Khắc phục tình trạng gần dân nhưng không trọng dân

21/03/2017 06:55

(Baonghean) - Gần dân, trọng dân, sâu sát với cơ sở là phẩm chất luôn phải có đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhưng hiện nay do tác phong, tư duy hành chính, có cán bộ, đảng viên vẫn chưa xem trọng. Để đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tỉnh đang có giải pháp mạnh mẽ chấn chỉnh tình trạng này, yêu cầu đặt ra là mỗi cán bộ, đảng viên phải tránh được hiện tượng xa dân, xa cơ sở; gần dân nhưng không sát dân.

Gần dân phải là phẩm chất của cán bộ

Phường Quang Trung là một trong những địa bàn trung tâm của TP. Vinh với hoạt động thương mại, dịch vụ, xây dựng diễn ra hết sức sôi động. Đặc biệt, trên địa bàn đã, đang và sẽ diễn ra nhiều dự án xây dựng lớn, một bộ phận dân cư phải thực hiện tái định cư.

Xác định là đơn vị cấp cơ sở gần dân nhất, Đảng ủy phường Quang Trung đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, và để đáp ứng yêu cầu đặt ra thì vấn đề có tính chất cốt lõi là đội ngũ cán bộ phải thực sự sâu sát, nắm bắt tình hình ở cơ sở.

Ngay sau Đại hội Đảng bộ phường nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng ủy phường đã phân công các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ phụ trách cụ thể từng khối. Phường có 15 khối, các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy phân công phụ trách 5 cụm, mỗi cụm 3 khối. Cán bộ, công chức, viên chức của khối chính quyền và đoàn thể cũng được phân công phụ trách ban cán sự khối và các chi hội.

Giải pháp được xem là đột phá trong bám nắm cơ sở của phường Quang Trung chính là định kỳ hàng tháng, cán bộ cấp ủy phải về sinh hoạt cùng chi ủy mình phụ trách để vừa nắm bắt tình hình, vừa có định hướng nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo trong tháng trước thời điểm tổ chức sinh hoạt chi bộ của khối đó.

Đây cũng là kênh thông tin quan trọng để Đảng ủy phường có thể đánh giá sát đúng tình hình và đưa vào chương trình lãnh đạo trọng tâm trong tháng, thông qua việc ban hành Nghị quyết riêng từng tháng của Đảng ủy phường. Ví dụ, trong tháng 3/2017, Nghị quyết Đảng ủy phường xác định hai nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thành tốt kế hoạch kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và bắt đầu triển khai các bước để giải phóng mặt bằng khu C Quang Trung.

Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu thăm mô hình chăn nuôi bò sữa tại xã Quỳnh Thắng.  Ảnh Thanh Nhàn
Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu thăm mô hình chăn nuôi bò sữa tại xã Quỳnh Thắng. Ảnh Thanh Nhàn

Bí thư Đảng ủy phường Quang Trung Đinh Xuân Trường cho biết: “Chúng tôi rất coi trọng công tác đối thoại, nhất là đối với các vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân như công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Sắp tới sẽ triển khai xây dựng khu C Quang Trung tại các khối 6,7,8,9, chúng tôi sẽ về làm việc trước với cán bộ khối, sau đó MTTQ và các đoàn thể về họp với các chi hội; phường cũng tổ chức họp với toàn bộ đảng viên nơi cư trú. Hoạt động này nhằm phổ biến chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Từ đó, phường sẽ tổ chức đối thoại với toàn thể nhân dân các khối về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư tại khu C Quang Trung”.

Còn tại huyện Quỳnh Lưu, nhằm tăng cường sâu sát cơ sở, Thường trực Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch khảo sát các mô hình kinh tế theo từng vùng trong huyện. Vừa qua, lãnh đạo địa phương này đã khảo sát các mô hình của miền Tây huyện. Sau đó, Quỳnh Lưu đã tổ chức đoàn công tác đi học tập các mô hình kinh tế trong nông nghiệp tại Thanh Hóa, Hà Nam, Hải Dương… để có đối chứng, so sánh.

Địa phương này giao mỗi thành viên đi thăm mô hình về đều báo cáo thu hoạch đánh giá, có đề xuất, tham mưu xây dựng mô hình phát triển phù hợp với khả năng, tiềm lực của huyện, khả năng đầu tư của người dân. Trên cơ sở đó, huyện tổ chức trao đổi, bàn bạc, đánh giá rút kinh nghiệm để có hướng mở nhằm tháo gỡ, khuyến khích bà con phát triển kinh tế.

Đây chỉ là một trong nhiều giải pháp thể hiện tinh thần nắm bắt, sâu sát với cơ sở và nâng cao hiệu quả hoạt động điều hành của hệ thống chính trị huyện Quỳnh Lưu. Theo Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu Lê Thành Nhân cho biết, trong Hội nghị kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của tập thể và các cá nhân trong Ban Thường vụ Huyện ủy, một trong những nội dung được nhận diện là thời gian đi cơ sở chưa đảm bảo, ít bám nắm.

Do đó, thời gian tới Quỳnh Lưu sẽ tổ chức đối thoại với bí thư chi bộ. Thực tế, từ cuối năm 2016 vừa qua, Quỳnh Lưu đã tổ chức giao ban, đối thoại giữa các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy theo địa bàn được phân công phụ trách với bí thư chi bộ ở cơ sở. Song để hoạt động này trở thành thường niên, Huyện ủy đang giao cho Ban Tổ chức Huyện ủy xây dựng quy chế giao ban giữa Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách địa bàn với bí thư chi bộ và triển khai ngay trong năm 2017; tiến tới có thể mở rộng thành hình thức đối thoại giữa Thường trực Huyện ủy với bí thư chi bộ theo cụm.

“Tại các cuộc đối thoại, các đồng chí thuộc Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ chủ trì đối thoại và có các ngành tham gia để trả lời, giải quyết luôn từng vấn đề đưa ra; chỉ có những sự việc ngoài phạm vi thì báo cáo lên huyện để xử lý. Đối thoại cũng là kênh để huyện giám sát cấp xã. Vì qua đội ngũ bí thư chi bộ có thể nắm bắt cả những chuyện mà xã không báo cáo, hoặc xã làm nhưng báo cáo không đúng” - Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu nhấn mạnh.

Cấp xã tổ chức đối thoại với nhân dân

Thông qua tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh, có thể thấy nhiều vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị, ở cấp xã có thể giải quyết hoặc có thể tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân nắm bắt, song thực tế, việc thực hiện vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Do đó, đặc biệt đối với cán bộ ở cấp xã là cấp gần dân nhất phải tránh được tình trạng gần dân nhưng không sát dân.

Đây là yêu cầu mà Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh đặt ra và nhiều lần nhấn mạnh tại các cuộc làm việc tại cơ sở. Vừa qua, dự và chỉ đạo Hội nghị kiểm điểm của tập thể, cá nhân Ban Thường vụ Thành ủy Vinh theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Bí thư Tỉnh ủy cho biết, Tỉnh ủy đã chỉ đạo 6 tháng một lần, Ủy ban MTTQ cấp xã trong toàn tỉnh chủ trì hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo xã với nhân dân. Tại đây, các đồng chí lãnh đạo xã phải báo cáo cho người dân về tình hình kinh tế - xã hội và đối thoại thẳng thắn về các vấn đề trên địa bàn với nhân dân.

Người dân đóng góp ý kiến tại hội nghị tiếp xúc cử tri do MTTQ thành phố Vinh tổ chức. Ảnh tư liệu
Người dân đóng góp ý kiến tại hội nghị tiếp xúc cử tri do MTTQ thành phố Vinh tổ chức. Ảnh tư liệu

Liên quan đến nội dung này, vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh ký kết chương trình phối hợp năm 2017, trong đó, nội dung trọng tâm là phối hợp tổ chức hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch HĐND, UBND xã với nhân dân trước mỗi kỳ họp HĐND cùng cấp 2 lần/năm, bắt đầu từ năm 2017 nhằm kịp thời giải quyết bức xúc, nảy sinh ở cơ sở, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp.

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Văn Huy cho biết: “Vào đầu tháng 6/2017 sẽ tổ chức hội nghị đối thoại điểm. Mỗi địa phương cấp huyện sẽ lựa chọn 3 đơn vị cấp xã theo tiêu chí xã khá, xã trung bình và xã yếu để tổ chức đối thoại. Hiện nay, Ủy ban MTTQ tỉnh đang xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai tập huấn cho MTTQ cấp huyện, sau đó MTTQ cấp huyện sẽ tổ chức tập huấn cho cấp xã”.

“Tại các cuộc đối thoại thí điểm sẽ có các đoàn công tác theo dõi và chấm điểm kết quả cụ thể. Trên cơ sở đó sẽ có đánh giá, tổng kết và tổ chức đại trà đối thoại tại 480 địa phương cấp xã trong toàn tỉnh vào cuối năm 2017. Nghệ An là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức đối thoại đại trà ở cấp xã theo hình thức này” - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Văn Huy cho biết.

Thành Duy

TIN LIÊN QUAN