Tản mạn chung cư

13/05/2017 09:27

(Baonghean) - Cách đây 2 năm, một hôm bố mẹ vợ gọi tôi đến và nói: “Bố mẹ quyết định rồi, không ở đây nữa, sẽ bán nhà, bán đất lên ở chung cư”. Và vợ chồng tôi dù có can ngăn thế nào cũng không lay chuyển được quyết tâm chuyển từ nhà đất lên chung cư của ông bà.

Lý do gần như duy nhất của bố mẹ vợ tôi là, ông bà đã cao tuổi, các con đều ở xa, cả ông và bà đều mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường. Vậy nên chuyển đến chung cư cho “gần hàng xóm”, có người trò chuyện, chạy đi chạy lại…

Thông báo tuần trước, tuần sau ông bà đã chuyển những đồ dùng đầu tiên lên tầng 5 của khu chung cư vừa mới cất lên ngay trong khu vực. Hóa ra cái dự định từ bỏ nhà đất để chuyển đến sinh sống nhà chung cư đã được nhạc phụ, nhạc mẫu của tôi âm thầm khảo sát, nghiên cứu rất lâu từ trước đó. Vì biết thể nào cũng bị con cái căn ngăn nên 2 ông bà già khiến cho mọi suy tính trở nên “sự đã rồi”.

Về phần vợ chồng tôi và cậu em vợ làm việc mãi trong miền Nam ban đầu vẫn cho rằng, quyết định của bố mẹ mình là vội vàng. Lúc này chúng tôi mới thấy day dứt, lo lắng cho cuộc sống mới của 2 con người già cả. Nào là việc đi lại, chợ búa của bố mẹ sẽ thế nào, bình thường thì chớ chứ lúc tăng xông sẽ ra sao, huống hồ ông bà lại ở mãi tầng 5…

Một góc của khu đô thị mới Vinh Tân (TP. Vinh). Ảnh: Đức Anh
Một góc của khu đô thị mới Vinh Tân (TP. Vinh). Ảnh: Đức Anh

Trái ngược với tất cả lo lắng, hồ nghi của chúng tôi về nơi ở mới của bố mẹ, ông bà tỏ ra rất hài lòng cho dù không gian không được rộng rãi, thoáng đãng như trước lại bị lũ trẻ gây huyên náo suốt ngày. “Vui, có tiếng trẻ, tiếng người rất vui. Mọi người thăm nom nhau, qua nhà nhau đơn giản, tình cảm…” - mẹ vợ tôi đã phấn khởi chia sẻ như thế.

Thời gian đầu, chúng tôi cảm thấy hơi bất tiện khi đưa bọn trẻ về thăm ông bà ngoại, bất tiện từ việc gửi xe, chờ cầu thang máy, không như trước chỉ cần phóng xe vào tận cửa nhà. Nhưng rồi dường như khi người ta buộc phải thích nghi thì mọi thứ trở nên đơn giản, dễ dàng. Đúng là bố mẹ vợ tôi có tư duy “hiện đại” chẳng thua kém lớp trẻ hiện nay. Bằng chứng là trong khu chung cư nơi ông bà chuyển đến chiếm đến hơn 90% là người trẻ.

Cái mô hình ở nhà chung cư sau khi kết hôn dường như là mong muốn, là khát vọng của rất nhiều cặp vợ chồng trẻ trong bối cảnh hiện nay. Cũng thật dễ hiểu, so với mua đất, xây nhà thì việc sở hữu một căn hộ chung cư giá thấp hơn nhiều, tính bình quân trong thời điểm này chỉ chiếm phân nửa, thậm chí thấp hơn. Bên cạnh đó, cuộc sống công nghiệp cũng đặt ra các yêu cầu ăn, mặc, ở phù hợp với điều kiện và bối cảnh, và không gì tỏ ra thích hợp hơn căn hộ chung cư. Không gian sinh sống vừa phải, gọn ghẽ phù hợp với “mô hình” gia đình 4 người nên căn hộ chung cư là niềm mơ ước của nhiều vợ chồng trẻ.

Kể từ khi ông bà nhạc ổn định nơi ở mới, tôi đã nhiều lần tự hỏi, khu chung cư nào ở Vinh được xây dựng đầu tiên sau khu chung cư Quang Trung (1974)? Đó chính là chung cư Đội Cung (phường Đội Cung) và Nam Nguyễn Sỹ Sách (phường Hưng Dũng).

Những hộ dân tại 2 chung cư này được chuyển đến từ nhà C1 - khu chung cư Quang Trung sau khi phải phá bỏ do xuống cấp, và cũng tại đây đã hình thành 2 tòa chung cư khác có 17 tầng thuộc Công ty Tecco. Có thể nói sau năm 2000, 2 khu chung cư Tecco trên đường Quang Trung được xem là “nóc nhà” của Vinh. Người ta đã trầm trồ thậm chí hơi hoang mang mỗi lần đi qua và ngửa cổ nhìn những căn phòng cao tít mít ấy.

So với khu chung cư Đội Cung hay Nam Nguyễn Sỹ Sách được xây dựng theo mô hình nhà ở xã hội thì chung cư Tecco đã mang dáng dấp công nghiệp, hiện đại. Thuở ấy, lần đầu tiên những kẻ quê kiểng như tôi biết đến thang máy, thoắt một cái đã có mặt trên tầng thượng tòa nhà gần 20 tầng, vừa hãi, vừa thích. Xu thế phát triển không khác được. Thành phố Vinh đang từng bước hiện thực hóa, cụ thể hóa mục tiêu trung tâm kinh tế - văn hóa của khu vực Bắc miền Trung nên việc có sự hội tụ của tất cả các lĩnh vực như: thương mại, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, vốn, tài chính… nên sự gia tăng dân số cơ học tại đô thị có diện tích hơn 100 km2 này là điều đương nhiên.

Để giải quyết vấn đề về chỗ ở trong điều kiện diện tích đất đai thành phố ngày càng thu hẹp, hàng loạt khu chung cư ra đời. Đến thời điểm này ở Vinh có khoảng 60 khu chung cư đã đi vào hoạt động, hơn 100 dự án xây dựng các khu chung cư khác cũng đã hình thành và đang được triển khai.

Nơi ở mới đã tạo nên một nếp sống mới, cá nhân tôi vẫn cho rằng đó là “văn hóa chung cư”. Nói đơn giản như bố vợ tôi thì “văn hóa chung cư” là sử dụng thang máy cũng cần phải kiên nhẫn và biết nhường nhịn. Mỗi tầng chung cư thường được các hộ dân thống nhất liên kết thành một tổ, cụm liên gia.

Bố mẹ vợ tôi quả là những người nhìn xa trông rộng, khu nhà nơi ông bà đang ở mọi người rất đoàn kết, gắn bó. Từ việc vui, việc buồn của những hộ dân xung quanh mọi người đều chung tay, góp sức hỗ trợ, gánh vác. Căn nhà của ông bà gần như trở thành nhà trông trẻ.

Các hộ hàng xóm mỗi khi có việc đột xuất đều sang gửi con bên nhà bố mẹ vợ tôi. Với 2 ông bà già thì đó dường như là niềm vui khi con cháu chẳng mấy khi về chơi được. Rồi có miếng ngon, miếng ngọt 2 cụ đều mang sang chia sẻ với hàng xóm. Các ngày lễ như: Tết Thiếu nhi, Trung thu, Tết Nguyên đán… tổ liên gia đều tổ chức các hoạt động vui chơi, tặng quà cho lũ trẻ, kinh phí cũng từ nguồn đóng góp của các hộ. Các con tôi cũng nhiều lần được chia quà từ mối đoàn kết thâm tình của ông bà ngoại và những gia đình hàng xóm của mình.

Không gian các căn hộ chung cư rất thích hợp cho các gia đình trẻ trong nhịp sống công nghiệp. Ảnh: Thùy Vinh
Không gian các căn hộ chung cư rất thích hợp cho các gia đình trẻ trong nhịp sống công nghiệp. Ảnh: Thùy Vinh

Nhưng có một thực tế khác mà các hộ dân sống chung cư có muốn cũng không thể thay đổi được. Đó là sự thỏa mãn các điều kiện khác ngoài nhu cầu ở. Khi mở bán căn hộ cho khách hàng, theo thiết kế hầu như khu chung cư nào cũng có không gian xanh và công trình phụ trợ, gồm khu vui chơi, thương mại, trường học mầm non, bãi đỗ xe… nhưng thực tế chẳng có công trình nào đáp ứng được yêu cầu này. Thậm chí, nhiều tòa nhà trở thành món mồi béo bở cho lũ trộm cắp hoạt động.

Cách đây không lâu, cô bạn làm trong ngành công an gọi tôi ta thán: “Ông về đây viết cho tôi một bài, bức xúc lắm rồi”. Bình tĩnh lại, qua điện thoại cô bạn kể, cả ngày hôm ấy tòa chung cư nơi gia đình cô ở bị mất điện lưới và đó không phải là lần đầu tiên xảy ra sự cố này. Tuy nhiên điều đáng nói theo như lời kể của cô bạn chính là tại đây không có máy phát điện dự phòng. Thành ra ai muốn lên xuống đành bò thang bộ. “Tầng 10 có chị đang mang bầu, mỗi lần mất điện đành “án binh bất động” không dám leo lên hay tụt xuống” - cô bạn ấm ức kể. Đen đủi hơn cho cô bạn tôi, ấy là nhà cô ở sát tầng thượng, mỗi khi mưa to các thành viên trong gia đình phân công nhau che bạt, hứng dột, thế mà khi mới mua cứ nghĩ ở cao cho thông thoáng.

Đó chỉ là một vài sự cố liên quan đến nhà ở chung cư, còn nhìn chung cho đến lúc này, phần lớn cư dân sống ở các khu chung cư đều tỏ ra hài lòng về “chỗ ở trên cao” của mình. Có điều, việc quy hoạch quá dày đặc các tòa nhà chung cư trong nội thành Vinh dễ gây ra sự quá tải cho hạ tầng đô thị. Đi đâu ở Vinh người ta cũng bắt gặp các công trình nhà ở chung cư đang hối hả mọc lên. Dường như đang có một Vinh rất khác đang hình thành - Vinh của những tòa nhà cao tầng và nếp sống của những cụm dân cư mới.

Quốc Sơn

TIN LIÊN QUAN