Serie phim Fast&Furious tiêu tốn 520 triệu USD tiền phá ôtô
Một hãng bảo hiểm tính toán chi phí tổng thiệt hại mà 7 tập phim bom tấn "Fast & Furious" gây ra, đặc biệt đối với những chiếc xe.
*Cảnh phá hủy siêu xe Lykan Hypersport trong "Furious 7":
Hãng bảo hiểm Insure The Gap (Anh) cho biết, phần lớn thiệt hại gây ra từ việc phá hủy hay làm hỏng những chiếc ôtô, cũng như các tòa nhà trong quá trình làm phim. Trong đó, 169 chiếc xe "thông thường" bị hỏng và 142 chiếc bị phá hủy hoàn toàn. Ngoài ra, 37 chiếc "đặc biệt" cũng bị phá hủy, đắt giá nhất là siêu xe Lykan Hypersport của hãng W Motors, với giá trị ước tính 3,4 triệu USD.
Một cảnh đối đầu giữa 2 nhân vật chính trong "Furious 7" với 2 chiếc xe bị phá hủy khi đấu đầu ở tốc độ cao. Ảnh: Universal Pictures. |
Điều thú vị khác là phần lớn thiệt hại gây ra do những nhân vật anh hùng trong serie phim bom tấn này, với khoảng 325 triệu USD, trong khi các nhân vật xấu chỉ "đóng góp" khoảng 194 triệu USD.
Báo cáo cũng cho biết, sau tập "2 Fast 2 Furious" (2003), phần tiếp theo là "The Fast and the Furious: Tokyo Drift" (2009) gây ra ít thiệt hại hơn vì tập trung vào những màn đua xe đường phố thay vì cháy nổ.
*Cảnh truy đuổi tốc độ cao trong "Fast Five":
Nhưng từ "Fast Five" (2011) trở đi, những con số lại tăng vọt khi các đạo diễn ưa thích các cảnh hành động bom tấn và tập sau cố vượt tập trước về độ hoành tráng, các cảnh rượt đuổi tốc độ và phá hủy (thả rơi xe hơi từ máy bay).
Insure The Gap thậm chí còn tính toán chi li, rằng mỗi nhân vật chịu trách nhiệm bao nhiêu trong tổng thiệt hại của serie phim hành động này. Theo đó, nhân vật Deckard Shaw (tài tử Jason Statham đảm nhiệm) phá nhiều nhất với số tiền ước tính tới 185 triệu USD dù chỉ góp mặt trong một tập là "Furious 7" (2015).
* Trailer "The Fate of the Furious":
Phần mới nhất "The Fate of the Furious" dự kiến ra rạp tại Mỹ vào ngày 14/4. Phần 8 này có kinh phí hơn 200 triệu USD, phô diễn hàng loạt pha cháy nổ với hơn 50 xe hơi bị phá nát chỉ trong trailer đầu tiên.
Theo VNE