Giá dịch vụ hàng không tăng mạnh

29/05/2017 09:51

Mới đây, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đã đề xuất rút ngắn lộ trình tăng giá dịch vụ hàng không để lấy tiền tái đầu tư hạ tầng lĩnh vực này.

Đề xuất tăng giá dịch vụ hàng không của Cục Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vẫn chưa được Bộ GTVT thông qua, nhưng ACV lại đề xuất rút ngắn lộ trình tăng giá dịch vụ hàng không tại các sân bay lớn, có lượng hành khách thông qua cao.

Thêm nhiều sân bay bị tăng phí

Đối với hành khách, mỗi vé máy bay 1 chiều sẽ tăng thêm 25.709 đồng/vé giá dịch vụ hàng không tăng thêm
Đối với hành khách, mỗi vé máy bay 1 chiều sẽ tăng thêm 25.709 đồng/vé giá dịch vụ hàng không tăng thêm

Theo báo cáo của ACV, trong giai đoạn năm 2016-2020, tổng mức đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không cần khoảng 31.670 tỷ đồng, trong đó tổng nhu cầu vốn dự kiến giải ngân trong giai đoạn này là 22.143 tỷ đồng. Trung bình nhu cầu vốn đầu tư hàng năm hơn 5.600 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, với lợi nhuận sau thuế trung bình cho giai đoạn 2017-2020 dự kiến khoảng 2.500 tỷ đồng/năm (với lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính chiếm 55%), trong đó chia cổ tức hàng năm dự kiến khoảng 1.500 tỷ đồng/năm (6% vốn điều lệ), phần còn lại dùng để trích lập Quỹ đầu tư phát triển (khoảng 800-1.000 tỷ đồng/năm), ACV sẽ không đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng cảng hàng không.

“Do đó, việc điều chỉnh giá dịch vụ hàng không để tạo nguồn đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không mà trọng tâm là giai đoạn 2017-2020 là vô cùng cấp thiết”, đại diện ACV nhấn mạnh.

So với lần đề xuất trước đó, ACV đề nghị bổ sung 4 cảng hàng không gồm Phú Quốc, Liên Khương (Đà Lạt), Buôn Ma Thuột và Phú Bài (Huế) vào danh sách các Cảng hàng không nhóm A (nhóm cảng khai thác 24/24h) cùng với các Cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Vinh và Phú Bài.

Theo lãnh đạo ACV, việc điều chỉnh này nhằm mục đích giúp Tổng Công ty tăng doanh thu dịch vụ hàng không thêm khoảng 38 tỷ đồng so với tính toán trước đây, qua đó đáp ứng nhiều hơn nữa nhu cầu cấp vốn cho ACV, tạo nguồn vốn dành cho đầu tư nâng cấp và mở rộng kết cấu hạ tầng.

Vào tháng 3 vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đã đồng ý về đề xuất tăng giá dịch vụ hàng không của ACV và có văn bản báo cáo Bộ GTVT, kiến nghị thông qua việc điều chỉnh khung giá thu đối với hành khách đi tuyến quốc nội.

Cụ thể, sẽ tăng các loại giá dịch vụ đối với hành khách đi quốc nội, theo hướng thu hẹp khoảng cách giữa quốc nội và quốc tế xuống mức chênh lệch từ 2-4 lần; tăng mức giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa và phí đỗ tàu bay qua đêm.

Rút ngắn lộ trình tăng giá để có thêm tiền

Theo phương án đề xuất của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, để giảm tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ hàng không thì nên chia thành 4 giai đoạn, bắt đầu thực hiện từ 1/10 tới đây. Phương án này cũng đã được Cục Hàng không thống nhất thông qua.

Cụ thể, giai đoạn 1 từ ngày 1/10 đến 31/12/2017; giai đoạn 2 từ ngày 1/1 đến 31/3/2018; giai đoạn 3 từ ngày 1/4 đến 30/6/2018 và giai đoạn 4 từ ngày 1/7 đến 31/12/2018. Trong đó, phí phục vụ hành khách quốc nội, áp dụng theo từng nhóm sân bay A, B và C, giai đoạn 1 tăng từ 60.000 - 75.000 đồng/hành khách; giai đoạn 2 tăng từ 60.000 - 80.000 đồng/hành khách; giai đoạn 3 tăng từ 60.000 - 85.000 đồng/hành khách, giai đoạn 4 tăng từ 60.000 - 100.000 đồng/hành khách.

Trong khi đó, ACV tính toán, sẽ tăng doanh thu thêm 1.043 tỷ đồng, trong đó các hãng hàng không sẽ bỏ thêm 161,5 tỷ đồng (tương đương tăng 4.531 đồng/vé máy bay, tỷ lệ 0,02% vé máy bay) và giá dịch vụ thu về từ hành khách 883,6 tỷ đồng (tương đương tăng 24.789 đồng/vé máy bay, tỷ lệ 0,1%).

“Phần lợi nhuận cùng với chia cổ tức sẽ bổ sung cho ACV số vốn tổng cộng 1.538 tỷ đồng cho kế hoạch đầu tư, nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng cảng hàng không”, đại diện ACV cho hay. Tuy vậy, nguồn vốn này cũng chỉ đáp ứng được 27% nhu cầu vốn đầu tư bình quân một năm của ACV trong giai đoạn tới.

ACV đề xuất điều chỉnh giá phục vụ hành khách quốc nội rút xuống còn 3 giai đoạn (thay vì 4 giai đoạn theo ý kiến thống nhất của liên Bộ GT-VT và Tài chính).
ACV đề xuất điều chỉnh giá phục vụ hành khách quốc nội rút xuống còn 3 giai đoạn (thay vì 4 giai đoạn theo ý kiến thống nhất của liên Bộ GT-VT và Tài chính).

Dù đã được Cục Quản lý giá và Cục Hàng không thống nhất chia làm 4 giai đoạn tăng giá dịch vụ hàng không để giảm tối đa tác động lên hành khách và các hãng nhưng tại đề xuất mới nhất, ACV muốn rút ngắn xuống còn 3 giai đoạn.

Cụ thể, từ ngày 1/10/2017 tăng 75.000 đồng/hành khách; từ ngày 1/1/2018 tăng 85.000 đồng/hành khách; từ ngày 1/7/2018 tăng 100.000 đồng/hành khách. Đại diện ACV cho rằng, với lộ trình tăng giá này, doanh nghiệp sẽ tăng doanh thu 1.148 tỷ đồng (tăng thêm 105 tỷ đồng so với phương án của Cục Quản lý giá và Cục Hàng không). Như vậy, đối với hành khách, mỗi vé máy bay 1 chiều sẽ tăng thêm 25.709 đồng/vé giá dịch vụ hàng không tăng thêm…

Tác động lên giá vé máy bay

Liên quan đến đề xuất của ACV, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, việc bổ sung 4 Cảng hàng không Phú Quốc, Liên Khương, Phú Bài và Buôn Ma Thuột vào nhóm A là hợp lý. Tuy vậy, Cục này lại không phân tích nguyên nhân cũng như tính hợp lý khi đưa 4 Cảng hàng không này vào tương đương với các Cảng hàng không nhóm A hiện tại như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng… Bởi, nếu so sánh thì 4 sân bay mà ACV muốn bổ sung vào nhóm A (để tăng giá dịch vụ hàng không - phóng viên) so với các cảng hàng không nhóm A hiện tại vẫn còn là một khoảng cách không hề nhỏ.

Tuy vậy, về lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ hàng không, theo Cục Hàng không Việt Nam nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tránh gây tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không và hành khách tham gia vận chuyển đường không, Cục đề nghị thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ hàng không theo khuyến cáo của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính. Tức là không nên rút ngắn lộ trình tăng giá dịch vụ hàng không theo kiến nghị của ACV.

Ngoài ra, Cục Hàng không cũng kiến nghị bổ sung quy định về tỷ lệ giá hạ cất cánh/giá phục vụ mặt đất trọn gói tại cảng hàng không nhóm C để tạo cơ sở cho việc xác định mức thu hạ cất cánh tại cảng hàng không nhóm C trong điều kiện khu bay chuyển giao lại cho Nhà nước.

Hiện nay, ATR 72 là loại tàu bay đang được sử dụng chủ yếu tại các cảng hàng không nhóm C. Trên cơ sở mức giá, khung giá quy định hiện nay, tỷ trọng giá hạ cất cánh/giá phục vụ mặt đất trọn gói tại cảng hàng không nhóm C của tàu bay ATR 72 khoảng 19,7%. Cục Hàng không kiến nghị nên điều chỉnh giá phục vụ hạ/cất cánh chiếm tỷ trọng 20% của giá phục vụ mặt đất trọn gói, giá dẫn tàu bay (nếu có).

Về đề xuất tăng giá dịch vụ hàng không cũng như rút ngắn lộ trình tăng giá của ACV, đại diện một hãng hàng không trong nước cho rằng, chắc chắn nếu việc điều chỉnh giá được thông qua sẽ tác động lên các hãng hàng không và hành khách. Tuy vậy, phần tăng chi của các hãng hàng không chắc chắn sẽ được các hãng tính toán “đổ” lên đầu hành khách thông qua tăng giá vé.

Cụ thể, từ ngày 1-10-2017 tăng 75.000 đồng/hành khách; từ ngày 1-1-2018 tăng 85.000 đồng/hành khách; từ ngày 1-7-2018 tăng 100.000 đồng/hành khách.
Cụ thể, từ ngày 1/10/2017 tăng 75.000 đồng/hành khách; từ ngày 1-1-2018 tăng 85.000 đồng/hành khách; từ ngày 1/7/2018 tăng 100.000 đồng/hành khách.

“Mặc dù sẽ vẫn có nhiều dải giá khác nhau để cho hành khách lựa chọn, vẫn có vé giá rẻ nhưng tỷ lệ này sẽ ít đi. Hơn nữa, giá dịch vụ hàng không thường tính vào giá vé hiện nay vẫn được các hãng thu hộ lại không nằm trong quyền chủ động của các hãng hàng không, nên chắc chắn giá vé máy bay sẽ tăng nếu kiến nghị này được thông qua”, đại diện hãng hàng không này nhìn nhận.

Ngoài ra, đề xuất bổ sung 4 cảng hàng không nói trên vào nhóm A của ACV cũng không được các hãng hàng không đồng tình. Đại diện các hãng đều cho rằng, xét về quy mô cũng như tốc độ phát triển, lưu lượng khách qua lại thì 4 cảng Phú Quốc, Phú Bài, Liên Khương và Buôn Ma Thuột không thể sánh được với Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Việc xếp ngang hàng này là khập khiễng và có phần khiên cưỡng.

Theo VNN

TIN LIÊN QUAN