Những tấm gương điển hình về tinh thần lao động, sáng tạo

09/06/2017 09:57

(Baonghean) - Họ là những tập thể, cá nhân trên nhiều lĩnh vực với những việc làm mang tính cống hiến cao. Mỗi điển hình là một gương sáng về tinh thần lao động sáng tạo; họ chính là những tấm gương có tính lan toả cao trong cộng đồng. Nghệ An gặp gỡ một số tấm gương tham dự hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc.

“Mong muốn luôn được cống hiến cho khoa học”

Tin vui liên tiếp đến với Trường THPT chuyên Phan Bội Châu khi Trần Hữu Bình Minh xuất sắc giành Huy chương Bạc Olympic Vật lý châu Á, tấm huy chương mà em cho rằng hoàn toàn không thể là sự may mắn, mà là sự khổ công rèn luyện trong suốt 2 năm trời.

Trần Hữu Bình Minh tại lễ đón học sinh Nghệ An đạt giải Cuộc thi Olympic Vật lý châu Á.Ảnh: Mỹ Hà
Trần Hữu Bình Minh tại lễ đón học sinh Nghệ An đạt giải Cuộc thi Olympic Vật lý châu Á. Ảnh: Mỹ Hà

Nhắc đến Bình Minh, người ta nghĩ đến cậu bé hiền lành dễ mến và đam mê khoa học. Ngay từ nhỏ, em đã sớm bộc lộ tố chất này, khi luôn tìm tòi khám phá sự vận hành của những cỗ máy trong nhà, từ quạt điện, ti vi, máy giặt. Vì thế, chương trình khoa học thường thức được phát sóng trên truyền hình luôn được em để ý theo dõi. Lớn lên Minh sớm bộc lộ năng khiếu về các môn tự nhiên khi liên tục nhiều năm liền đoạt các giải thưởng về Toán và Tin học.

Khi em được chọn vào lớp chuyên Vật lý Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, thầy giáo Trần Văn Nga đã sớm nhìn ra tố chất “có giải” của cậu bé này. Những ngày tháng miệt mài ôn luyện cùng người thầy tận tụy, Minh đã vỡ nhẽ ra được nhiều điều, “nếu đã theo đuổi khoa học thì phải theo đến tận cùng”. Vì khoa học cũng là một bộ môn nghệ thuật, nếu có tài năng, có đam mê, có dấn thân thì sẽ có thành quả. Và vì thế, việc tham dự những kỳ thi chính là những nấc thang giúp người nghiên cứu chinh phục những đỉnh cao khoa học. Chính những động lực đó đã giúp em liên tiếp giành được giải Nhất Quốc gia môn Vật lý, Huy chương Bạc Olympic Vật lý châu Á.

Khi nhắc đến những dự định trong tương lai, Minh chỉ nói rằng trước hết em phải học thật giỏi và lựa chọn đúng môi trường để tiếp tục viết tiếp những công trình đang ấp ủ. Thế nên, việc nói nhiều về dự định, về ước mơ em cho rằng ở thời điểm này chưa phù hợp. “Em chỉ mong muốn rằng mình luôn được cống hiến cho khoa học, cho ra đời những công trình hữu ích, phục vụ đời sống. Và theo em một công trình khoa học thực sự có ý nghĩa khi nó giải quyết được những vấn đề trong cuộc sống”.

“Phải gìn giữ được hồn cốt văn hóa dân tộc Thái”

Cái tên Sầm Văn Bình được xướng lên tại Lễ vinh danh các công trình nghiên cứu khoa học năm 2017 không làm nhiều người ngạc nhiên, bởi từ lâu công trình “Nghiên cứu sưu tầm, biên soạn tài liệu và tổ chức dạy học chữ Thái hệ Lai Tay” đã thực sự đi vào đời sống của đồng bào dân tộc Thái.

Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách tương đối đầy đủ về chữ Thái hệ Lai Tay, gồm có một bộ tài liệu hoàn chỉnh phục vụ việc dạy học chữ Thái Lai Tay gồm 5 cuốn: Sách hướng dẫn học chữ Thái, sách từ vựng, sách ngữ pháp, sách bài tập, sách tham khảo, cung cấp những tri thức cơ bản về văn tự, ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp của tiếng Thái hệ Lai Tay.

Ông Sầm Văn Bình dạy học chữ Thái hệ Lai Tay. Ảnh: P.V
Ông Sầm Văn Bình dạy học chữ Thái hệ Lai Tay. Ảnh: P.V

Sầm Văn Bình cho hay: Để nghiên cứu thành công công trình này, ông đã mất rất nhiều năm đi điền dã sưu tầm biên soạn những bản chữ Thái cổ, những bài cúng, bài khấn cầu mùa, cầu mưa, khấn trong đám giỗ đám ma; rồi đến những câu gọi bạn tình, câu hát giao duyên mà thời nay đã bị mai một cũng được ông cóp nhặt từng câu, từng lời từ những già làng cao tuổi, từ những tài liệu cổ mà ông tình cờ khai phá được.

Rồi từ đó, những công trình, bài báo ra đời; những tác phẩm “Hệ chữ Lai Tay”, “Lai xứ Mường Ham”, “Hệ chữ Lai xứ Thanh Hóa”, “Hệ chữ Lai xứ Mường Mùn”, “Hệ chữ Lai xứ Mường Muỗi”, “Hệ chữ Lai Pao” … đã trở thành những cuốn tài liệu quý giá đối với việc nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa dân tộc Thái.

Khi được hỏi về những dự định trong tương lai, việc bảo tồn chữ Thái cổ gìn giữ những phong tục người Thái, Sầm Văn Bình cho biết, trong thời gian tới, công trình sẽ còn phải được tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hơn nữa bộ tài liệu dạy học chữ Thái Lai Tay; đồng thời làm font chữ để ứng dụng hiệu quả, góp phần gìn giữ, quảng bá cho chữ Thái. Bên cạnh đó, để có thể biến “từ ngữ” này thành “sinh ngữ” thì cần mở rộng các mô hình dạy học đến nhiều đối tượng khác nhau. “Nhưng điều tôi trăn trở nhất vẫn là phải gìn giữ được những phong tục tập quán hồn cốt của người Thái cổ, đang càng ngày càng có xu hướng mai một” - Sầm Văn Bình tâm sự.

“Hành khách là ân nhân của mình”

Ngay từ những ngày còn tham gia lao động tại CHLB Đức, Nguyễn Đàm Văn đã ấp ủ sẽ mang về Việt Nam một cung cách phục vụ vận tải mới, giúp khách hàng không e ngại khi vận chuyển đường dài bằng ô tô. Đó là hành khách sẽ được xe trung chuyển đưa về tận nơi, là hành khách được nằm giường như đi tàu hoả, là đảm bảo đúng lộ trình giờ đi và giờ đến. Thế nhưng, khi về nước, cũng mất một thời gian dài trăn trở, anh mới thành lập được hãng xe giường nằm đầu tiên tại Nghệ An với cung cách vận hành tương đối đặc biệt, trong thời điểm bấy giờ.

Đó là không bao giờ có việc bắt khách dọc đường; nếu trên xe chỉ có một người vẫn khởi hành... Và điều mà Văn Minh luôn bị các đơn vị khác dán mác “dở hơi”, “chơi trội”, ấy là tất cả các dịp lễ, Tết trong khi các đơn vị vận tải khác đồng loạt tăng giá xem như một dịp “tháng làm năm ăn” thì Văn Minh vẫn giữ nguyên mức giá ngày thường. Với phương châm tạo thương hiệu dựa trên cung cách phục vụ và chế độ vận hành, Công ty CP Vận tải Văn Minh được đánh giá là đơn vị vận tải có chất lượng.

“Công ty có đội ngũ lái xe là những người lành nghề có kinh nghiệm lâu năm. Hàng năm, trong các cuộc thi lái xe giỏi toàn quốc, Văn Minh luôn đoạt danh hiệu cao nhất” - ông Nguyễn Đàm Văn, Giám đốc công ty cho biết.

Ông Nguyễn Đàm Văn - Giám đốc Công ty CP Vận tải Văn Minh. Ảnh: NVCC
Ông Nguyễn Đàm Văn - Giám đốc Công ty CP Vận tải Văn Minh. Ảnh: NVCC

Có được thành quả này không chỉ vì công ty là đơn vị có chế độ đào tạo tốt mà còn tạo được phong trào thi đua sâu rộng trong cán bộ, nhân viên. Mỗi lái xe, nhân viên công ty đều có được môi trường cạnh tranh lành mạnh, ấy là đánh giá hiệu quả công việc theo sự hài lòng của khách hàng, từ thái độ phục vụ đến chất lượng vận tải trong mỗi chuyến đi. Nếu nhân viên nào nhận được lời khen, sự cảm ơn của khách hàng sẽ được tăng điểm thi đua trong tháng, và sẽ được nhận thưởng hàng tháng, hàng quý và dịp cuối năm, đồng thời nếu bị khách hàng khiển trách sẽ bị phạt.

“Hàng năm, công ty còn có hội thi văn hoá ứng xử, hội thi tay lái giỏi, vừa là để củng cố nghề vừa để kích thích sự sáng tạo, tinh thần thi đua trong cán bộ, nhân viên”, ông Nguyễn Đàm Văn cho biết.

Trong hơn 10 năm hoạt động, Văn Minh đã có bộ sưu tập về giải thưởng khá đồ sộ: Giải vô lăng Vàng 4 năm liên tục (từ 2013 - 2016); giải thưởng Hội thi Lái xe giỏi Quốc gia. Riêng cá nhân giám đốc Nguyễn Đàm Văn là 1 trong 100 doanh nhân giỏi năm 2016, 9 gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Nghệ An năm 2013. Để phát huy những thành quả mà công ty đã đạt được trong nhiều năm qua, ông Văn cho biết, tiêu chí của công ty vẫn là lấy sự hài lòng của khách hàng làm thước đo thành công, và theo ông, các đơn vị vận tải cần nhận thức rằng “khách hàng không phải là thượng đế mà là ân nhân của chúng ta”.

Thanh Nga

TIN LIÊN QUAN