Vĩnh biệt người khai sinh làn điệu tứ hoa
(Baonghean) - Tin nghệ sỹ ưu tú Đình Bảo đi xa khiến nhiều người bàng hoàng.
Người ta biết đến ông là nghệ sỹ trụ cột một thời của sân khấu chèo tỉnh nhà, người khai sinh làn điệu tứ hoa, người thầy tận tâm truyền dạy dân ca… Trên các trang facebook cá nhân, một số nghệ sỹ chia sẻ nỗi tiếc thương vô hạn người nghệ sỹ đã cống hiến cả cuộc đời mình nâng cánh câu hát quê hương. Còn chúng tôi lại nhớ đến người nghệ sỹ giản dị với mái đầu bạc trắng, chiếc áo cũ sờn, trong căn phòng nhỏ và chia sẻ cùng chúng tôi những buồn vui của vào một ngày cách đây vừa tròn 3 năm…
Cậu bé làng và giấc mơ được “đi văn công”
Nghệ sỹ Đình Bảo là người con thứ 3 trong gia đình có 6 chị em, quê làng Trung Phường, xã Diễn Minh (Diễn Châu), miền quê nổi tiếng với ca trù Kẻ Lứ. Có lẽ, chính là nhờ đất quê, thói quê, đã cho ông biết tới và yêu dân ca, yêu nghiệp diễn từ thuở thiếu thời.
Thuở còn là cậu bé chân đất đầu trần, nghệ sỹ Đình Bảo đã nhiều lần trốn học để đi xem diễn văn nghệ ở xã, ở huyện. Những câu chuyện trên sân khấu, sự diễn xuất và tiếng hát của những diễn viên đã khiến cậu bé quê ngày ấy say mê, ao ước mình được một lần được hóa thân vào những con người khác, sống một cuộc đời khác, sau tấm màn sân khấu đầy huy hoàng kia. Ao ước duy nhất của Đình Bảo khi đó là được “đi văn công”.
NSƯT Đình Bảo. Ảnh: Thu Hương |
Nghệ sỹ kể với chúng tôi, quê ông ngày trước có một nhóm các bà, các chị có nghề kéo xa, hát phường vải. Người kéo, người dệt, người cán bông, vừa làm vừa hát. Ông thích cái không khí ấy, thích những lời hát ấy đến nỗi cứ bám riết theo các bà, các chị mà nghe. Có nhiều hôm cha mẹ tìm thấy ông đã ngủ quên ở góc sân nhà hàng xóm.
Ngày ấy, nhà ông chỉ có duy nhất chiếc xe đạp hay tuột xích, thế mà ngày nào nghe tin có luyện tập văn nghệ ở huyện là ông lại xin mẹ xách xe đi xem. Bữa nào đi về, tay và mặt mũi cũng lấm lem dầu mỡ bởi cái xe tuột xích liên tục…
Rồi ông kể về những bãi ngô dài tít tắp quê mình, kể về cánh đồng hoa cải rực vàng trong nắng, trong nỗi ngỡ ngàng của cậu bé sớm biết mơ mộng, kể về nỗi tảo tần của cha mẹ, những câu mắng đứa con mải mê ca hát nhưng để rồi lại chính họ đã chắt chiu dành dụm để ông có thể theo đuổi được đam mê. Có lẽ chính nhờ những điều nhung nhớ ấy, mà ông thấy mình mắc nợ với quê hương, mắc nợ với dân ca…
16 tuổi, khi đang học lớp 7 trường làng, NSƯT Đình Bảo tham gia vai Hạ trong tiểu phẩm “Cái gì quý nhất” tại Hội diễn văn nghệ quần chúng toàn tỉnh. Vai diễn của ông đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng ban giám khảo và người xem. Sau đó một thời gian, ông bất ngờ được cán bộ Đoàn văn công Nghệ An tìm đến.
Khi ấy, Đình Bảo đang rửa cỏ bên ao nhà thì nghe tiếng người hỏi thăm mình. Ông được gọi tuyển thẳng vào Đoàn văn công. Ông kể với chúng tôi, cho tới tận lúc này (năm 2014), ông vẫn nhớ như in cảm giác hồi hộp, lâng lâng niềm vui của mình khi đó.
Niềm hạnh phúc trên sân khấu
Năm 1961, 17 tuổi, Đình Bảo được tuyển vào Đoàn chèo Nghệ An. Ông kể rằng, mình đã rất hạnh phúc khi đạt được ước nguyện “đi văn công” và hạnh phúc hơn là nhờ nó mà ông được gặp Bác Hồ.
Sau khi vào đoàn chèo, ông được giao vai người cất vó trong vở chèo nổi danh ngày ấy “Cô gái sông Lam”. Vở diễn này được đầu tư để diễn cho Bác Hồ và Trung ương Đảng xem tại Phủ Chủ tịch. Anh cất vó trong vở diễn chính là một người làm nhiệm vụ cách mạng, có trách nhiệm đưa thông tin, tài liệu mật cho cán bộ hoạt động bí mật, đòi hỏi diễn xuất phải linh hoạt, khéo léo.
Đình Bảo đã diễn xuất khá thành công. Khi xem xong vở kịch, nghệ sỹ Đình Bảo nhớ mãi cái vỗ vai của Bác cùng lời khen tặng của Người: "Còn nhỏ tuổi mà cháu diễn xuất tốt lắm, cháu cố gắng ắt sẽ thành công". Chính lời động viên ấy đã giúp ông tin ở con đường mình đi, say mê hơn với cái nghiệp mình chọn.
NSƯT Đình Bảo luyện tập cùng diễn viên Nhà hát Dân ca Nghệ An. Ảnh: Internet |
Những vai diễn “để đời” của nghệ sỹ Đình Bảo không phải là những nhân vật chính (thực ra ông ít tham gia các vai chính) mà chủ yếu là những vai phụ, những người quê chân chất, hay vai hề. Nét sinh động, dí dỏm, linh hoạt đầy sáng tạo mà hết sức tự nhiên của ông đã cuốn hút người xem. Chính vì thế, dù chỉ là vai phụ nhưng người ta luôn nhớ đến một Đình Bảo đầy duyên dáng trên sân khấu. Và những vai diễn ấy, ông cảm thấy nó “vừa vặn” với mình, nó khiến ông hài lòng.
Bất kỳ là vai diễn nào, ông không mấy bận tâm mình sẽ ở vị trí nào mà điều ông bận tâm nhất mình có diễn tròn vai không, có để lại dấu ấn gì cho người xem hay không. Vậy nên nghệ sỹ Đình Bảo đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết để luyện vai, để học hỏi thêm từ những người đi trước và từ sách vở. Ông say tập đến mức quên cả ăn, thậm chí có người còn nghĩ ông “có vấn đề về thần kinh” khi vừa làm một công việc nào đó, hoặc đang đi trên đường mà vẫn hoa tay múa chân “nhập vai” như trên sàn diễn.
Trong hàng trăm vai diễn, có thể nhắc tới những dấu ấn của ông mà người ta còn nhớ mãi đến giờ, như vai Phi trong vở kịch dân ca: "Không phải tôi" (vở này tham gia Hội diễn toàn quốc, đạt Huy chương Vàng), vai ông quan xã trong vở kịch "Mai Thúc Loan" vai anh Giao trong "Hạt lúa quê ta"; vai hề Thìn trong vở "Tấm Cám"…
Không chỉ có lỗi diễn xuất dí dỏm, Đình Bảo còn rất trau chuốt trong khâu phục trang. Ông thường tự mình hóa trang nhân vật để có thể đạt được đúng ý đồ, mong muốn cũng như khát vọng chuyển tải tới công chúng.
Người khai sinh làn điệu tứ hoa
Đầu những năm 1970, Đoàn Dân ca Nghệ An chính thức thành lập. Đam mê nghiệp diễn, song với tạng gầy gò, ông không thể đảm nhận nhiều vai diễn, lúc đó nghệ sỹ Đình Bảo sang với Đoàn Dân ca ở vai trò mới: trở thành người chuyển thể và lồng điệu.
Đây là giai đoạn tỉnh có chủ trương thử nghiệm sân khấu hoá dân ca Nghệ Tĩnh. Đình Bảo cùng với những nghệ sỹ nổi danh một thời như Thanh Lưu, Vi Phong, Văn Thế… mày mò thử sáng tác làn điệu, lồng điệu và chuyển thể kịch bản văn học sang kịch hát dân ca.
Ông đã tham gia chuyển thể và lồng điệu cho một loạt vở kịch hát dân ca như: “Chuyện tình ông vua trẻ”, “Linh hồn của đá”, “Vẫn còn ra trận”, “Hạt lúa quê ta”, “Khi ban đội đi vắng”, “Biển cồn cào”, “Quyền uy và tội ác”..., lồng điệu cho: “Chuyện tình ông vua trẻ”, “Phan Bội Châu”, “Nguyễn Biểu”, “Nguyễn Du”, “Hoa khôi dạy chồng”...
Chuyển thể kịch hát dân ca là một công việc khó vì vừa phải có vốn văn học, sân khấu, có năng khiếu sáng tác thơ và nắm chắc luật các thể thơ; nắm vững các làn điệu kịch hát nói chung, kịch dân ca nói riêng, nắm được tinh thần, hành động xuyên suốt, hình tượng chủ đạo và nhiệm vụ tối cao của vở diễn.... Vậy mà với tất cả say mê, tâm huyết và tài năng, Đình Bảo và các đồng nghiệp đã thành công. Những tác phẩm chuyển thể của ông đã nâng ông lên thành tác giả.
NSƯT Đình Bảo kể về kỷ niệm lần gặp Bác Hồ. Ảnh N.L |
Năm 1985, Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh dựng vở “Mai Thúc Loan”, đến đoạn Mai Thúc Loan bị tống vào ngục, chưa ai sáng tác được lời hát cho lớp này để diễn tả một cuộc gặp mặt trong ngục với bao đau xót, nhớ thương, lo lắng… Những làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh gốc và cả những làn điệu mới được sáng tác đều không thể chuyển tải nổi diễn biến tâm trạng của các nhân vật.
Người ta nghĩ đến nhiều phương án, kể cả nhờ các tác giả lớn về viết lời và giai điệu cho đoạn “cao trào” này. Đêm ấy, Đình Bảo lặng lẽ trở về, ông mượn thêm cây đàn ghi ta, hóa mình vào tâm trạng nhân vật để ai oán, thiết tha mà thử hát… Sáng mai ra, ông thử đem sáng tác của mình hát thử cho bạn bè, đồng nghiệp. Ai cũng thán phục, ngạc nhiên và òa vỡ: Đây rồi, chính là cái mà “chúng ta” cần! Làn điệu ấy ông đặt tên tứ hoa.
Làn điệu này được kết hợp của 4 (tứ) làn điệu ví, giặm, thơ trung và quân tử phu dịch trong chèo. Khi kết hợp các đặc trưng của 4 làn điệu này, nó diễn tả được quá trình diễn biến cảm xúc trào dâng mãnh liệt của 2 nhân vật: vừa đau xót phải chia ly, vừa tự kiềm chế nỗi đau để khuyên nhủ lẫn nhau, để hứa hẹn cùng nhau chờ ngày gặp lại.
Kể từ đó, làn điệu tứ hoa đã có chỗ đứng vững chắc trên sân khấu dân ca, khi cần diễn tả tâm trạng nhân vật trong những tình huống xung đột cao trào, bạo liệt. Và hầu như vở kịch dân ca Nghệ Tĩnh nào cũng có tứ hoa xuất hiện. Cùng với những lần đi biểu diễn khắp nơi, được ghi nhận từ đông đảo công chúng, tứ hoa của Đình Bảo đã là một “thương hiệu” đặc sắc. Và dần dần, tứ hoa đã trở thành một làn điệu của dân gian…
Tận hiến cho dân ca
Từ khi làm diễn viên, đến khi nghiên cứu, viết lời, rồi khai sinh ra làn điệu mới, cho tận đến khi rời hẳn ánh đèn sân khấu thì nghệ sỹ Đình Bảo vẫn luôn sống cùng dân ca. Ông không chỉ được biết tới với những vai trò kể trên, mà còn trở thành một người lặn lội tìm tòi, khơi gợi và bồi đắp mạch nguồn dân ca. Ông rong ruổi tìm về những miền quê còn lưu dấu dân ca để gặp gỡ, sưu tầm, ghi chép lại.
Ông sẵn sàng trở thành người thầy dạy miễn phí cho những người yêu dân ca. Ông nhận lời tham gia dạy hát dân ca trên sóng Đài Phát thanh Truyền hình Nghệ An, tham gia giảng dạy ở Trường Cao đẳng Văn hoá - Nghệ thuật Nghệ An, ở Trung tâm văn hoá, các cơ quan, đơn vị, trường học tỉnh Hà Tĩnh. Cũng không câu nệ phải đón đưa, chỉ cần có lời mời, nghệ sỹ Đình Bảo lại bắt xe đến từng địa phương xa xôi, truyền đi tình yêu dân ca cháy bỏng trong ngực mình…
Biết tin người nghệ sỹ giản dị, hết lòng vì câu hát quê hương đã đi xa, bao nhiêu người đã thảng thốt vì sự mất mát đến quá bất ngờ. Có người đã nói, thế là dân ca Nghệ An đã thêm một khoảng trống lớn. Quả là, một khoảng trống lớn khi thiếu vắng mái tóc bạc và vóc dáng nhỏ nhắn ấy…
T.V