Khó 'phủ sóng' bảo hiểm y tế hộ gia đình

16/06/2017 06:03

(Baonghean) - Rất nhiều người dân hiện nay còn mang tư tưởng khi nào có bệnh mới mua bảo hiểm y tế. Mặc dù việc đóng bảo hiểm y tế là bắt buộc nhưng đối với những trường hợp không tuân thủ, vẫn không có chế tài xử lý nên công tác triển khai nhằm “phủ sóng” bảo hiểm đến từng nhà đang gặp nhiều khó khăn.

Nhiều tháng nay, bà Nguyễn Thị Mai (60 tuổi, trú huyện Quỳnh Lưu), xem bệnh viện là nhà vì căn bệnh ung thư vú. Hồi đầu năm, khi được chẩn đoán bệnh, bà được các bác sỹ yêu cầu ở lại bệnh viện để chữa trị kịp thời. Nỗi lo về căn bệnh quái ác cộng với những khoản viện phí sắp phải trả khi điều trị dài hạn khiến bà dường như suy sụp. “Nghe bác sỹ nói làm tôi gần như tuyệt vọng. Nhà cách thành phố Vinh gần 80 km, các con mỗi lần vào chăm sóc cũng tốn kém không ít”, bà Mai nói.

Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh việnĐa khoa khu vực Tây Nam Nghệ An.Ảnh: Thanh Sơn
Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nam Nghệ An. Ảnh: Thanh Sơn

Nhà chỉ có vài sào ruộng, không có tiền tiết kiệm, số tài sản ít ỏi trong nhà vì thế lần lượt “đội nón ra đi” sau những lần đóng viện phí. “Chồng thì mất đã lâu, các con cũng chẳng khấm khá gì. Bây giờ nợ cũng đã chồng chất. Nhiều lúc nghĩ quẩn, tôi chỉ muốn chết đi cho đỡ khổ. Giá như có bảo hiểm y tế cũng đỡ đi phần nào” - bà Mai thất thần nói. Trước đây, bà Mai từng đóng bảo hiểm y tế đều đặn, tuy nhiên nhiều năm nay, cho rằng sức khỏe bản thân đã tốt, bà Mai dừng tham gia. “Tôi thấy nhiều người chỉ đóng khi hay đau ốm. Tôi lâu nay vẫn thấy mình khỏe mạnh, nghĩ không bệnh tật gì nên bỏ. Ai ngờ….” - người phụ nữ 60 tuổi nói và cho hay, căn bệnh của bà hiện đã khá nặng, phải điều trị bằng những loại thuốc đắt tiền, khó khăn lại chồng chất khó khăn.

Cùng cảnh ngộ bệnh tật với bà Mai, ông Nguyễn Văn Khánh (66 tuổi, trú huyện Diễn Châu) nói rằng, mặc dù đau ốm nhưng vẫn còn may mắn vì khoản tiền phải chi trả từ khi điều trị đến nay không cao như dự tính. “Năm ngoái, thấy con gái làm việc ở thành phố về khuyên đóng bảo hiểm. Lúc đó nghĩ già rồi, hay đau ốm nên tôi mới tham gia. Cách đây hơn một tháng, tôi đi khám và phát hiện có khối u ở não nên phải nhập viện điều trị. Hiện nay, mình chỉ tốn kém ít khoản như ăn uống đi lại, không đáng là bao” - ông Khánh nói.

Qua tìm hiểu từ một số người dân, tư tưởng “có bệnh mới mua bảo hiểm” như ông Khánh, bà Mai hiện vẫn còn phổ biến. Họ cho rằng, khỏe mạnh thì không nên mua bảo hiểm vì tốn tiền. Mặc dù họ biết rằng, việc đóng bảo hiểm y tế hiện nay là bắt buộc. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định bắt buộc toàn dân tham gia BHYT được chia thành năm nhóm theo trách nhiệm đóng, gồm: nhóm đối tượng người lao động và người sử dụng lao động đóng; nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng; nhóm do ngân sách nhà nước đóng; nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng và nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Các đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình là những người chưa tham gia một trong bốn nhóm còn lại.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện còn khoảng 30% dân số (tức khoảng 30 triệu người) chưa có thẻ BHYT, phải tự chi trả viện phí khi đi khám, chữa bệnh. Quy định mới bắt buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình cũng nhằm mục đích "phủ sóng" số người còn thờ ơ với BHYT này.

Bắt đầu từ ngày 1/1/2015, những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú bắt buộc phải cùng tham gia bảo hiểm theo hộ gia đình, nếu một thành viên không tham gia cũng không được. UBND cấp xã có trách nhiệm lập danh sách thông qua việc rà soát, kê khai. Hồ sơ tham gia bảo hiểm được lập theo hộ gia đình, nhưng thẻ BHYT được cấp cho từng thành viên để bảo đảm thuận lợi khi đi khám, chữa bệnh. Nhằm hỗ trợ đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình, luật quy định cơ chế khuyến khích theo hướng giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi. Cụ thể, người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng chỉ bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Thanh toán viện phí cho bệnh nhân có BHYT ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Ảnh: Tư liệu
Thanh toán viện phí cho bệnh nhân có BHYT ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Ảnh: Tư liệu

Việc đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng nhiều gia đình chỉ chọn mua BHYT cho những người ốm, người bị bệnh mạn tính, chưa có ý thức mua cho toàn bộ thành viên trong gia đình để phòng khi ốm đau và chia sẻ rủi ro cho người khác. Điều này dẫn đến việc quỹ BHYT cho đối tượng tự nguyện luôn bội chi; mục đích chia sẻ rủi ro của bảo hiểm chưa đạt được. Tuy nhiên, công tác triển khai để bảo hiểm y tế hộ gia đình “phủ sóng” đến từng nhà đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Ngô Ngọc Thanh - Trưởng phòng Khai thác và thu nợ (Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An), mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng sau hơn 2 năm triển khai, số người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình mới chỉ đạt 47%. “Luật thì bắt buộc nhưng lại không có chế tài xử lý những người không tham gia nên chúng tôi cũng khó. Trong khi đó, người dân thì vẫn giữ tâm lý có bệnh mới mua bảo hiểm”, ông Thanh nói. Mặc khác, ông Thanh cho rằng, nguyên nhân tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình chưa cao là do hệ thống đại lý thu hoạt động chưa tích cực.

Một số đại lý còn thụ động chờ người dân đến đăng ký mà chưa chủ động đến tiếp cận người dân để tuyên truyền, vận động người dân. Ngoài ra, những người này chủ yếu là kiêm nhiệm, không tập trung vào thực hiện công tác bảo hiểm y tế nên còn nhiều hạn chế trong việc vận động cũng như hướng dẫn thủ tục cho người dân. Trong khi đó, việc phối hợp của các xã, phường trong việc lập danh sách tăng, giảm thành viên hộ gia đình tham gia bảo biểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội vẫn chưa chặt chẽ.

Theo thống kê đến ngày 31/5/2017, trên địa bàn Nghệ An chỉ mới có hơn 300.000 người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình. Trong đó tập trung chủ yếu ở thành phố Vinh (46.000 người), huyện Quỳnh Lưu (43.000 người), Diễn Châu (36.000 người).... Trong khi đó, một số địa phương như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong số người tham gia chỉ chưa đến 500 người.

Để khắc phục khó khăn, tăng tỷ lệ người tham gia, Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An đang nỗ lực để thời gian tới có thể mở rộng hệ thống đại lý, tăng số lượng nhân viên đến từng thôn, bản, tổ dân phố. Đồng thời, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình theo hướng chuyên nghiệp bằng cách phát động phong trào thi đua phát triển đối tượng tham gia.

Tiến Hùng

TIN LIÊN QUAN