Vì sao các cầu thủ Việt kiều bị từ chối khi về nước?
HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn của ĐT U20 Việt Nam đã quyết định loại Tony Tuấn Anh khỏi ĐT U20 sau một tuần tập luyện vì lý do cầu thủ Việt kiều này không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn của đội.
Tony Tuấn Anh bị loại khỏi ĐT U20 Việt Nam chỉ sau 1 tuần thử việc. Ảnh: Trần Khánh. |
Tony Tuấn Anh không phải là cầu thủ Việt kiều đầu tiên bị từ chối sau khi về nước thử việc, bởi trước Tony Tuấn Anh là cả một danh sách dài, từ Toni Lê Hoàng năm 2005 cho tới Michel Lê năm 2013 với ĐT U23 Việt Nam, hay Keven Nguyễn với ĐT U19 Việt Nam năm 2015..., và còn rất nhiều cầu thủ khác thậm chí còn không qua nổi vòng thử việc ở các CLB V-League.
Nguyên nhân thì có rất nhiều, nhưng lý do quan trọng nhất, theo nhận xét của một HLV kỳ cựu từng có nhiều năm gắn bó với bóng đá Việt Nam, chính là cầu thủ nào nếu khẳng định được năng lực ở nước ngoài thì không đời nào họ về Việt Nam thử việc.
Điều này rất đúng với trường hợp của Lee Nguyễn, người được xem là xuất sắc nhất trong số những cầu thủ Việt kiều từng chơi bóng ở Việt Nam, bởi Lee Nguyễn đã khẳng định được tên tuổi ở Mỹ và châu Âu từ trước khi được HA.GL dùng lương khủng để mời về, và ngay cả khi không thể tỏa sáng rực rỡ ở V-League vì nhiều nguyên nhân khách quan thì Lee Nguyễn cũng đã trở lại là ngôi sao sau khi quay về Mỹ thi đấu.
Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam không có nhiều cầu thủ Việt kiều tài năng như Lee Nguyễn, mà phần lớn đều chỉ có năng lực ở mức độ vừa phải, như bộ ba Michal Nguyễn, Đặng Văn Robert và Mạc Hồng Quân, những người đã nhẵn mặt với khán giả ở V-League từ vài năm nay. Cả 3 cầu thủ này đều có mác Việt kiều, đều từng được gọi vào các ĐTQG song chưa một ai thực sự tỏa sáng.
Lý giải về vấn đề này, HLV Lê Thụy Hải chia sẻ: “Thật lòng mà nói, đa số các cầu thủ Việt kiều về nước chơi bóng rất kém. Một là được báo chí, mạng xã hội bốc lên, hoặc họ cũng tìm cách tự đánh bóng tên tuổi của mình. Xuyên suốt thời gian còn làm ở V-League, tôi thấy không cầu thủ Việt kiều nào chơi được.
Đặng Văn Robert thì chỉ có thể nói là tàm tạm, Michal Nguyễn thì cho đến bây giờ mới có thể nói là biết đá bóng, Mạc Hồng Quân cũng vậy, không khá hơn bao nhiêu. Các bạn ấy phải rất may mắn được ở những CLB nào đó nhận rồi rèn luyện, sau đó may ra mới có thể chơi được còn thực tế, họ không phải là những người có tố chất đặc biệt, bên kia chơi bóng theo kiểu học sinh hay nghiệp dư chứ không hẳn là chuyên nghiệp, vì thế rất khó để phát triển”.
Cũng theo ông Hải, còn một nguyên nhân nữa khiến cầu thủ Việt kiều khó được ghi nhận khi trở về Việt Nam tìm kiếm cơ hội chơi bóng là bởi nhiều người trong số họ cho rằng mình có trình độ chơi bóng cao hơn các đồng nghiệp bản địa nhờ được huấn luyện ở nền bóng đá có đẳng cấp cao hơn Việt Nam.
Vì thế, khi mới trở về Việt Nam, không ít cầu thủ Việt kiều đã bị “sốc văn hóa”, từ đó dẫn tới việc họ không thể hòa nhập với các đồng đội mới, thậm chí có cầu thủ còn để xảy ra tình trạng người nhà của mình nảy sinh tranh cãi, mâu thuẫn với lãnh đạo đội bóng chủ quản vì bản thân không được thi đấu hoặc không được coi trọng như mong muốn.
Trong khoảng 10 năm qua, đã có rất nhiều cầu thủ Việt kiều về nước thử việc thông qua các kênh khác nhau, cả ở ĐTQG cũng như CLB, nhưng số người gặt hái thành công gần như không có, và nguyên nhân chính vẫn là trình độ.
Như Tony Tuấn Anh ở ĐT U20 Việt Nam mà chúng tôi đã nói ở trên là một trường hợp kiểu như vậy. Tony Tuấn Anh được đồng đội đánh giá là rất dễ gần, hòa nhã, thân thiện, không có vẻ gì là của “ngôi sao từ châu Âu”, nhưng kỹ năng chơi bóng của Tuấn Anh lại rất bình thường, thậm chí có người còn chê Tuấn Anh đỡ bóng bước một còn chưa chuẩn.
Vì thế, Tuấn Anh không thể cạnh tranh được với 29 cầu thủ khác vốn là những gương mặt xuất sắc nhất trong độ tuổi U20 được tuyển chọn trên phạm vi cả nước, và không ai ngạc nhiên khi Tuấn Anh trở thành cầu thủ đầu tiên của ĐT U20 Việt Nam bị loại khỏi danh sách sơ bộ.
Xem ra cái ngày một cầu thủ Việt kiều trở thành ngôi sao thực sự của bóng đá Việt Nam vẫn còn xa xôi lắm lắm.
Theo TPO
TIN LIÊN QUAN |
---|