Thị Bình và Trần Thị Mân là những nữ dân quân từng tham gia chiến đấu ở đồi 200 và đồi 170, là địa điểm đặt đài quan sát của Bộ Tư lệnh Hải quân, Quân khu 4 và Tỉnh đội Nghệ An.

Đây cũng là nơi bố trí trận địa pháo phòng không và pháo mặt đất của bộ đội ta, góp phần ngăn chặn sự phá hoại của địch. Ngày ấy, bà Bình, bà Mân còn rất trẻ, vừa mới rời ghế nhà trường đã gia nhập Trung đội dân quân trực chiến của xã. Với 25 đồng chí, trong đó 6 người là nữ, 3 khẩu 12,7 ly và súng đại liên, trung đội có nhiệm vụ tiếp tế, hỗ trợ và “chia lửa” cùng với bộ đội chủ lực, cùng chiến đấu bảo vệ đất trời quê hương.

Ngày 31/3/1965, địch đánh phá suốt ngày đêm, lực lượng dân quân kiên cường bám trụ, và phối hợp với bộ đội phòng không bắn rơi chiếc máy bay F-4 của Mỹ, phối hợp với dân quân xã Nghi Tiến và Nghi Thiết bắt sống 2 tên giặc lái nhảy dù về phía biển. Với chiến công ấy, Trung đội dân quân xã Nghi Quang được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, riêng nữ dân quân Trần Thị Bình được làm lễ kết nạp đảng ngay tại mặt trận.

Ở Nghi Tiến, ông Trần Công Đôn - một nông dân cần mẫn với ruộng đồng, người đàn ông ấy một thời là lính đặc công Hải quân, từng là nỗi khiếp sợ đối với quân Mỹ ở vùng biển Cửa Việt (Quảng Trị) và Đà Nẵng. Ông Đôn cũng là người được chọn lên tàu ra giải phóng Quần đảo Trường Sa trong chiến dịch Mùa Xuân 1975. Và vùng đất này còn có hai người con hy sinh anh dũng trong trận Hải chiến Trường Sa năm 1988, máu thịt của họ đã gửi lại nơi đảo Gạc Ma.

Đó là liệt sỹ Hồ Văn Nuôi (Nghi Tiến) và Đậu Xuân Tư (Nghi Yên) – những chàng trai quê biển đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Tên tuổi của các anh được Tổ quốc và nhân dân lưu danh mãi mãi, vì các anh là “Những người nằm lại phía chân trời”, tượng đài và Khu tưởng niệm Chiến sỹ Gạc Ma sắp sửa được khánh thành tại bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa).

Bãi biển Tiền Phong, xã Nghi Tiến (Nghi Lộc)
Bãi biển Tiền Phong, xã Nghi Tiến (Nghi Lộc). Ảnh: Công Kiên

Chúng tôi lên đồi 200, giờ đây bạt ngàn sắc xanh phi lao, phía trước là biển cả mênh mông, những con tàu trở về từ khơi xa với cơ man nào tôm, cá. Gần hơn, trên lạch Lò, gần cửa sông Cấm vô số những lồng cá bắt đầu sáng điện trông như một “phố nổi” trên sông, đem lại nguồn thu lớn cho bà con nơi đây. Chếch về phía Nam, đô thị Cửa Lò nhộn nhịp, sầm uất với bao ánh đèn lộng lẫy; chếch ra phía Bắc là khu nghỉ dưỡng Bãi Lữ đẹp như tranh vẽ, bãi Tiền Phong hoang sơ với ánh cát vàng.

Viền quanh dãy núi và bãi biển là làng mạc trù phú, những ngôi nhà khang trang đua nhau mọc, những con đường đan xen hình bàn cờ. Tuyến đường D4 nối Quốc lộ 1A với cảng biển Nghi Thiết đã thông tuyến, sẽ là con đường giúp người dân nơi đây “cất cánh” vươn lên. Phía sau là dòng sông Cấm uốn lượn như một nét vẽ, con đường thiên lý tấp nập ngược xuôi, Khu công nghiệp Nam Cấm đang đà phát triển...

Nằm trong quy hoạch của Khu Kinh tế Đông Nam, vùng hạ nguồn sông Cấm đang trở mình vươn lên bằng nội lực và sức bật của mình. Năm xưa là “lá chắn” bom đạn, giờ trở thành một miền quê năng động và đẹp giàu. Cái xưa đã và đang làm nền cho cái của hôm nay, và cái của hôm nay được tiếp nối từ nguồn mạch muôn xưa...

Công Khang

TIN LIÊN QUAN