Kỳ vọng của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Nghệ An

24/05/2017 17:49

(Baonghean.vn) - Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đưa vào chương trình nghị sự về Dự án Luật hỗ trợ DNNVV. Báo Nghệ An ghi nhận một số ý kiến của doanh nghiệp, đại diện Hội DNNVV, Đảng ủy khối doanh nghiệp Nghệ An về vấn đề này.

Sản xuất tại Công ty TNHH MLB TENERGY- Yên Thành. Ảnh: Thu Huyền
Sản xuất tại Công ty TNHH MLB TENERGY- Yên Thành. Ảnh: Thu Huyền

*Ông Phan Thanh Miễn – Chủ tịch Hội DNNVV Nghệ An: Khi có dấu hiệu mới thanh tra

Hiện nay Nghệ An có khoảng 15.000 doanh nghiệp được đăng ký, trong đó có 10.000 doanh nghiệp hoạt động, và 97% trong số này là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Nhiều doanh nghiệp mới thành lập không có kinh nghiệm nên hoạt động thiếu tính bền vững.

Ông Phan Thanh Miện.
Ông Phan Thanh Miện.

Vì thế, Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần hỗ trợ nâng cao nhận thức, kỹ năng quản lý, sản xuất cho doanh nghiệp, tổ chức các lớp tập huấn để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của doanh nghiệp phát triển. Đây là giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển bền vững bằng “cần câu” thay vì “con cá”.

Thực tế cho thấy, hầu hết doanh nghiệp không có địa điểm để làm văn phòng và thường lấy nhà riêng để làm địa chỉ giao dịch, mang tính chất của kinh tế hộ. Vì thế, theo tôi cần có cơ chế xây dựng chung cơ để làm văn phòng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đặc biệt hiện nay công tác thanh tra, kiểm tra rất phức tạp, các bộ ngành, địa phương chủ yếu thanh tra, xử phạt mà thiếu công tác kiểm tra, nhắc nhở, hỗ trợ doanh nghiệp. Để tránh chồng chéo, giảm phiền hà cho doanh nghiệp, Luật cần quy định rõ hơn về vấn đề này, khi có dấu hiệu mới thanh tra.

Một vấn đề nữa là hiện nay tồn tại quá nhiều hội mà chức năng nhiệm vụ trùng nhau, gây chồng chéo, bất cập trong quản lý, không hỗ trợ được nhiều cho doanh nghiệp. Theo tôi cần sáp nhập lại để nhà nước quản lý, và phát triển thêm các hội ngành nghề để hỗ trợ cho doanh nghiệp hiệu quả hơn, ví như hội thuỷ sản, hội khoáng sản, nông nghiệp…

Việt Phương (ghi)


* Ông Lê Thái – Giám đốc Công ty TNHH XURI Việt Trung: Cần tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp chế biến hải sản

Ông Lê Thái.
Ông Lê Thái.

Lâu nay mặc dù Chính phủ, nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ DNNVV trong lĩnh vực chế biến hải sản, nhưng thực tế doanh nghiệp đang tự cứu mình là chính.

Trong điều kiện khó khăn chung, đặc biệt với lĩnh vực chế biến hải sản, để DNNVV nhỏ phát triển bền vững, Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích cụ thể, phù hợp hơn, đặc biệt là tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất hợp lý để thu mua hải sản, giúp bà con ngư dân ổn định nghề đánh bắt hải sản.

Doanh nghiệp mong muốn nhà nước nâng cấp, mở rộng các cảng cá trên địa bàn tỉnh Nghệ An để thu hút các tàu cá từ các tỉnh khác vào neo đậu, tiêu thụ hải sản, tạo thêm nguồn nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp hoạt động.

Để các doanh nghiệp chế biến hải sản thuận lợi hơn trong quá trình hoạt động, nhà nước cũng cần tạo mọi điều kiện về đất đai, hạ tầng giao thông và các điều kiện thiết yếu khác.

Xuân Hoàng (ghi)


* Bà Phan Thị Hoan- Phó Bí thư thường trực Đảng ủy khối doanh nghiệp Nghệ An: Luật phải trở thành động lực tích cực cho doanh nghiệp phát triển

Bà Phan Thị Hoan.
Bà Phan Thị Hoan.

Các doanh nghiệp Nghệ An chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn vốn ít, quy mô doanh nghiệp nhỏ, thiết bị, công nghệ lạc hậu, chậm đổi mới, năng lực cạnh tranh thấp vì vậy gặp rất nhiều khó khăn trong SXKD.

Vì vậy Quốc hội thảo luận và ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm khơi dậy nguồn lực đầu tư trong các doanh nghiệp, tạo dựng môi trường chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời đáp ứng mong muốn sự đối xử công bằng giữa doanh nghiệp nhỏ - doanh nghiệp lớn, có sự bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, giảm thiểu chi phí không chính thức, ưu tiên cho DN khởi nghiệp, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, thực hiện đồng bộ cải cách hành chính...

Việc Quốc hội ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV là một trong những nội dung cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

DNNVV ở Nghệ An đa số là doanh nghiệp tư nhân, vì vậy để phát huy tốt vai trò của các kinh tế tư nhân đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, trước hết cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tạo sự đồng thuận để khuyến khích, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển.

Cần hoàn thiện và công khai minh bạch cơ chế, chính sách thu hút đầu tư để các doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh với doanh nghiệp nhà nước trong việc tiếp cận nguồn lực. Có chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu, phát triển các ứng dụng công nghệ tiên tiến vào SXKD, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Đặc biệt coi trọng nâng cao chất, lượng về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính nhằm tạo cơ hội để doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động, thực hiện ngân sách Nhà nước, tham gia các hoạt động góp phần đảm bảo an sinh trên địa bàn.

Nguyên Nguyên (ghi)


* Ông Nguyễn Văn Nam - Giám đốc Công ty CP tư vấn xây dựng và khai thác khoáng sản Đại Nam: Cần đưa quy chuẩn gạch không nung vào đơn giá nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Nam
Ông Nguyễn Văn Nam

Trong quá trình xây dựng nhà máy doanh nghiệp đã chủ động được nguồn vốn. Tuy nhiên đang còn gặp khó khăn về đầu ra của sản phẩm. Sử dụng vật liệu gạch xây không nung thay thế gạch nung truyền thống là xu thế hiện đại và tất yếu trong ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trên thế giới nói chung.

Tại Việt Nam, chủ trương và lộ trình sử dụng gạch không nung thay thế gạch nung trong các công trình xây dựng đã được phê duyệt. Vì vậy đối với các công trình xây dựng, cần có chính sách khuyến khích chủ đầu tư sử dụng gạch xây không nung.

Ngoài ra, cần tiến hành soát xét, hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật, các quy trình kỹ thuật, quy phạm, hướng dẫn thi công và các định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản xuất và sử dụng gạch xây không nung, tạo điều kiện cho các nhà tư vấn, thiết kế đưa gạch xây không nung vào công trình.

Bước đầu doanh nghiệp chúng tôi đã gửi hồ sơ về thông báo giá, công bố chất lượng của sản phẩm vật liệu không nung cho Sở xây dựng, Sở tài chính để trình xin đưa vật liệu không nung vào đơn giá Nhà nước. Mong muốn được sớm đưa sản phẩm vào các công trình Nhà nước để tạo đầu ra cho sản phẩm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất vật liệu không nung.

Văn Trường (ghi)


» Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cần có trọng tâm, chọn lọc

» Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền: 'Cần bổ sung điều kiện bảo đảm môi trường khi hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ

TIN LIÊN QUAN