100% doanh nghiệp khai thác thiếc được kiểm tra đều có sai phạm
(Baonghean) - 9 doanh nghiệp khai thác khoáng sản thiếc được kiểm tra đều phát hiện lỗi vi phạm, qua đó cho thấy, cần phải thực hiện giám sát nghiêm ngặt việc bảo vệ môi trường tại các mỏ thiếc bởi nước thải, bùn thải sau quá trình tuyển thiếc đều gây hại.
Kiểm tra là ra vi phạm
Sau vụ vỡ đập chứa bùn thải của Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra tất cả các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. 9 doanh nghiệp khai thác khoáng sản thiếc “được” thanh, kiểm tra gồm: Công ty TNHH thiếc Hà An, Công ty TNHH Hà Cương, Công ty CP Tân Hoàng Khang, Công ty TNHH Hồng Lương, Công ty TNHH Duyên Hoàng, Công ty CP khoáng sản và thương mại Trung Hải, Công ty CP đầu tư và xây dựng Phú Sơn, Công ty TNHH Hồng Bảo Ngọc, Công ty CP khoáng sản Thành Châu Nghệ An.
Đến nay, đã có 6/9 doanh nghiệp nêu trên bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 335 triệu đồng. Điều đáng nói là qua kiểm tra cho thấy, cũng như Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh, cả 9 doanh nghiệp đều không tuân thủ những cam kết mà chính họ nêu ra trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đó là việc xây dựng các công trình hồ đập xử lý nước thải từ hoạt động tuyển quặng, bãi thải chưa đúng nội dung báo cáo ĐTM được duyệt; thực hiện quan trắc, giám sát môi trường không đủ tần suất theo nội dung ĐTM được duyệt; Khu vực lưu trữ chất thải có quy cách chưa đúng quy định; chưa có giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành.
Đê chắn hồ lắng của Công ty TNHH Hồng Bảo Ngọc tại xã Châu Thành (Quỳ Hợp) đắp bằng bùn thải được đánh giá là không đảm bảo an toàn. Ảnh: Nhật Lân |
Như Công ty TNHH thiếc Hà An được Bộ TN&MT cấp phép khai thác khoáng sản thiếc tại khu vực Suối Bắc, xã Châu Hồng. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định công ty chưa đảm bảo tiến độ xây dựng cơ bản mỏ và hoạt động khai thác; chưa tuân thủ nguyên tắc chung về quản lý chất lượng công trình. Đối với khai trường 1, đã xây dựng 2 hồ lắng với tổng diện tích khoảng 500m2, bờ hồ rộng khoảng 3m được đắp bằng đất đá thải có thể bị sạt lở khi có mưa lớn; đã tạo các rãnh để thoát nước mưa chảy tràn, tuy nhiên hệ thống này chưa hoàn thiện; bùn thải từ quá trình tuyển quặng được đổ ngay bên cạnh các hố lắng, một phần đã được chuyển đến tại bãi thải có diện tích rộng khoảng 2.000m2, tuy nhiên vị trí bãi thải không đúng với vị trí quy hoạch và hiện đã đổ thải ngang đường vận tải.
Hoặc như Công ty TNHH Hồng Bảo Ngọc được Bộ TN&MT cấp phép khai thác khoáng sản tại khu vực Suối Mai, xã Châu Thành, chưa đảm bảo tiến độ xây dựng cơ bản mỏ và hoạt động khai thác; chưa tuân thủ nguyên tắc chung về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Nước thải sản xuất từ quá trình tuyển quặng được thu và xử lý qua 2 hồ lắng, trong đó hồ số 1 có diện tích 550m2 được chia làm 2 ngăn, hồ số 2 có diện tích 300m2, cả 2 hồ được lót đáy phía trên đắp đê chắn.
Nhưng đê được đắp từ bùn thải có chiều rộng 5 - 7m chưa đảm bảo an toàn, việc đắp đê chắn và diện tích các hồ lắng chưa đúng theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt; nước mưa chảy tràn chủ yếu để tự chảy, chỉ có một số khu vực có rãnh thoát nước; chất thải sản xuất, đất đá thải một phần để tại khai trường. Bùn tuyển quặng được đổ về bãi thải trong khu vực quy hoạch, tuy nhiên đê đắp bãi thải được làm bằng bùn đất vét từ hồ lắng với mặt đê rộng khoảng 4m là chưa đảm bảo an toàn.
Phải giám sát chặt chẽ
Để có sự đánh giá mức độ ô nhiễm kim loại nặng từ hoạt động khai thác khoáng sản, năm 2013, Sở TN&MT từng thực hiện một cuộc điều tra, đánh giá cụ thể, chi tiết. Riêng với khoáng sản thiếc, đơn vị thực hiện điều tra là Công ty CP đầu tư Công nghệ và Môi trường Bắc miền Trung đã khảo sát thực tế trên địa bàn các xã Châu Hồng, Châu Thành, Châu Tiến, Châu Cường, Liên Hợp (Quỳ Hợp), là nơi có các doanh nghiệp được cấp phép khai thác thiếc.
Đánh giá chung là nhiều đơn vị khai thác chưa áp dụng triệt để các biện pháp xử lý nước thải, để chảy ra suối Nậm Tôn, Nậm Huống khiến nguồn nước đầu nguồn bị biến đổi sang màu đục, sẫm; làm suy giảm công năng các công trình thủy lợi, ảnh hưởng đến nước sinh hoạt, giảm năng suất sản xuất lúa nước hai vụ của người dân các xóm Bản Thắm (xã Châu Cường), Diềm Bày, Tồng Huống, Quang Hương (xã Châu Quang).
Hồ lắng thải của Công ty TNHH Hồng Bảo Ngọc. Ảnh: Nhật Lân |
Đơn vị thực hiện điều tra đã lấy mẫu nước và đất, trầm tích từ các khu vực hố lắng, kênh thoát nước thải, khu vực mỏ, hồ chứa nước phục vụ sản xuất, điểm đầu và cuối kênh thoát nước… của các doanh nghiệp khai thác thiếc để thực hiện phân tích. Qua đó cho thấy, có nhiều chỉ số vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Như tại mỏ thiếc Thung Lìn, xã Châu Hồng (Công ty CP Tân Hoàng Khang), các mẫu nước mặt đều có hàm lượng As, Pb, Fe vượt ngưỡng giới hạn cho phép; đất có hàm lượng As vượt giới hạn cho phép 1,01 lần; trầm tích có hàm lượng Cd vượt giới hạn cho phép.
Với mỏ thiếc của Công ty CP Khoáng sản và thương mại Trung Hải ở xã Châu Hồng, nước mặt có hàm lượng Pb vượt từ 1,04 đến 1,46 lần giới hạn cho phép; Cd vượt từ 1,5 đến 6 lần giới hạn cho phép; Fe vượt từ 1,25 đến 1,82 lần giới hạn cho phép; đất có hàm lượng Cd vượt giới hạn cho phép 1,26 lần; trầm tích có hàm lượng Cd vượt giới hạn cho phép 3,07 lần. Hoặc như tại mỏ thiếc của Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh tại xã Châu Thành, nước mặt có hàm lượng Cd vượt giới hạn cho phép từ 8,8 đến 15,1 lần; đất có hàm lượng As vượt giới hạn cho phép 1,05 lần, hàm lượng Cd vượt giới hạn cho phép 1,29 lần; trầm tích có hàm lượng Cd vượt giới hạn cho phép 1,09 lần.
Công ty CP đầu tư Công nghệ và môi trường Bắc miền Trung cũng đã thực hiện lấy mẫu nước mặt, trầm tích ở các dòng suối, ruộng đang canh tác ở các vùng có ảnh hưởng. Kết quả với suối Nậm Huống, nhiều mẫu nước mặt có hàm lượng As, Fe vượt giới hạn cho phép. Các mẫu trầm tích có nhiều mẫu hàm lượng As, Pb vượt giới hạn cho phép. Ở suối Nậm Tôn, trong 15 mẫu nước mặt được phân tích có 8 mẫu hàm lượng As vượt giới hạn cho phép; 15 mẫu trầm tích có 3 mẫu có hàm lượng Pb vượt giới hạn cho phép.
Tại suối Mai với 2 mẫu được phân tích thì cả 2 mẫu đều có hàm lượng As, Fe vượt giới hạn cho phép; 2 mẫu trầm tích có hàm lượng As, Pb vượt giới hạn. Với suối Bắc, trong 2 mẫu nước được phân tích đều có hàm lượng As vượt giới hạn cho phép từ 1,5 - 1,94 lần, 1 mẫu có hàm lượng Fe vượt giới hạn 1,47 lần; 2 mẫu trầm tích được phân tích thì cả hai đều có hàm lượng Cd và Pb vượt ngưỡng, có 1 mẫu hàm lượng As vượt 1,09 lần. Ruộng canh tác ở xã Châu Quang cũng được lấy 5 mẫu phân tích; kết quả cả 5 mẫu đều có hàm lượng As vượt ngưỡng từ 1,11 - 1,47 lần.
Với các thông tin của đề án đánh giá mức độ ô nhiễm kim loại nặng đối với đất, nước do hoạt động khai thác khoáng sản, cho thấy nước thải và các chất thải sau quá trình khai thác, sàng tuyển thiếc đều có chứa các chất gây nguy hại cho môi trường.
Cùng với sự cố vỡ đập xả thải của Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh và kết quả thanh, kiểm tra 9 doanh nghiệp khai thác thiếc, hoàn toàn có thể khẳng định, hầu hết các doanh nghiệp khai thác thiếc đều không nghiêm túc chấp hành các cam kết đánh giá tác động môi trường và các bản cam kết thực hiện bảo vệ môi trường; khẳng định việc khai thác khoáng sản thiếc đã và đang có tác động rất xấu đến môi trường.
Bởi vậy, ngoài việc buộc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc những nội dung mà qua thanh, kiểm tra đã chỉ ra thì các cơ quan có thẩm quyền cần làm tốt công tác hậu kiểm và thực hiện giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác của các doanh nghiệp này./.
Nhật Lân
TIN LIÊN QUAN |
---|