Qua những cánh đồng vàng miền Tây

22/05/2017 17:46

(Baonghean) - Cảm giác dễ chịu, với lồng ngực ngát hương thơm lúa đồng khi tôi đi ngang qua cánh đồng Mường Quạ, nơi tập trung nhiều lúa nước nhất ở huyện Con Cuông. Đã giữa tháng Năm mà bầu không gian vẫn mát dịu. Dòng sông Giăng điềm tĩnh trôi. Trên con đường rải nhựa, từng tốp nữ sinh trường Mường Quạ khoan thai đạp xe xuyên qua cánh đồng lúa ngàn mẫu. Vài hôm nữa thì vào vụ gặt, cánh đồng rồi náo nức như vào hội.

Mường Quạ thành vùng trồng lúa nước từ hàng trăm năm trước. Thời cụ Vi Văn Khang làm Bí thư Chi bộ Đảng đầu tiên ở xứ Trà Lân, người Thái trong các cộng đồng làng bản lân cận đã biết làm ruộng nước. Nhớ có lần gặp gỡ với ông Lương Văn Quế ở bản Tân Sơn, xã Môn Sơn, biết được niềm tự hào của ông cụ đã sống gần trăm tuổi này là từng đi mang túi cho cụ Khang đi họp khắp địa bàn huyện Con Cuông khi còn là một chú trai mới lớn. “Từ ngày ấy người Đồng Khùa, Noong Bua, bản Xiềng Pún, ở Xống Tờ, Xống Nưa đều đã cấy lúa nước. Gặt lúa ruộng xong người ta lại gọi nhau đi khơi lại mương máng. Cứ thế, người Mường Quạ trồng lúa nước cho đến ngày nay”.

Toàn cảnh cánh đồng mùa lúa chín ở xã Môn Sơn (Con Cuông). Ảnh: Phương Vi
Cánh đồng mùa lúa chín ở xã Môn Sơn (Con Cuông). Ảnh: Hồ Phương

Bây giờ thì những tên Đồng Khùa, Noong Bua, bản Xiềng Pún hay Xống Nưa, Xống Tờ đã là những cái tên xa lạ đối với người trẻ. Cách mạng lên, vùng Mường Quạ được đặt tên gọi mới là Môn Sơn, Lục Dạ thuộc huyện Con Cuông, nhưng nghề trồng lúa nước thì vẫn duy trì, phát triển hơn trước. Cánh đồng Mường Quạ còn rộng rãi hơn xưa. Chính quyền và người dân Con Cuông xác định cánh đồng này sẽ là vựa lúa của cả vùng rộng lớn nên đã có nhiều sự “chung tay” từ các cơ quan, đơn vị cùng người dân nhiều nơi để mở rộng thêm diện tích lúa nước ở Mường Quạ. Cái không khí khai hoang, khẩn hóa ruộng đồng của những năm 60 thế kỷ trước vẫn còn đọng lại niềm vui rộn ràng trong trí nhớ nhiều người dân Mường Quạ. Ngày ấy, Trường Thanh niên dân tộc đứng chân trên địa bàn Môn Sơn. Thầy và trò của trường, sau những giờ học lại cùng với bà con ra ruộng khai khẩn, khơi thông mương máng. Cứ thế, cho tới thập niên 70 thế kỷ trước thì cánh đồng Mường Quạ căn bản đã như ngày hôm nay.

Tấp nập bà con đồng bào Thái, Kinh thu hoạch lúa ở xã Tam Quang (Tương Dương). Ảnh: Phương Vi
Bà con đồng bào Thái, Kinh thu hoạch lúa ở xã Tam Quang (Tương Dương). Ảnh: Hồ Phương

Thời gian thấm thoắt, cuộc sống con người bên dòng sông Giăng có đổi thay nhưng dường như vẫn êm ả. Cứ độ tháng Năm, tháng Mười, đồng lúa lại chín vàng. Thản nhiên như những vòng xe học trò sớm chiều tới lớp.

Nhưng giờ đây, thì không chỉ Mường Quạ, mà có bao nhiêu cánh đồng vàng miền Tây xứ Nghệ đang hứa hẹn mùa bội thu, đã rực lên sắc vàng, đã xôn xao những bước chân theo nhịp gùi nặng trên lưng. Dưới nền trời trong vắt mùa hạ, bước chân lang thang với ý nghĩ “đi xem mùa gặt” đã đưa tôi tới với nhiều cung đường, nhiều cánh đồng xa thật xa ở miền Tây.

“Dù diện tích lúa không nhiều nhưng gần đây, huyện Kỳ Sơn đang cố gắng nâng cao năng suất lúa nước”. Anh bạn làm đài huyện thông tin và gợi ý tôi về thăm những cánh đồng lúa dọc con sông Nậm Mộ. Dòng sông bắt nguồn từ nước bạn Lào qua ngót trăm cây số rồi đổ vào sông Lam ở địa phận xã Xá Lượng, huyện Tương Dương. Ở huyện Kỳ Sơn, những địa bàn dòng sông đi qua cũng là nơi trồng nhiều lúa nước nhất toàn huyện. Những thửa ruộng bậc thang vào mùa lúa chín đã vẽ một bức tranh tuyệt đẹp, rực sắc màu cho miền núi cao vốn thăm thẳm xanh núi, xanh rừng.

Theo chân anh bạn làm đài huyện Kỳ Sơn, tôi đến bản Na Lượng 1, xã Hữu Kiệm. Bản nhỏ người Thái tập trung gần một nửa số diện tích lúa nước của toàn xã. Tiết trời tháng Năm chợt se lạnh, mưa phùn như đang độ tháng Giêng. Chúng tôi đến nơi đúng dịp chính quyền địa phương cùng với một đơn vị cung ứng giống lúa tổ chức hội thảo về một mô hình nông nghiệp. Đây là lần đầu tiên dân bản Na Lượng 1 trồng thử lúa J02. Giống lúa còn được biết đến với tên gọi Japonica có xuất xứ từ Nhật Bản. Cách đây 6 năm, những bản làng ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong cũng đã trồng thử và cho năng suất cao. Giống lúa này ưa khí hậu lạnh và rất phù hợp với vụ xuân ở miền núi xứ Nghệ.

Mô hình lúa giống mới ở xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn). Ảnh: Hà Phượng
Mô hình lúa giống mới ở xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn). Ảnh: Hà Phượng

Quá nửa đời người, bà mế Lô Thị Giang gắn liền với những thửa ruộng bậc thang ở bản Na Lượng 1 kể: Từ mươi năm nay, năm nào dân bản cũng cấy 2 vụ nhưng năng suất cứ thấp, phải làm rẫy thêm nữa mới đủ gạo ăn. Vì thế, khi thấy chính quyền xã triển khai mô hình, lại nói rằng giống mới này cho năng suất cao lắm, cả bản ai cũng muốn đăng ký trồng thử. Thế rồi chỉ có 20 nhà được chọn. Đó là những hộ có kinh nghiệm canh tác lúa nước nhất.

Làm rồi mới biết, giống lúa J02 này thực sự khó trồng. Trong thời gian làm mô hình, cán bộ nông nghiệp luôn bám sát các hộ dân từ khâu ủ, ngâm mạ đến khi gieo cấy, làm cỏ, phòng trừ sâu. Chỉ đơn cử như khâu ngâm mạ, cứ sau 3 giờ đồng hồ là phải thay nước một lần. Chỉ cần quên thay nước là lúa sẽ không thể nảy mầm khi đem ủ.

Qua vài tháng, khi lúa đã bắt đầu làm đòng, những người làm mô hình vẫn chưa thực sự yên lòng. Bởi đây là thời gian xuất hiện nhiều thứ sâu hại. “Chỉ đến khi nhìn thấy bông lúa vào thời kỳ ngậm sữa, chúng tôi mới yên tâm”. Bà Giang chia sẻ. Những hạt lúa chắc mẩy, tròn như hạt lúa rẫy, tỏa hương thơm dìu dịu khiến những người nông dân Na Lượng vui như khi bản có hội. Xong hội thảo, những người thực hiện mô hình sẽ gặt vụ lúa đầu tiên với giống mới này. Thế nhưng, nhìn qua cũng có thể biết giống mới này có thể mang lại những mùa vàng bội thu.

Phụ nữ bản Hồng Sơn, xã Lục Dạ (Con Cuông) thu hoạch lúa. Ảnh: Phương Vi
Phụ nữ bản Hồng Sơn, xã Lục Dạ (Con Cuông) thu hoạch lúa. Ảnh: Hồ Phương

Trong tiết trời bất ngờ se lạnh, những thửa ruộng bậc thang như khiến bầu không gian ấm áp hơn. Có lẽ lâu lắm mới được một ngày có hàng trăm người đổ xô ra đồng ruộng xem lúa chín. Những người không trong nhóm thực hiện mô hình cũng nao nức chẳng kém người trong cuộc, ai cũng mong vụ tới cả bản sẽ được hướng dẫn gieo cấy giống lúa mới. Chỉ mới nhìn qua bằng mắt thường đã thấy nhiều bông, chắc hạt hơn giống lúa địa phương gieo cấy từ bao năm nay.

Hà Phượng

TIN LIÊN QUAN