Cách quản lý và thu phí đường bộ ở các nước trên thế giới

13/04/2017 14:19

(Baonghean.vn) - Thu phí đường bộ đang được các nước trên thế giới thực hiện với nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều nước ở châu Âu đã miễn phí phí đường bộ như Ukraine, Cyprus, Iceland, Luxembourg, Kosovo…

» Nóng: Giảm 100% phí Cầu Bến Thủy I từ ngày 24/4

1. Singapore

Một cổng ERP đặt trên tuyến đường tại Singapore.
Một cổng ERP đặt trên tuyến đường tại Singapore.

Singapore là một trong những nước sở hữu hệ thống giao thông hiệu quả bậc nhất thế giới. Kể từ tháng 9/1998 đến nay, Singapore đưa vào sử dụng hệ thống thu phí đường bộ điện tử (ERP- Electronic Road Pricing).

Phương pháp này chiếm dụng diện tích ít hơn, cắt giảm toàn bộ nhân viên bán vé như trước, có chi phí duy trì thấp. Hơn cả, nó hạn chế xe lưu thông trong giờ cao điểm. Theo đó, các xe đi vào trung tâm, xa lộ và trục giao thông chính đều phải trả phí, đặc biệt trong giờ cao điểm (từ 8h30 – 9h30 sáng).

Tính bình quân, mức phí phải trả qua từng cổng gắn ERP khoảng 2 dollar Singapore (khoảng 33.000 đồng), trong đó, mức phí thấp nhất là 0,5 dollar Singapore và mức phí cao nhất là 4 dollar Singapore. Mức phí sẽ thay đổi 30 phút một lần theo mật độ lưu thông trên đường và mỗi 3 tháng, Cơ quan quản lý giao thông đường bộ Singapore sẽ kiểm tra lại mức giá thu một lần để điều chính cho hợp lý.

2. Anh

Biện pháp phân loại thu phí được đề xuất để cải thiện tình trạng tắc nghẽn ở trung tâm thủ đô London, Anh.
Biện pháp phân loại thu phí được đề xuất để cải thiện tình trạng tắc nghẽn ở trung tâm thủ đô London, Anh.

Thủ đô London của Anh cũng học tập mô hình ERP hiện đại của Singapore, triển khai vào năm 2013. Tuy nhiên London xây dựng hệ thống giá khác nhau cho ngày thường và ngày cuối tuần, cũng như sáng và tối.

Ví dụ với một xe tiêu chuẩn, phí qua mỗi cổng vào khoảng 5,5 bảng (175.000 đồng) vào ngày thường, 4,8 bảng (khoảng 153.000 đồng) vào ngày trong tuần, và giảm xuống còn 3,8 bảng (khoảng 121.000 đồng) vào buổi tối, tính từ 23:00 - 6:00. Một điểm khác biệt khác là Anh giảm giá 5% cho những chủ xe thanh toán trước thông qua thẻ tín dụng, thay vì tiền mặt.

3. Tây Ban Nha

Đường cao tốc ở Tây Ban Nha chia làm hai loại: Một là có phí, một là miễn phí. Nhìn chung, đường tính phí chiếm khoảng 20% mạng lưới giao thông toàn quốc gia, một tỷ lệ khá thấp. Phí đường bộ sẽ được thu qua các trạm, với mức trung bình vào khoảng 0.06 euro/km (1.500 đồng).

Tuy nhiên phí qua hầm của Tây Ban Nha khá đắt. Phí lưu thông qua hai hầm có lưu lượng giao thông cao nhất là Cadi và Vallvidrera lần lượt là 9,88 euro (khoảng 249.000 đồng) 3,09 euro (khoảng 78.000 đồng).

4. Malaysia

Malaysia áp dụng phí sử dụng đường bộ thu theo đầu phương tiện.
Malaysia áp dụng phí sử dụng đường bộ thu theo đầu phương tiện.

Malaysia áp dụng phí sử dụng đường bộ thu theo đầu phương tiện. Từ cuối năm 2015, Malaysia tăng phí sử dụng đường bộ trên diện rộng. Phí của 18 trục đường cao tốc chủ chốt tăng từ 10 sen – 4,7 ringgit (5.7000 – 27.000 đồng).

Năm 2010, Chính phủ Malaysia đã đưa ra loại phí tắc nghẽn giao thông. Theo đó, các chủ phương tiện sẽ bị thu phí khi đi vào các khu vực có lưu lượng giao thông cao trong giờ cao điểm. Người trốn tránh việc trả phí tắc nghẽn sẽ bị phạt 2.000 RM (tương đương 624 USD) hoặc bị phạt tù 6 tháng, hoặc chịu cả 2 hình phạt trên.

5. Trung Quốc

Trong 3 loại phí giao thông đường bộ cơ bản, Trung Quốc đã áp dụng 2 loại phí. Thứ nhất là phí sử dụng đường, dưới hình thức “phí bảo trì đường bộ” thu theo đầu phương tiện, sau đó chuyển sang hình thức “thuế xăng dầu” kể từ năm 2009. Thứ hai là phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ, dưới hình thức “thuế sử dụng xe cơ giới/tàu thuyền”.

Trung bình, phí đường bộ đối với một xe đi từ Bắc Kinh đến Thượng Hải có thể rơi vào khoảng 600 nhân dân tệ (hơn 2 triệu đồng), đắt hơn vé một chiều trên xe lửa tốc độ cao.

Kim Ngọc

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN