Tiêm kích tấn công điện tử Trung Quốc bị nghi sao chép từ Mỹ

02/05/2017 22:06

Phiên bản J-16D của Trung Quốc được trang bị các khối thiết bị tác chiến điện tử khá giống với tiêm kích EA-18G Growler do Mỹ sản xuất.

Tiêm kích J-16D trong quá trình bay thử

Tiêm kích tác chiến điện tử EA-18G Growler của hải quân Mỹ là một trong số ít máy bay có nhiệm vụ chế áp phòng không đối phương (SEAD) bằng cách gây nhiễu và phá hủy hệ thống radar dẫn đường. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng sở hữu một tiêm kích tấn công điện tử mạnh không kém, bị nghi sao chép từ Mỹ với các đặc điểm riêng của Trung Quốc, theo National Interest.

Đó là mẫu J-16D, biến thể của tiêm kích hai chỗ ngồi J-16. Chuyên gia quân sự Sebastien Roblin cho rằng J-16 là bản sao chép tiêm kích Su-30MKK nhập khẩu từ Nga, có uy lực tương đương với tiêm kích F-15E Mỹ. Nó được trang bị hệ thống điện tử mới gồm radar mảng pha điện tử chủ động (AESA) hiện đại. Dù gặp trở ngại lớn trong chế tạo động cơ phản lực đáng tin cậy, Trung Quốc đã rất thành công trong chế tạo hệ thống điện tử tối tân.

Biến thể J-16D cất cánh lần đầu ngày 18/12/2015. Các bức ảnh được công bố cho thấy pháo 30 mm và hệ thống cảm biến hồng ngoại (IRST) đã bị tháo bỏ, chứng tỏ nó không được chế tạo để không chiến tầm gần. Thay vào đó, J-16D được trang bị hàng loạt ăng ten và khối thiết bị tác chiến điện tử dọc thân. Phần mũi được rút ngắn và thiết kế lại để chứa radar AESA.

Đáng chú ý, các khối thiết bị (pod) tác chiến điện tử gắn trên cánh J-16D khá giống pod AN/ALQ-218 trên EA-18G Growler. Đây là cảm biến điện từ có thể phân tích tần số và định vị thiết bị phát tín hiệu radar, từ đó gây nhiễu và khóa mục tiêu. Nhiều khả năng khung thân J-16D được tối ưu cho tên lửa diệt radar, cũng như mang được 2-3 pod gây nhiễu dưới cánh và thân. Mỗi pod dùng đối phó một dải tần số radar khác nhau, cũng như ứng dụng công nghệ AESA.

EA-18G Mỹ bị cho là bản mẫu sao chép của J-16D Trung Quốc

Khi mang toàn bộ khí tài tác chiến điện tử, J-16D vẫn còn 6 giá treo vũ khí. Trung Quốc đang sở hữu ba loại tên lửa diệt radar (ARM) khác nhau có thể gắn lên tiêm kích này. Tên lửa CM-103 chứa đầu đạn nặng 80 kg, tầm bắn gần 100 km và có thể đánh trúng các mục tiêu trên mặt đất và trên biển.

Bắc Kinh tự phát triển biến thể YJ-91 sao chép tên lửa Kh-31P của Nga, với tầm bắn xa hơn và tăng cường khả năng diệt hạm. Cuối cùng là mẫu LD-10, phát triển từ tên lửa phòng không PL-12. J-16D cũng có thể mang theo hầu hết vũ khí cơ bản như tên lửa đối không PL-9 và PL-12.

Chuyên gia Jeffrey Lin và P.W. Singer đánh giá J-16 D có nhiệm vụ bảo vệ oanh tạc cơ và tiêm kích trong các chiến dịch đường không. Trong đó, J-16D sẽ sử dụng bộ gây nhiễu để vô hiệu hóa hỏa lực phòng không, trước khi phóng tên lửa diệt radar, loại khỏi vòng chiến các hệ thống phòng không di động và cố định của đối phương. Được thiết kế trên nền tảng tiêm kích, nó vẫn có thể tự phòng thủ và bảo vệ các máy bay khác trước chiến đấu cơ đối phương.

tiem-kich-tan-cong-dien-tu-trung-quoc-bi-nghi-sao-chep-tu-my

Những đặc điểm riêng biệt của tiêm kích J-16D. Ảnh: Popsci.

Ngoài J-16D, Trung Quốc đang vận hành tiêm kích bom tự thiết kế JH-7, có khả năng tác chiến điện tử, với số lượng khoảng 240 chiếc. Cả JH-7 và bản nâng cấp JH-7A đều trang bị pod gây nhiễu nhằm vào nhiều mục tiêu khác nhau. Tuy nhiên, mẫu máy bay này không được tích hợp trang bị tác chiến điện tử trên khung thân, khiến khả năng của nó bị hạn chế đi nhiều.

Trung Quốc cũng sở hữu một phi đội máy bay cỡ lớn có khả năng hỗ trợ gây nhiễu từ xa, gồm 24 vận tải cơ Y-8GX và Y-9GX và máy bay tác chiến điện tử HD-6 dựa trên oanh tạc cơ H-6.

Sự xuất hiện của J-16D cho thấy Trung Quốc ngày càng quan tâm đến những máy bay thiết kế đặc biệt, giúp họ sở hữu đầy đủ tính năng không chiến giống quân đội Mỹ, chuyên gia Sebastien nhận định.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN