Tâm thư gửi các bố mẹ hoang mang vì con không làm được bài thi học kỳ
(Baonghean.vn) - Chỉ một kỳ thi học kỳ của tiểu học đã khiến các em phản ứng mạnh như vậy, tiêu cực như vậy. Có phải chúng ta đang giáo dục ra một thế hệ quá yếu đuối không?
Hôm qua tôi đọc được cái gọi là “tâm thư của một học sinh lớp 5” gửi đến ngành Giáo dục Thành phố, trong đó nêu tâm tư về kỳ thi học kỳ “khó nhất vịnh Bắc Bộ” gây bão cộng đồng mạng mấy ngày qua. Bức tâm thư đó khiến tôi hết sức buồn lòng và muốn hỏi các bậc làm cha làm mẹ một vài điều.
Khi các vị học lớp 5, các vị đang làm gì?
Khi học lớp 5, tôi đang mải mê chơi điện tử và đọc truyện tranh. Tôi không bao giờ quên cảm giác hạnh phúc khi tiết kiệm đủ tiền ăn sáng để mua một cuốn truyện mới ra cũng như sự thống khổ khi bị cô giáo tịch thu vì mang truyện đến lớp. Tôi thậm chí còn khóc hết nước mắt.
Nghĩ lại tôi của thời lớp 5 - khóc vì bị tịch thu truyện tranh và những đứa trẻ của thời đại bây giờ - thậm chí còn khóc nhiều hơn vì không giải được trọn vẹn đề thi học kỳ, tôi nghĩ có ai đó cần phải xấu hổ ở đây.
"Khi các vị học lớp 5, các vị đang làm gì?". Ảnh: Internet |
Liệu người đó có phải là tôi - hồi học lớp 5 - vì tôi ham chơi như mọi đứa trẻ khác cùng trang lứa hồi đó. Mà tôi cũng xin khẳng định luôn là rất nhiều trẻ em trên thế giới bây giờ vẫn ham chơi y như vậy ở tuổi lên 10. Đó là điều hết sức bình thường.
Liệu người cần cảm thấy xấu hổ ở đây có phải là những đứa trẻ kia - chỉ vì chúng không làm được điều mà mọi đứa trẻ khác cùng trang lứa không làm được. Nếu học sinh lớp 5 có thể dễ dàng giải được một đề toán có độ khó tương đương với kiến thức lớp 6 thì có lẽ ngành giáo dục nên xem xét lại và bỏ luôn lớp 6 đi cho đỡ mất thời gian.
Không, tôi hồi 10 tuổi và những đứa trẻ 10 tuổi kia chẳng việc gì phải xấu hổ cả. Người nên cảm thấy xấu hổ là các bậc phụ huynh.
Các phụ huynh Việt Nam khi gặp nhau hay có câu cửa miệng “Cháu nhà anh/chị học giỏi không?”. Bản thân tôi cho rằng câu này vô duyên ngang ngửa câu “Có người yêu chưa?”, “Lấy chồng/vợ chưa?”, “Có bầu chưa?” mà người lớn hay hỏi nhau.
Thậm chí hơn cả vô duyên, tôi cho đó là những câu hỏi thiếu văn hoá, vì nó mang mầm mống của những định kiến xã hội hẹp hòi, cổ hủ. Bằng những câu hỏi đó, người ta đóng khung một cá thể vào những phẩm chất, đặc điểm được cho là chuẩn mực của xã hội.
Trẻ nhỏ thì phải bụ bẫm, nếu không thì bố mẹ sẽ mang tiếng là không biết chăm con. Lớn lên tí nữa đi học rồi thì phải học giỏi, học không giỏi thì bố mẹ ra đường không dám khoe con vì xấu hổ.
Đến tuổi thanh niên thì phải có người yêu, không có người yêu thì bị dè bỉu là “ế”. Nhiều tuổi rồi thì phải lập gia đình, không lập gia đình tức là “người lập dị”. Có gia đình rồi thì phải sớm sinh con, không sinh con tức là “yếu kém về sinh lý”, “bất hiếu với cha mẹ”.
Hỡi ôi, sao mà người Việt Nam khổ thế? Cả một đời từ bé đến lớn lúc nào cũng phải chạy theo yêu cầu, chuẩn mực của người đời, lúc nào cũng sợ định kiến, phán xét của xã hội. Mà những chuẩn mực ấy, định kiến ấy chắc gì đã đúng?
"Lớn lên tí nữa đi học rồi thì phải học giỏi, học không giỏi thì bố mẹ ra đường không dám khoe con vì xấu hổ". Ảnh: Internet |
Cũng như việc học sinh không làm được một bài kiểm tra ở trường sẽ bị đóng khung ngay là học sinh yếu kém, nói như câu cửa miệng của các thầy cô và bố mẹ thì là “Học hành thế này lớn lên chỉ có đi cày thôi con ạ”. Tôi thấy ngạc nhiên là nhiều cầu thủ bóng đá nổi tiếng, nhiều ca sỹ, hoạ sỹ tài năng hồi còn đi học điểm số không mấy sáng sủa nhưng rồi vẫn cứ thành công. Mà không nhất thiết phải đi cày.
Vấn đề của kỳ thi học kỳ “khó nhất vịnh Bắc Bộ” kia không nằm ở chỗ nó khó. Vấn đề nằm ở cách mà các em học sinh tiếp nhận và phản ứng với nó. Có em khóc ngay từ khi bước chân ra khỏi phòng thi. Có em chán chường, hoang mang mà theo như lời bố mẹ thì “gần như tự kỷ”. Có em tuyệt vọng viết tâm thư “Từ nay mọi hy vọng của tôi đã hết”.
Vấn đề ở đây là: Chỉ một kỳ thi học kỳ của tiểu học đã khiến các em phản ứng mạnh như vậy, tiêu cực như vậy. Có phải chúng ta đang giáo dục ra một thế hệ quá yếu đuối không?
Sau này khi các em thực sự vào đời, khi các em phải bước trên chính đôi chân của mình, còn có vô vàn khó khăn đang chờ đợi. Nếu mới gặp một hòn đá nhỏ mà các em đã than khóc, tuyệt vọng thì sau này các em sẽ làm thế nào khi gặp núi lớn, sông sâu?
Tôi lấy ví dụ cách ra đề thi của ngành giáo dục Pháp: đề thi các môn khoa học của họ bao giờ cũng có một câu hỏi cuối cùng mà các thầy cô nói thẳng với học sinh rằng “Tôi không hy vọng là các em làm được”. Dưới đề thi có câu ghi chú: Học sinh được khuyến khích ghi lại mọi dấu vết tư duy của mình. Đôi khi điều đó có nghĩa là học sinh sẽ nộp luôn cả tờ giấy nháp.
Bằng cách đó, họ vừa dạy cho trẻ em quen với việc gặp khó khăn, chấp nhận thất bại nhưng đồng thời cũng dạy chúng cách không từ bỏ mà cố gắng tìm ra một giải pháp khả dĩ nhất trong hoàn cảnh đó.
Năm nay Thành phố Vinh không có học sinh lớp 5 nào được điểm 10 môn toán trong kỳ thi học kỳ. Có người nhận xét “không có điểm 10 nào là chuyện rất bất thường”. Tôi thì cho rằng, tâm lý đòi hỏi con lúc nào cũng phải được điểm 9, điểm 10 của các bố mẹ mới là điều bất thường.
"Tâm lý đòi hỏi con lúc nào cũng phải được điểm 9, điểm 10 của các bố mẹ mới là điều bất thường". Ảnh: Facebook |
Đôi khi để đạt được điểm số lý tưởng đó, đứa trẻ bị nhồi nhét kiến thức và phải gồng lên quá với khả năng thực của mình. Những điểm số “ảo” kiểu này hết sức nguy hiểm. Các vị cứ tưởng tượng cái bóng đèn các vị dùng có ghi một thông số hoạt động trong điều kiện bình thường và một thông số hoạt động ở mức tối đa.
Nếu bắt cái bóng đèn luôn phải hoạt động trong điều kiện thứ hai thì rất sớm thôi, nó sẽ bị quá tải và hư hỏng. Đặt vào vị trí của các vị, các vị muốn dùng cái bóng đèn theo đúng định mức để nó hoạt động bình thường, hay muốn dùng theo kiểu “phá hoại”?
Một phụ huynh tôi quen có con mắc chứng tự kỷ cho hay: “Con tôi đi thi bài nào làm được thì làm, không làm được thì thôi. Hết giờ lên nộp bài rồi đi về. Ra khỏi phòng là quên luôn về bài thi, chỉ nghĩ đến chuyện nghỉ hè”.
Trong câu chuyện này, tôi thấy chính đứa bé tự kỷ đó lại có phản ứng bình thường nhất, đúng với lứa tuổi của nó nhất và cũng đúng với mức độ quan trọng của kỳ thi.
Còn những đứa trẻ “bình thường” khác, lại phản ứng và cư xử thái quá như thể chính chúng mới là trẻ tự kỷ. Điều đó không đáng buồn và đáng cho các vị phụ huynh suy ngẫm hay sao?
Minh Nhật
TIN LIÊN QUAN |
---|