Cơ hội 'vàng' cho lao động tay nghề cao

10/03/2017 12:15

(Baonghean) - Đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài, giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025” đang được Bộ LĐ-TB&XH xây dựng dự thảo. Tại Nghệ An, đề án cũng mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên hiện đã và đang học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.

Nhiều quyền lợi cho lao động tay nghề cao

Anh Nguyễn Văn Ngọc ở phường Lê Mao, TP. Vinh, tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông Vận tải năm 2008. Sau hơn 5 năm lăn lộn qua nhiều công ty ở Hà Nội và Nghệ An, đầu năm 2016, Ngọc quyết định đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Thời gian mới sang, anh chỉ được trả lương với mức lương của lao động phổ thông.

Tuy vậy, sau khi biết Ngọc đã tốt nghiệp một đại học có tiếng ở trong nước và có kinh nghiệm làm việc lâu năm, chủ doanh nghiệp đã tin tưởng cử anh làm tổ trưởng. Hiện tại, mức lương trung bình của Ngọc là 1.500 USD, tương đương với người đã làm việc 5 năm.

Dịp Tết cổ truyền dân tộc năm 2017, Ngọc được doanh nghiệp tạo điều kiện về nghỉ phép. Nói về công việc của mình ở nước ngoài, Ngọc tâm sự: “Đa phần lao động đi xuất khẩu đều nghĩ đã là lao động phổ thông thì như nhau. Tuy nhiên, nếu được đào tạo, có tay nghề, có vốn ngoại ngữ khá thì cơ hội nghề nghiệp sẽ tốt hơn và lương cũng được trả cao hơn”.

Giờ học của sinh viên ngành Công nghệ ô tô Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng.
Giờ học của sinh viên ngành Công nghệ ô tô Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng. Ảnh: Mỹ Hà

Tại Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng, hiện nhà trường đang đồng thời mở nhiều lớp dạy ngoại ngữ tiếng Hàn và tiếng Nhật cho những học viên đang theo học các ngành kỹ thuật của trường. Trần Viết Anh - học sinh Khoa Điện lạnh cho biết: “Nguyện vọng lớn nhất của em sau khi tốt nghiệp là được sang nước ngoài làm việc để có thu nhập ổn định và nâng cao trình độ. Vì vậy, dù mới học năm thứ nhất nhưng em vẫn đăng ký học ngoại ngữ để tìm kiếm cơ hội cho mình”.

Chủ trương đưa lao động qua đào tạo đi xuất khẩu lao động đã được Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng triển khai khoảng 5 năm trở lại đây. Mặc dù vậy, sau một thời gian khá dài chuẩn bị, hiện tại số lao động đi làm việc được ở nước ngoài mỗi năm vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trường hợp thành công nhất lại là 5 giảng viên, từng có nhiều năm công tác tại trường và hiện đang làm việc tại Hàn Quốc với mức lương khá cao, thu nhập ổn định và còn đưa được vợ con sang nước ngoài sinh sống.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Lao động có kỹ thuật sang nước ngoài làm việc có rất nhiều lợi thế, đó là được trả lương ngang với lao động nước sở tại, sau 3 năm định cư được đưa người thân sang, được cấp visa không thời hạn... Tuy nhiên, muốn để đi theo diện này khá khó khăn, đòi hỏi người lao động phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe về trình độ tay nghề, ngoại ngữ và nhiều tiêu chuẩn đạo đức khác.

Giờ học của sinh viên Trường Đại học Sư phạm y thuật Vinh
Giờ học của sinh viên Trường Đại học Sư phạm y thuật Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Thực tế, thời gian qua, Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng, số sinh viên được sang nước ngoài làm việc chủ yếu là sinh viên đã tốt nghiệp các trường đại học khác trong nước, sau đó, được các doanh nghiệp gửi đào tạo thêm chuyên sâu về kỹ thuật theo chương trình hợp tác đào tạo... Còn lại, với những em vừa tốt nghiệp các trường nghề, cơ hội còn rất hiếm hoi”.

Đón đầu cơ hội “vàng”

Đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài, giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025 đang được Bộ LĐ-TB&XH xây dựng dự thảo. Theo ông Đặng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, nếu đề án được triển khai thì đây thực sự là cơ hội “vàng” cho lao động Nghệ An hiện nay, kể cả những sinh viên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Điều đó, cũng sẽ hạn chế được tình trạng cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp tràn lan và tạo cơ hội cho các trường tìm kiếm được đầu ra có chất lượng.

“Đón đầu” chủ trương này, gần đây các trường đại học, cao đẳng, các trường trung cấp chuyên nghiệp và các công ty xuất khẩu, cung ứng xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh cũng đã bắt đầu tìm kiếm nhân lực, đối tác. Tại Trường Đại học Y khoa Vinh, ông Nguyễn Cảnh Phú - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Sau khi thông tin các nước Châu Âu và Nhật Bản cần rất nhiều hộ lý, điều dưỡng viên thì nhà trường đã nhận được rất nhiều đề nghị của các công ty chuyên làm về xuất khẩu lao động đề nghị xin được hợp tác.

Quan điểm của lãnh đạo nhà trường là nếu việc hợp tác có hiệu quả thì sẽ mở ra rất nhiều hy vọng cho sinh viên của trường y và đây cũng là cơ hội để các em mở mang kiến thức, nâng cao tay nghề. Ở Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, hiện cũng đang tiếp tục ký kết chương trình trao đổi sinh viên với nhiều trường đại học, cao đẳng của Hàn Quốc, Nhật Bản để đáp ứng nguyện vọng học tập và tìm việc làm của sinh viên theo diện VISA kỹ sư”.

Một lớp học Tiếng Hàn ở Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng
Một lớp học Tiếng Hàn ở Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng. Ảnh: Mỹ Hà

Tuy vậy, phải thấy rằng để triển khai chương trình hiệu quả, cần có chiến lược dài hạn để đào tạo nhân lực nhằm nâng cao trình độ tay nghề và các kỹ năng ngoại ngữ, hiểu biết xã hội, văn hóa bản xứ, tác phong công nghiệp.

Theo dõi mảng hợp tác lao động, ông Lê Thái Sơn - Trưởng Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh cho biết: “Mặc dù sinh viên đã tốt nghiệp đại học nhưng nếu đi làm việc theo chương trình lao động kỹ thuật cao vẫn rất khó khăn bởi yêu cầu của nước ngoài rất cao, đặc biệt là ý thức kỷ luật lao động. Trong khi đó, sinh viên của ta nhiều em vẫn chưa chịu khó rèn luyện, còn học hành qua loa, không chú trọng nâng cao trình độ, kỹ năng về ngoại ngữ còn kém”.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, mỗi năm Nghệ An có gần 13.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Những năm trước, lao động phổ thông đi các nước như Malaysia, Đài Loan và các nước Trung Đông chiếm đa số. Riêng trong năm 2016, lao động có trình độ đi làm việc ở Nhật Bản tăng đột biến với 2.244 người (tăng gần 1.500 người so với năm 2015). Kết quả này cũng cho thấy, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng cơ hội mở ra cho lao động Nghệ An đến những thị trường lao động khó tính ngày càng nhiều.

Thậm chí, nếu cố gắng, tỉnh ta có thể đạt được chỉ tiêu đưa tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi xuất khẩu lao động lên 40% trong năm 2017, bởi chúng ta có đủ nguồn lực. Điều quan trọng bây giờ là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới trong công tác đào tạo, có thêm nhiều cơ chế khuyến khích, vay vốn và tư vấn để hỗ trợ người lao động trong quá trình tìm kiếm cơ hội việc làm thu nhập cao tại nước ngoài.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN