Cảm nhận khi xem Vlog: 'Cẩn thận, SLNA đang 'chết'

20/04/2017 18:01

(Baonghean.vn) - Những ngày qua, nhiều fan xứ Nghệ khá quan tâm Vlog: “Cẩn thận, SLNA đang “chết”" của nhà báo thể thao Minh Hải. Không phải người xứ Nghệ không biết điều đó, thực tế từ cuối mùa giải năm ngoái, sân Vinh đã “mất lửa”. Nhưng khi nghe phân tích, tổng hợp của nhà báo này, không ít người hâm mộ xứ Nghệ vẫn cứ ngậm ngùi.

Thực ra, điều nhà báo Minh Hải nói ra không hề mới. Tháng 2/2017, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh khi đến thăm và làm việc đã nhấn mạnh: “SLNA không nên mãi tự hào về quá khứ. Phải tiếp tục duy trì hệ thống đào tạo trẻ, bởi đây là nguồn nhân lực chủ yếu của CLB”. Quá chính xác, đã 4-5 năm nay dù muốn thì SLNA cũng chả có gì để mà “tự hào”…một sự thật phũ phàng.

Nhân và quả

Nhìn những trận đấu của SLNA trên sân Vinh chỉ lèo tèo độ 1.000 khán giả, tôi lại nhớ cách đây 2 năm khi ông Giám đốc điều hành Hồ Văn Chiêm ước ao “tôi mong muốn sân Vinh chứa được 10 vạn người” mà thấy tiếc.

Làm thế nào để khán giả đến sân vẫn là câu hỏi lớn cho BLĐ CLB SLNA. Ảnh: DN
Làm thế nào để khán giả đến sân vẫn là câu hỏi lớn cho BLĐ CLB SLNA. Ảnh: DN

Là vùng đất nghèo, chịu nhiều thiên tai nên người xứ Nghệ vẫn bảo nhau “Được mùa chớ phụ ngô khoai/Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng”. Câu nói đó ứng với SLNA, đến giờ CLB ký hàng loạt giấy mời miễn phí cho sinh viên các trường trong thành phố mà cùng lắm chỉ đạt 20% số chỗ.

Đã từ rất lâu rồi, “chảo lửa” sân Thống Nhất cũng nguội lạnh khi trận đấu mới quá nửa hiệp 2…Từ đội bóng có lực lượng cổ động viên đông đảo bậc nhất sân cỏ Việt Nam, giờ đây số khán giả đến sân đã tụt xuống thứ 8/14 và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Có lẽ chính ông Hồ Văn Chiêm, Giám đốc điều hành cũng không ngờ có lúc mình đã phát biểu ví von “ở một mảnh đất, lòng người đối với bóng đá như bữa cơm bình thường…” mà rồi đến lúc cổ động viên đã đồng loạt rủ nhau “bỏ cơm”. Phải chăng cơm có sạn, nên nuốt mãi không vào?

Tôi đồng ý với nhận định của nhà báo Minh Hải về 3 nguyên nhân làm khán giả quay lưng với bóng đá, với đội bóng quê hương. Đó chính là “nạn chảy máu nhân tài, ngoại binh ngày một kém, đào tạo trẻ không hiệu quả” nhưng lại không đồng tình với nhận định “cái nghèo là nguyên nhân của mọi nguyên nhân” và “SLNA là đội bóng nghèo nhất V-League”.

Nếu nhà báo Minh Hải có con số đầu tư kinh phí cho Đồng Tháp năm ngoái hay S.Khánh Hòa, XSKT.Cần Thơ và thậm chí B.Bình Dương năm nay thì có lẽ anh sẽ có nhận định khác.

Cái phanh

Tôi có cùng nhận định của nhà báo Minh Hải và nhiều cổ động viên xứ Nghệ, nếu không có “cái phanh” thì SLNA còn tụt dốc nữa chứ không chỉ dừng lại việc trắng tay ở các giải trẻ, đội 1 thường xuyên đứng đáy BXH. Đúng như Quốc Vượng đã tự hỏi không biết “hồn SLNA mất đi đâu”, bởi ngoài 30 cầu thủ xứ Nghệ rời sân Vinh trong 6 năm qua, thì những cầu thủ còn lại đang “hồn Trương Ba, da hàng thịt”.

Có khoảng 30 cầu thủ SLNA đã rời sân Vinh trong 6 năm qua. Ảnh: DN
Có khoảng 30 cầu thủ SLNA đã rời sân Vinh trong 6 năm qua. Ảnh: DN

Câu chuyện trong quá khứ tiền đạo Công Vinh chấp nhận thua thiệt tiền lót tay, thậm chí cho SLNA nợ tiền lót tay vẫn không làm sao được tái ký hợp đồng. Đội trưởng Quang Tình mãi khi vào Cần Thơ vẫn tự hỏi: “Không hiểu sao có người không thích tôi ở lại?” trong khi SLNA đang rất cần một người dẫn dắt lối chơi.

Để rồi, sau này khi mất cả đống tiền mua ngoại binh vẫn không đạt hiệu quả, khán giả xứ Nghệ mãi nuối tiếc về những cầu thủ xứ Nghệ vì nhiều lý do phải ly hương. Khán giả xứ Nghệ đang tự hỏi: “Nếu không còn Phi Sơn, Nguyên Mạnh và Quế Ngọc Hải thì sẽ còn bao nhiêu khán giả đến sân?”. Nếu cứ mãi đá mà không có khán giả, liệu nhà tài trợ có còn muốn móc hầu bao ra nữa không?

Đúng là không đơn giản để ngay lập tức tìm ra được “cái phanh” để chặn đà tụt dốc của SLNA. Nhưng rõ ràng việc Công Vinh, cách đây 14 năm là chàng trai lần đầu được gọi lên thi đấu đội 1 SLNA để hôm nay, trở lại sân Vinh với tư cách ông bầu CLB TP HCM mà bộ máy CLB SLNA vẫn nguyên như cũ thì đúng là nhân sự quản trị đang là vấn đề lớn.

Khác với Quốc Vượng, tôi cùng quan điểm với Minh Hải, không chỉ vấn đề kinh tế, SLNA đang thiếu người đứng đầu biết làm bóng đá chuyên nghiệp. Làm quản lý bóng đá giờ đây không chỉ đơn thuần chỉ là những vấn đề chuyên môn sân cỏ.

Đúng như Quốc Vượng, bầu Thanh muốn làm bóng đá chuyên nghiệp nhưng những người cộng sự xung quanh đều không có tố chất để làm điều đó, thậm chí quá già nua so với đòi hỏi của thời cuộc. Nói chính xác hơn, họ chính là vật cản cho quá trình đổi mới của SLNA hiện tại và tương lai. Ai sẽ phải “hy sinh” vì sự phát triển của bóng đá xứ Nghệ?

N@T

TIN LIÊN QUAN