Hé lộ những trận đấu bất thường của bóng đá Lào

27/02/2017 14:07

Đầu năm 2014, Liên đoàn Bóng đá châu Á quyết định mở cuộc tổng tấn công nhằm đưa những cầu thủ, HLV, quan chức bóng đá “bán mình cho quỷ” ra ánh sáng để đem lại sự toàn vẹn cho môn thể thao “vua” ở châu lục. Chưa đầy 1 năm sau, các đội tuyển quốc gia Lào trở thành mục tiêu hàng đầu của cuộc điều tra với hàng loạt trận đấu có dấu hiệu bất thường.

Từ cuộc tổng tấn công bán độ

Kể từ năm 2010, bóng đá châu Á bắt đầu được xướng tên trên bản đồ bê bối tham nhũng và dàn xếp tỷ số. Năm 2011, hình ảnh bóng đá chuyên nghiệp tại Hàn Quốc xấu đi rất nhiều sau khi 41 cầu thủ nhận án phạt cấm thi đấu suốt đời về tội bán độ hàng chục trận đấu ở các giải đấu hàng đầu quốc gia. Cùng năm, thế giới càng sửng sốt hơn khi một đội tuyển Togo giả mạo “hành quân” đến Bahrain đá giao hữu được “đạo diễn” bởi tay trùm người Singapore Wilson Raj Perumal, người bị kết tội nhúng tay vào dàn xếp tỷ số hơn 300 trận đấu khắp toàn cầu.

Bóng đá Lào bắt đầu nằm trong tầm ngắm điều tra bán độ từ năm 2014. Ảnh: goal.com
Bóng đá Lào bắt đầu nằm trong tầm ngắm điều tra bán độ từ năm 2014. Ảnh: goal.com

Hai năm sau, thể thao châu Á tiếp tục chấn động với vụ án 33 cầu thủ, HLV và quan chức Trung Quốc phải hầu tòa và bị cấm vĩnh viễn do liên quan đến bê bối tham nhũng, dàn xếp tỷ số. Cùng thời điểm, cảnh sát châu Âu (Europol) tuyên bố có khoảng 680 trận đấu trên toàn thế giới bị “bóp méo” kết quả. Theo điều tra của Europol, các phi vụ bán độ đều có nguồn gốc từ châu Á với ít nhất 425 người tham gia bao gồm trọng tài, cầu thủ, HLV, quan chức đội bóng và các thành viên của nhiều băng nhóm tội phạm. Cuộc điều tra dẫn đến vụ Singapore bắt giữ 14 người, trong đó có kẻ cầm đầu đường dây cá cược bất hợp pháp khét tiếng Dan Tan.

Trước vấn nạn bán độ tràn lan, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) bắt đầu lên kế hoạch thực hiện cuộc tổng tấn công triệt phá và chống lại nguy cơ dàn xếp tỷ số ở châu lục bằng việc ký kết một thỏa thuận với Công ty Sportradar của Thụy Sĩ. Theo điều khoản ký kết, Sportradar sẽ giám sát các giải đấu gồm AFC Champions League, AFC Cup, Asian Cup, các giải vô địch bóng đá khu vực và quốc tế, vòng loại World Cup và môn bóng đá tại Asian Games…

“Đó là một sự hợp tác rất quan trọng và là bước tiến mới nhất trong chiến dịch của chúng tôi trong chiến dịch triệt phá vấn nạn bán độ”, một tuyên bố của AFC nhấn mạnh sau khi hợp tác với Sportradar. Những dữ liệu của công ty này sau đó đã mở hàng loạt nghi án dàn xếp tỷ số, trong đó bóng đá Lào được xem là một trong những mục tiêu chính của các nhà điều tra.

Đến nghi án “bán mình cho quỷ” của bóng đá Lào

Cuối tháng 9/2014, Sportradar phát đi “báo động đỏ” về nghi án bán độ ở giải U.23 bóng đá nam thuộc Asian Games 17 mà Hàn Quốc đăng cai. Sự kiện này diễn từ 19.9 - 4.10.2014. Theo Sportradar, việc phân tích dữ liệu cá cược cho thấy một số trận đấu có thể bị dàn xếp tỷ số. “Chúng tôi có thể khẳng định đã có bán độ ở môn bóng đá nam Asian Games. Hàng loạt tay cá cược trực tuyến đã vô cùng tự tin đặt cược vào việc sẽ có bàn thắng ở cuối trận cho một số trận đấu. Thị trường cá cược đối với các trận đấu bị dàn xếp thường có dấu hiệu giống nhau, trong đó cá cược trực tiếp khi trận đấu đang diễn ra là đáng ngờ nhất”, Andreas Krannich, Giám đốc Sportradar, tuyên bố.

Những trận đấu đáng ngờ trong danh sách của Sportradar sau đó được tờ The New Paper khai thác. Theo đó, trong 3 trận đấu bị nghi dàn xếp tỷ số ở Asian Games 2014, có 2 trận có sự góp mặt của tuyển Lào, đó là thất bại trước Malaysia (0-4) và Ả Rập Xê Út (0-3) thuộc bảng A. Ở 2 trận này, 6/7 bàn thua của tuyển Lào đều diễn ra vào những phút cuối trận và được Sportradar xếp vào cảnh báo loại 1 về nghi ngờ bán độ.

Theo dữ liệu phân tích của Sportradar, trước lượt trận thứ 2 gặp Malaysia vào ngày 17/9/2014, hệ thống cá cược châu Á (Asian Handicap) cho thấy một lượng đặt cược lớn vào tỷ lệ Malaysia chấp 3 trái, đồng nghĩa với Lào phải thua cách biệt ít nhất 4 bàn. Tuyển Malaysia sớm ghi được bàn thắng dẫn trước 1-0 ở phút 12. Tỷ số không đổi sau phút 60, nhưng theo Sportradar, lúc này có ít nhất một website cá cược châu Á vẫn duy trì tỷ lệ như trên (Malaysia chấp 3 trái), đồng nghĩa với việc Malaysia phải ghi thêm ít nhất 3 bàn thắng và không để thủng lưới ở phần còn lại trận đấu thì cược thắng.

Diễn biến sau đó theo đúng “kịch bản” của tỷ lệ cược khi Malaysia ghi liên tục 3 bàn ở phút 76, 79 và 83. Trong khi đó, ở lượt trận đầu tiên bảng A, tuyển Lào cũng được cho là “diễn kịch” khi để Ả Rập Xê Út ghi cả 3 bàn thắng trong khoảng thời gian từ phút 75 trở đi. Không những vậy, ở lượt trận cuối thua Hàn Quốc 0-2, Lào cũng bị thủng lưới 1 bàn ở phút 89.

Những dữ liệu mà Sportradar cung cấp đến từ cuộc điều tra của FIFA vào năm 2010, cho thấy bóng đá Lào vốn đã nằm trong “danh sách đen” từ trước Asian Games 17. Đó là thất bại 1-4 của Lào trước chủ nhà Malaysia trên sân Bukit Jalil tại vòng bảng AFF Cup 2012. Trận đấu này được Sportradar đặt ở mức cảnh báo bán độ loại 2 với các tỷ lệ phù hợp khi tuyển Lào thua 3 bàn cách biệt, giúp một lượng lớn tiền thắng cược trên Asian Handicap.

Theo TNO

TIN LIÊN QUAN