Nức danh vùng đất đẹp, giàu!

05/04/2017 14:49

(Baonghean)- Từ Làng Vạc với nhiều huyền tích cổ xưa đến Phố núi Thái Hòa nay, du khách bị hút hồn bởi dù vươn tới đô thị sầm uất vẫn sáng đẹp mạch nguồn lịch sử, nơi nơi đều mướt màu xanh.

Về miền hội ngộ

Ngược nguồn về thời gian cách đây chừng 2000 năm, mảnh đất Thái Hòa từng là nơi hội tụ, quần cư của người Việt trong buổi bình minh của lịch sử.

Đến thăm Đền Làng Vạc, ông Đặng Công Chất, vị thủ từ dẫn chúng tôi vãn cảnh đền và thăm khu trưng bày cổ vật. Gây ấn tượng đặc biệt là chiếc vạc đồng quai lớn, cùng nhiều cổ vật, trong đó có cả những tủ trưng bày cổ vật mà người dân rải rác tìm được trong vùng và cung tiến trong thời gian gần đây. Vậy là không chỉ 5 lần khai quật chính thức của các nhà khảo cổ (vào các năm 1972, 1973, 1980, 1990, 1991), và không chỉ dừng lại ở phát hiện được 347 ngôi mộ, thu được 1.228 hiện vật; mà cứ mỗi lần người dân đào đất dựng nhà, làm giếng… đều có thể chạm vào trầm tích văn hóa cổ xưa cất giữ trong lòng đất, và không ít lần vật thiêng đã chọn thời và chọn người để trao gửi (?).

Du khách thăm phòng trưng bày cổ vật tại Đền Làng Vạc
Du khách thăm phòng trưng bày cổ vật tại Đền Làng Vạc

Những hoa văn tinh xảo, các chất liệu và loại cổ vật, từ các công cụ, đến vũ khí, binh khí, vật dụng sinh hoạt, đồ trang sức… đã phản chiếu hào quang lấp lánh về một giai đoạn phát triển rực rỡ của nền văn hóa vật chất và tinh thần mà chủ nhân chính là người Việt cổ. Càng thấy tầm vóc, sự phong phú, đa dạng, giàu có của kho báu Làng Vạc lớn hơn chúng ta biết rất nhiều.

Cầu Hiếu nối hai bờ thị xã Thái Hòa. Ảnh: Trọng Sách
Cầu Hiếu nối hai bờ thị xã Thái Hòa. Ảnh: Trọng Sách

Cùng dạo trên triền đập Đại Vạn, ngắm nhìn vùng địa linh cẩm tú, anh Trần Anh Tuấn - cán bộ văn hóa thị xã giới thiệu cho chúng tôi truyền thuyết về chiếc vạc đồng để nấu cơm nuôi quân và khao mừng chiến công đuổi giặc giữ làng, giữ nước. Hiểu thêm địa danh này mang tên cổ vật có ý nghĩa biểu tượng cho tinh thần cố kết, đoàn kết và nuôi giữ lòng yêu nước của dân ta suốt trường kỳ lịch sử. Và, không chỉ khi làm đập Đại Vạn năm 1972 mới phát hiện cổ vật đầu tiên và chính thức được công nhận di chỉ khảo cổ Làng Vạc, mà kho báu cổ vật vùng này từ lâu đã đi vào tâm thức dân gian.

Buổi chiều Xuân muộn, chúng tôi vẫn gặp khá nhiều du khách đi lễ đền Làng Vạc, một số người làm lễ tẩy trần và đính đá quý lên linh tượng Vua Hùng. Trong số đó có ông Lê Tiến Khầm, vị cựu Chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thị xã Thái Hòa, một trong những người tham gia lễ đúc tượng Vua Hùng và rước anh linh đức Quốc Tổ từ đất Phú Thọ về với đền Làng Vạc vào năm 2010. Ông Khầm rưng rưng nói về cảm giác tự hào vui sướng khi biết UBND tỉnh đồng ý cho phép chuyển thời gian tổ chức Lễ hội đền Làng Vạc sang các ngày 9, 10, 11 tháng 3 âm lịch hàng năm kể từ năm 2017. Đây là sự hội tụ về tâm linh, văn hóa, phù hợp với tâm nguyện của nhân dân, vừa có ý nghĩa sâu sắc về sự liên hệ đến cội nguồn lịch sử.

Thêm một duyên cớ nữa, đất lành Thái Hòa - nơi có di chỉ Làng Vạc, mốc son trên chặng đường hình thành dân tộc, trở thành nơi hội ngộ du khách gần xa.

Mọi con đường đều dẫn đến… màu xanh

Một cách rất tự nhiên, lâu nay Thái Hòa vẫn được coi là thủ phủ của vùng Phủ Quỳ trù phú, đất đai cây trái tươi tốt. Từ thời Pháp thuộc, trên vùng đất đỏ bazan nơi đây các đồn điền đã sớm hình thành. Theo tài liệu đã được công bố, cây cà phê bén duyên vùng đất này từ năm 1913 để xuất sang Pháp, trước cả cà phê ở Tây Nguyên (từ giai đoạn 1920 - 1925), với vị thơm ngon không thua kém cà phê châu Mỹ. Ngoài diện tích đất đỏ tươi tốt, hàng năm dòng sông Hiếu còn đắp bồi phù sa cho một vùng đồng bãi rộng lớn, là điều kiện thuận lợi để giữ màu xanh và làm giàu từ cây xanh.

Chăm sóc vườn bưởi hồng Quang Tiến (TX. Thái Hòa).  Ảnh: Cao Đông
Chăm sóc vườn bưởi hồng Quang Tiến (TX. Thái Hòa). Ảnh: Cao Đông

Nếu đo nhịp điệu phát triển sôi động của thị xã, rất thú vị là không chỉ thể hiện ở các tiêu chí tăng trưởng kinh tế đô thị, mà có thể nhận biết tốc độ phát triển qua sự chuyển đổi cách làm ăn và tăng giá trị phát triển ở mảng nông nghiệp xanh, sạch, gắn với công nghệ cao.

Thăm gia đình anh Trần Văn Hữu và chị Nguyễn Thị Thỏa - một trong nhiều hộ nông dân nuôi bò sữa tại gia ở xóm Tân Ấp (xã Nghĩa Hòa). Từ diện tích 1 ha đất trồng cỏ voi, gia đình anh chị nuôi 9 con bò sữa. Mới nuôi 2 năm đã có 4 con cho sữa, tự chăm nuôi nhưng có ngày sản lượng sữa 34 kg/con. Được biết, năm 2016 đàn bò sữa thị xã lên đến 2.801 con, tăng 3,4% so với năm 2015; sản lượng sữa tươi 11.299 tấn.

Cao su mùa thay lá. Ảnh tư liệu
Cao su mùa thay lá. Ảnh tư liệu

Về sản vật của TX. Thái Hòa, giờ đây không chỉ nói đến cà phê, cao su, mà còn nói nhiều về các cây cam, ổi, mía, và đặc biệt là cây bưởi hồng Quang Tiến. Đó là giống bưởi quả có tép màu hồng, độ ngon không thua kém bưởi Năm Roi, Phúc Trạch... Tại vườn bưởi 2 ha trên đồi Dụ Dị của gia đình chị Nguyễn Thị Loan (khối Trung Nghĩa, phường Quang Tiến), chị Loan cho biết, sau 8 năm, 2 ha bưởi đã cho quả được 5 mùa. Năm 2016, gia đình chị Loan thu nhập khoảng 700 triệu đồng từ quả bưởi, ngoài ra còn chiết bán được 2.500 cành bưởi giống, giá từ 30.000 - 40.000 đồng/cành. Theo anh Lê Nho Hồng, cán bộ khuyến nông thị xã, nếu vào những năm đầu thập kỷ này bưởi hồng Quang Tiến mới cho thu nhập nhỏ lẻ do các hộ chưa trồng tập trung, thì đến nay diện tích trồng mới đã lên đến trên 80 ha và đều cho thu nhập cao.

Đập Bàu Sen, TX. Thái Hòa. Ảnh tư liệu
Đập Bàu Sen, TX. Thái Hòa. Ảnh tư liệu

Từ cầu Hiếu đi lên, hai bên trục Quốc lộ 48, bên cạnh các hàng quán và khu phố kinh doanh dịch vụ, có rất nhiều quầy hàng liền kề nhau giới thiệu sản phẩm mật ong, phấn ong. Ngày 30/3 vừa qua, trong buổi sinh hoạt Câu lạc bộ nuôi ong xã Tây Hiếu, hàng trăm hộ nuôi ong ở đây đã đề xuất thành lập hợp tác xã nuôi ong. Từ Chi nhánh Công ty cổ phần ong Trung ương - Xí nghiệp ong Khu 4 đứng chân lâu năm trên phường Quang Tiến, tiềm năng phát triển về nghề ong của thị xã ngày càng lớn. Điều này phần nào cho thấy dù tốc độ đô thị hóa nhanh, các ngành nghề xây dựng, chế biến khoáng sản, tiểu thủ công nghiệp, các tổ hợp dịch vụ - thương mại - tài chính phát triển khá sôi động, với 243 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn và nhiều hộ dân doanh, có khu công nghiệp đã hình thành, thì màu xanh vẫn luôn là màu sắc chủ đạo làm nên vẻ đẹp của một thị xã sinh thái mang dáng dấp đô thị miền núi. Ngoài màu xanh cảnh quan tự nhiên, tổng diện tích trồng cây hàng năm đạt 5.655 ha, diện tích rừng trồng mới năm 2016 ước đạt 77,5 ha, góp phần nhân lên nhịp điệu màu xanh từng ngày, để tạo nên điểm nhấn của một đô thị du lịch sinh thái - lựa chọn thường được du khách ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Được xác định là cực tăng trưởng của vùng Tây Bắc Nghệ An, và là một trong những hợp phần tạo nên vùng động lực phát triển quan trọng, TX. Thái Hòa là điểm đến ngày càng thu hút du khách, bởi các huyết mạch giao thông đã được khơi thông thuận tiện. Ngoài các huyết mạch chủ đạo như Quốc lộ 48 chạy dọc, đường thiên lý Bắc Nam - đường Hồ Chí Minh chạy ngang, còn có đường nối với Đông Hồi - Hoàng Mai, cùng nhiều tuyến đường mà chúng ta có thể đến với TX. Thái Hòa từ mọi phía, mọi miền. Trong đó, có điểm chung là tất cả mọi con đường đều đi trong màu xanh, đều là đường hội ngộ muôn nơi với một vùng đô thị sinh thái rợp màu xanh rất xưa mà rất trẻ!

Ngô Kiên

TIN LIÊN QUAN