Tình thế ngũ hổ tranh hùng ở Syria sau khi IS diệt vong

13/03/2017 16:11

Sự sụp đổ của IS có thể khiến Mỹ và các bên tham chiến tại Syria lún sâu vào cuộc tranh đoạt quyền lực không có lối thoát.

Xe bọc thép gắn cờ Mỹ hiện diện ở Manbij, Syria

Tổng thống Syria Bashar al-Assad mới đây tố cáo Mỹ "xâm lược" khi triển khai lực lượng quân sự trên lãnh thổ nước này mà không được sự cho phép của chính phủ hợp pháp. Với sự hiện diện của lực lượng bộ binh Mỹ, chiến trường Syria giờ đây đang dần biến thành thế trận "ngũ hổ tranh hùng" một khi phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tan rã, theo National Review.

Matthew Continetti, chuyên gia phân tích an ninh kỳ cựu ở Washington, cho rằng với sự góp mặt của quân đội Nga, quân đội chính phủ Syria, lực lượng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ, dân quân người Kurd và giờ đây là các đơn vị đặc nhiệm, pháo binh Mỹ, IS không còn cơ hội để tồn tại.

Tuy nhiên Continetti cũng cảnh báo rằng các sự kiện xảy ra gần đây cho thấy việc IS bị nghiền nát ở Syria mới chỉ là sự khởi đầu cho lần can thiệp mới của Mỹ ở Trung Đông, với những cái giá mà người dân nước này và Tổng thống Donald Trump có thể chưa hình dung được.

Thành phố Manbij ở tây bắc Syria có thể được coi là trường hợp tiêu biểu cho thế trận tranh giành ảnh hưởng của các bên ở nước này sau khi IS bị đánh bại. Dân quân người Kurd dưới sự yểm trợ của không quân Mỹ, cùng các đơn vị tăng thiết giáp Thổ Nhĩ Kỳ đã đánh đuổi IS khỏi thị trấn quan trọng này từ hồi năm ngoái.

Thế nhưng trong những ngày gần đây, thiết giáp Humvee và xe bộ binh Stryker cắm cờ Mỹ xuất hiện thường xuyên ở thành phố này. Nhiệm vụ của họ không phải là để diệt IS, mà thực hiện điều ít mang tính quân sự hơn nhiều. Đó là một chiến dịch "răn đe và trấn an" nhằm ngăn cản các phe phái đối địch thảm sát lẫn nhau ở khu vực vừa sạch bóng IS.

Một trong những đối tượng mà quân Mỹ phải răn đe ở Manbij lại chính là quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO và là đồng minh với Mỹ trong cuộc chiến chống IS. Các đơn vị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tràn qua biên giới Syria, áp sát Manbij với danh nghĩa tiêu diệt IS, nhưng mục tiêu sâu xa của họ lại là dân quân người Kurd (YPG).

Ankara tố cáo YPG có mối liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd, tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố, đồng thời muốn ngăn cản họ thành lập một khu tự trị ngay tại biên giới nước mình. Tuy nhiên, YPG lại là lực lượng thân Mỹ chiến đấu chống IS hiệu quả nhất, là thành phần không thể thiếu trong cuộc chiến tiêu diệt IS tại sào huyệt Raqqa.

Tình hình càng phức tạp hơn khi ở Manbij còn có sự hiện diện của quân đội Nga, lực lượng đang giúp đỡ các đơn vị quân chính phủ Syria quản lý những ngôi làng vừa được giải phóng khỏi sự kiểm soát của IS.

tinh-the-ngu-ho-tranh-hung-o-syria-sau-khi-is-diet-vong
tinh-the-ngu-ho-tranh-hung-o-syria-sau-khi-is-diet-vong

Chính người Kurd cũng mời quân đội Nga đến giữ gìn an ninh tại các khu vực vừa được giải phóng ở Manbij, dường như họ coi đây là một đối trọng để chống lại ảnh hưởng từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Kết quả là 5 lực lượng vũ trang hùng mạnh gồm Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và dân quân người Kurd đều tập hợp tại một thành phố xa lạ vốn không có tầm quan trọng chiến lược quá nhiều.

Dắt tay tiễn ra cửa

Trong một không gian chiến trường chật hẹp như vậy, sự quy tụ của "ngũ hổ" làm gia tăng đáng kể nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm và những hiểu nhầm đáng tiếc. Trong cuộc gặp với các tướng lĩnh Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đầu tuần trước, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford nói rằng Manbij giờ đây "như một mồi lửa tiềm tàng".

Ralph Peters, cây bút bình luận của tờ NY Post, cho rằng sau khi IS sụp đổ, Mỹ sẽ là kẻ thua cuộc lớn nhất trong cuộc tranh hùng ở Syria. Lực lượng nổi dậy ôn hòa do Mỹ hậu thuẫn về cơ bản đã bị xóa sổ, trong khi dân quân người Kurd thân cận với họ lại hục hặc với Thổ Nhĩ Kỳ. Bản thân Thổ Nhĩ Kỳ gần đây thể hiện mối quan hệ nồng ấm hơn với Nga, trong khi chính quyền của ông Assad được Moscow hậu thuẫn tăng cường củng cố quyền lực.

Một khi IS bị đánh bại, vai trò của Mỹ ở Trung Đông nói chung và Syria nói riêng là không còn cần thiết nữa. Lúc đó, Washington rất dễ bị rơi vào cảnh "bị dắt tay tiễn ra cửa", Peters nhận định.

Trong trường hợp Mỹ cố bám trụ ở Syria, chuyên gia Continetti cho rằng sự can dự của Mỹ vào đất nước này sẽ đi theo vết xe đổ đáng tiếc trước đây. Sau khi hoàn thành mục tiêu hẹp ban đầu là tiêu diệt IS, Mỹ sẽ phải gánh thêm nhiều trách nhiệm liên quan khác trong thời kỳ hậu xung đột.

Đặc nhiệm Mỹ hỗ trợ dân quân người Kurd chống IS ở Syria

Chính những chính sách mơ hồ, không cụ thể tương tự đã khiến lính Mỹ thiệt mạng ở Lebanon năm 1983 và Somalia 10 năm sau đó. Ở những nơi sứ mệnh gìn giữ hòa bình được thực hiện thành công, chẳng hạn như Bosnia và Herzegovina, nhiệm vụ của họ được làm rõ ngay từ đầu, được ủy quyền bởi các bên liên quan và được đầu tư nguồn lực tương xứng. Nhưng những điều như vậy không xuất hiện trong cuộc can thiệp của Mỹ vào Syria.

Trong cuộc tranh hùng ở Syria, Mỹ sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi lớn, theo Continetti. Điều gì sẽ xảy ra sau khi IS thất thủ ở Raqqa? Lính Mỹ có nên ở lại Syria một khi IS đã bị đánh bại và nếu có thì với mục đích gì? Lập trường của Mỹ với phong trào đòi độc lập của người Kurd như thế nào, họ sẽ ăn nói ra sao với Thổ Nhĩ Kỳ nếu ủng hộ phong trào đó?

Tổng thống Mỹ Donald Trump rõ ràng là người sẽ phải trả lời những câu hỏi lớn này, cũng như sẵn sàng để bảo vệ phương án mà mình đưa ra. Với Mỹ và những bên khác tham gia vào cuộc chiến ở Syria, tình hình có thể kết thúc bằng sinh mạng của các binh sĩ, bằng sự hao tổn danh tiếng, thậm chí là một cuộc xung đột quy mô lớn hơn, chuyên gia này nhấn mạnh.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN